22/09/2016
Ngày 22/9/2016, tại Hà Nội, Tổng cục Môi trường đã tổ chức Hội thảo Triển khai thực hiện Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý chất lượng không khí đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025. Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân chủ trì Hội thảo.
Tham dự Hội thảo còn có Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường Mai Thanh Dung, đại diện các đơn vị trong Tổng cục cùng với các Bộ, ngành, tổ chức quốc tế, chuyên gia và một số địa phương.
Toàn cảnh Hội thảo |
Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý chất lượng không khí đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 1/6/2016. Mục tiêu cụ thể là kiểm soát tốt các nguồn khí thải, tập trung vào nguồn khí thải công nghiệp, năng lượng lớn và giao thông, đến năm 2020 đảm bảo 80% các cơ sở sản xuất thép, hóa chất và phân bón hóa học xử lý bụi và các khí thải SO2, NOx, CO đạt Quy chuẩn kỹ thuật môi trường; 90% cơ sở sản xuất nhiệt điện, 80% cơ sở sản xuất ximăng, 70% cơ sở sản xuất thép, hóa chất và phân bón hóa học đầu tư lắp đặt thiết bị quan trắc khí thải tự động liên tục với các thông số theo Quy chuẩn kỹ thuật môi trường; kiểm kê khí thải cho 90% cơ sở sản xuất nhiệt điện, 80% cơ sở sản xuất xi măng, 70% cơ sở sản xuất thép, hóa chất và phân bón hóa học… Để thực hiện mục tiêu này, các nhóm nhiệm vụ và giải pháp cần được triển khai đồng bộ như: hoàn thiện cơ chế chính sách; kiện toàn tổ chức, nâng cao năng lực; kiểm soát nguồn thải, thanh tra, kiểm tra; nghiên cứu khoa học công nghệ và hợp tác quốc tế.
Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân cho biết, vấn đề ô nhiễm không khí đã và đang ảnh hưởng tới phát triển bền vững của nước ta. Mặc dù đã có nhiều nỗ lực nhằm giảm thiểu ô nhiễm không khí, nhưng nước ta vẫn đang phải đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức về quản lý và kiểm soát khí thải. Là cơ quan đầu mối, Bộ TN&MT sẽ tích cực phối hợp và hỗ trợ các cơ quan, Bộ/ngành, địa phương triển khai thực hiện Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý chất lượng không khí đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025. Thứ trưởng mong muốn, các tổ chức quốc tế tiếp tục hỗ trợ Việt Nam hoàn thiện cơ chế chính sách, chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn về kiểm soát ô nhiễm không khí, xây dựng cơ sở dữ liệu về khí thải; đồng thời kêu gọi sự tham gia của các nhà khoa học, các tổ chức nghiên cứu trong việc ứng dụng các công cụ kỹ thuật vào quản lý chất lượng không khí…
Tại Hội thảo, các đại biểu đã thảo luận những khó khăn, vướng mắc trong công tác quản lý chất lượng không khí của các Bộ, ngành, địa phương và sự hỗ trợ, phối hợp từ cơ quan Trung ương, tổ chức quốc tế. Đặc biệt, đề xuất một số giải pháp cụ thể để thực hiện Kế hoạch, góp phần cải thiện môi trường không khí của Việt Nam, đảm bảo mục tiêu phát triển bền vững đất nước.
Hồng Nhung