Banner trang chủ

Xây dựng bộ tiêu chí Thành phố bền vững về môi trường tại Việt Nam

15/09/2015

​     Ngày 21/11/2013, tại Hà Nội, Tổng cục Môi trường đã tổ chức Hội thảo Xây dựng bộ tiêu chí (BTC) Thành phố bền vững về môi trường ở Việt Nam. Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường Nguyễn Thế Đồng đến dự và chủ trì Hội thảo.          Phát biểu khai mạc Hội thảo, Phó Tổng cục trưởng cho biết, xây dựng BTC Thành phố bền vững về môi trường tại Việt Nam là việc làm cần thiết, giúp Việt Nam đẩy mạnh mối quan hệ hợp tác với các nước trên thế giới, do đó, việc xây dựng BTC cần phải phù hợp với bản sắc, đặc trưng của từng thành phố.      Theo Báo cáo của Viện Khoa học quản lý môi trường, BTC Thành phố bền vững về môi trường được thiết kế với các tiêu chí, chỉ tiêu quan trọng, nhằm phản ánh các vấn đề về sự phát triển bền vững môi trường tại các đô thị một cách cơ bản, khái quát nhất. Trên cơ sở nghiên cứu văn bản, chính sách quy định về phát triển đô thị bền vững về môi trường ở Việt Nam; Nghiên cứu kinh nghiệm xây dựng tiêu chí thành phố bền vững về môi trường của các tổ chức và các nước trên thế giới như BTC Thành phố bền vững về môi trường của Liên hợp quốc, ASEAN, Tập đoàn Siemen, Trung Quốc, Thái Lan… Đồng thời, dựa trên thực trạng môi trường hiện nay tại các đô thị Việt Nam, nhóm nghiên cứu của Viện Khoa học quản lý môi trường đã xây dựng BTC thành phố bền vững về môi trường gồm 6 tiêu chí: Chất thải rắn; nước; chất lượng không khí; không gian xanh; giao thông vận tải; sử dụng năng lượng hiệu quả, năng lượng mới và năng lượng tái tạo.      Tại Hội thảo, các đại biểu đã thảo luận về sự cần thiết, tính phù hợp của BTC; Xem xét, đánh giá vai trò, tầm quan trọng của BTC, trên cơ sở đó góp ý kiến xây dựng thang điểm đánh giá cho BTC.     Tại Việt Nam, Chiến lược phát triển bền vững 2011 - 2020 đã đưa ra các định hướng ưu tiên trong lĩnh vực TN&MT như: Chống thoái hóa, sử dụng bền vững tài nguyên đất, nước; quản lý chất thải rắn thông thường và chất thải rắn nguy hại; bảo tồn ĐDSH và chống biến đổi khí hậu. Chương trình phát triển đô thị 2012 - 2020 cũng đưa ra một số mục tiêu như: Nâng cao tỷ lệ thu gom, tái chế, tái sử dụng chất thải rắn; nâng tỷ lệ chất thải rắn nguy hại và y tế được xử lý, tiêu hủy đạt tiêu chuẩn môi trường; cải thiện môi trường không khí; đẩy mạnh cung cấp nước sạch, xây dựng hệ thống nước thải tập trung.     Bùi Hằng    
Ý kiến của bạn