Banner trang chủ

Xây dựng Hướng dẫn kỹ thuật về mô hình khu công nghiệp sinh thái

28/06/2017

     Ngày 27/6/2017, tại Hà Nội, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) phối hợp với Tổ chức Phát triển Công nghiệp Liên hợp quốc (UNIDO) tổ chức Hội thảo góp ý dự thảo Hướng dẫn kỹ thuật quốc gia về khu công nghiệp sinh thái (KCNST). Đây là hoạt động quan trọng trong khuôn khổ Dự án Triển khai sáng kiến KCNST hướng tới mô hình KCN bền vững tại Việt Nam.

     Phát biểu tại Hội thảo, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường Hoàng Dương Tùng cho biết, Việt Nam hiện có gần 300 KCN đang hoạt động trên cả nước, trong đó 23% KCN chưa có hệ thống xử lý nước thải tập trung (HTXLNT). Theo thống kê sơ bộ, trong tổng số 600.000 m³ nước thải của các KCN, có khoảng 200.000 m³ nước thải không qua HTXLNT. Một số KCN không xây dựng HTXLNT trước khi đi vào hoạt động, một số KCN đã xây dựng HTXLNT nhưng không thu hút được đầu tư, dẫn đến hoạt động không hiệu quả. Về chất thải rắn (CTR), các cơ sở sản xuất trong KCN chủ yếu tự ký hợp đồng vận chuyển, xử lý với các đơn vị được cấp phép đối với CTR công nghiệp và nguy hại.

 

Hội thảo góp ý dự thảo Hướng dẫn kỹ thuật quốc gia về KCNST

 

     Trao đổi về mô hình KCNST, Vụ trưởng Vụ Quản lý các khu kinh tế, Bộ KH&ĐT Trần Duy Đông nhấn mạnh, sự phát triển nhanh chóng của sản xuất công nghiệp và phát triển các KCN đặt ra yêu cầu phải có một mô hình KCN mới theo những tiêu chuẩn tiên tiến về mức phát thải khí nhà kính, xử lý chất thải và không gian xanh, khuyến khích công nghệ tái chế, tái sử dụng năng lượng và chất thải. Vì vậy, KCNST là một hướng đi đúng đắn, hướng tới một nền sản xuất quan tâm đến môi trường, xã hội và đảm bảo phát triển bền vững. Nhằm thực hiện mục tiêu xanh hóa sản xuất trong Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh, Bộ KH&ĐT đang nghiên cứu, xây dựng quy định cụ thể về KCNST, trong đó có Hướng dẫn kỹ thuật quốc gia về KCNST (Hướng dẫn).

     Tại Hội thảo, các đại biểu đã tập trung thảo luận về dự thảo Hướng dẫn, các yêu cầu và tiêu chuẩn kỹ thuật tối thiểu của KCNST, nhằm góp phần thể chế hóa mô hình KCNST tại Việt Nam và phù hợp với định hướng của Chính phủ Việt Nam trong việc phát triển mô hình này trong thời gian tới. Theo đó, KCNST là một cộng đồng doanh nghiệp (DN) sản xuất và cung cấp dịch vụ nằm ở cùng một địa điểm có mối liên hệ mật thiết trên cùng một lợi ích, cùng hướng tới một hoạt động mang tính xã hội, kinh tế và môi trường chất lượng cao, nâng cao hiệu quả kinh tế, môi trường, xã hội thông qua sự hợp tác về quản lý các vấn đề môi trường và tài nguyên. Dự thảo Hướng dẫn được xây dựng trên cơ sở thông tin điều kiện cơ sở của các KCN ở Việt Nam thông qua 8 KCN và 20 DN được lựa chọn trong nghiên cứu cùng kinh nghiệm thực tiễn tại Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc, Mỹ, Đan Mạch. Tuy nhiên, dự thảo Hướng dẫn cần làm rõ những lợi ích của chứng nhận KCNST đối với DN, KCN, cũng như các cơ hội và thách thức, xu thế của thế giới trong việc xây dựng KCNST; đồng thời, đề xuất lộ trình phát triển mô hình này trong thời gian tới.

 

Phương Tâm

 

     Dự án Triển khai sáng kiến KCNST hướng tới mô hình KCN bền vững tại Việt Nam do Bộ KH&ĐT phối hợp với UNIDO thực hiện, với nguồn kinh phí hỗ trợ từ Quỹ Môi trường Toàn cầu và Cục Kinh tế Thụy Sỹ. Dự án có tổng kinh phí viện trợ không hoàn lại là 4.554.000 USD với mục tiêu tăng cường chuyển giao, ứng dụng, phổ biến công nghệ và các biện pháp sản xuất sạch hơn, tiết kiệm năng lượng, quản lý tài nguyên và hóa chất tại các KCN. Đồng thời, thúc đẩy việc hợp tác sử dụng chung tài nguyên và các sản phẩm phụ giữa các DN trong cùng KCN, từ đó thí điểm chuyển đổi sang KCNST đối với các KCN: Khánh Phú (Ninh Bình), Hòa Khánh (Đà Nẵng) và Trà Nóc 1&2 (Cần Thơ).

 

Ý kiến của bạn