12/05/2017
Chiều ngày 11/5/2017, tại TP.HCM, trong khuôn khổ Hội chợ, triển lãm quốc tế về công nghệ môi trường và sản phẩm sinh thái (EPIF 2017) đã diễn ra Hội thảo Công nghệ môi trường, sản phẩm sinh thái Việt Nam - Nhật Bản. Tham dự Hội thảo, về phía Bộ TN&MT có Thứ trưởng Bộ TN&MT Võ Tuấn Nhân, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường Nguyễn Thế Đồng, đại diện Lãnh đạo một số đơn vị thuộc Tổng cục Môi trường; Phía Nhật Bản có ông Hajime Bada - Chủ tịch Ban Cố vấn Năng xuất xanh và đại diện các doanh nghiệp Nhật Bản tham gia Hội chợ, triển lãm.
Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân phát biểu tại Hội thảo
Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ TN&MT Võ Tuấn Nhân mong muốn đây là cơ hội để hai bên cùng thông tin những chính sách của Chính phủ Việt Nam về công nghệ môi trường và sản phẩm sinh thái; Trao đổi thông tin về nhu cầu đầu tư công nghệ môi trường của Việt Nam; Tăng cường xúc tiến thương mại môi trường giữa doanh nghiệp Việt Nam - Nhật Bản. Đồng thời, đây còn là dịp kết nối cho các doanh nghiệp Nhật Bản với các cơ quan quản lý môi trường Việt Nam.
Toàn cảnh Hội thảo
Hiện nay, môi trường Việt Nam đang ngày càng chịu nhiều áp lực lớn từ các hoạt động sản xuất công nghiệp, khai thác khoáng sản, sử dụng lượng lớn thuốc bảo vệ thực vật, sử dụng công nghệ lạc hậu... đã tạo sức ép cho cơ quan quản lý môi trường. Trước yêu cầu quá trình hội nhập, các cam kết quốc tế Việt Nam đã ban hành nhiều chính sách quản lý môi trường. Bên cạnh đó, Chính phủ Việt Nam cũng có nhiều ưu đãi, hỗ trợ cho các dịch vụ, sản phẩm, hoạt động BVMT nhằm tăng cường hợp tác, đầu tư vào Việt Nam, trong đó có các doanh nghiệp Nhật Bản.
Tại Hội thảo, đại diện Tổng cục Môi trường đã thông tin tới các doanh nghiệp Nhật Bản về hiện trạng môi trường Việt Nam, những chính sách mới về BVMT và nhu cầu đầu tư công nghệ thân thiện mới môi trường mà Việt Nam đang hướng tới.
Đại diện một số doanh nghiệp Nhật Bản đã nêu ý kiến mong muốn các cơ quan chức năng của Việt Nam cần có chính sách hỗ trợ giá điện đối với các doanh nghiệp đầu tư hệ thống xử lý chất thải thành điện năng; giảm thiểu tình trạng đốt rơm, rạ sau thu hoạch gây ô nhiễm không khí…
Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm
Liên quan đến một số nội dung các doanh nghiệp Nhật Bản quan tâm, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường Nguyễn Thế Đồng cho biết, hiện nay Việt Nam rất thiếu công nghệ môi trường, nhất là công nghệ xử lý tro xỉ; công nghệ môi trường xử lý ao, hồ; công nghệ xử lý trong nông nghiệp và công nghệ phục hồi môi trường sau khai thác khoáng sản…do đo đề nghị các doanh nghiệp Nhật Bản nào đủ điều kiện cùng tham gia đầu tư. Sau buổi gặp này, nếu các doanh nghiệp Nhật Bản có mong muốn hợp tác về công nghệ môi trường sẽ được Trung tâm Tư vấn công nghệ môi trường, Tổng cục Môi trường làm đầu mối hỗ trợ - Phó Tổng cục trưởng Nguyễn Thế Đồng nhấn mạnh.
Kết luận Hội thảo, Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân đã đánh giá rất cao tinh thần hợp tác đầu tư, cũng như công nghệ kỹ thuật, các sản phẩm thân thiện với môi trường của Nhật Bản mà Việt Nam đang có nhu cầu rất lớn. Nhận thức rất rõ hiểm họa môi trường đối với đời sống, Việt Nam đã tham gia rất tích cực và trách nhiệm với cam kết quốc tế về BVMT. Do đó, Chính phủ Việt Nam luôn tạo những chính sách ưu đãi để các doanh nghiệp đầu tư lĩnh vực BVMT về giá đất, thuế, vốn vay cho các công nghệ, sản phẩm thân thiện không phân biệt doanh nghiệp Việt Nam và nước ngoài. Nhật Bản là quốc gia có trình độ công nghệ xử lý môi trường tiên tiến, do đó rất mong các bạn tiếp tục tìm hiểu và đầu tư tại Việt Nam.
Đinh Hương