21/08/2018
Ngày 20/8/2018, tại TP. Quy Nhơn, tỉnh Bình Định, Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà; các Thứ trưởng: Nguyễn Thị Phương Hoa, Trần Quý Kiên, Lê Công Thành; Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Bình Định Nguyễn Thanh Tùng; Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Hồ Quốc Dũng; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Châu đã chủ trì Hội nghị giao ban công tác quản lý TN&MT các tỉnh, TP trực thuộc Trung ương khu vực phía Nam. Tham dự Hội nghị có đại diện Lãnh đạo các đơn vị trực thuộc Bộ TN&MT; Giám đốc, Phó Giám đốc Sở TN&MT, Chi cục trưởng Chi cục: Quản lý đất đai, Môi trường, Biển và hải đảo của 32 tỉnh, TP khu vực phía Nam.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết, triển khai thực hiện kế hoạch 5 năm 2016 - 2020, ngành TN&MT phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Tuy nhiên, với sự chỉ đạo của Đảng, Chính phủ, Nhà nước cùng sự quyết tâm, đồng lòng của toàn ngành và phối hợp chặt chẽ giữa Bộ TN&MT với UBND tỉnh, Sở TN&MT địa phương đã giải quyết được những vấn đề quan trọng của ngành tại các tỉnh, TP khu vực phía Nam.
Đối với lĩnh vực đất đai, ngành đã giải quyết từng bước vấn đề lãng phí đất đai, nhất là ở khu vực đô thị, ven biển. Khu vực Tây Nguyên đã tập trung chỉ đạo giải quyết vấn đề đất đai của các nông, lâm trường; một số địa phương đã có mô hình phù hợp tập trung đất đai cho sản xuất nông nghiệp; cả nước đã thực hiện cấp lần đầu gần 4 triệu Giấy chứng nhận mới, riêng các địa phương khu vực phía Nam đạt 97%; tỷ lệ phản ánh có bôi trơn sổ đỏ giảm 27% trong 2 năm 2016, 2017; đóng góp từ đất đai cho phát triển kinh tế - xã hội ngày càng tăng.
Bộ trưởng Trần Hồng Hà phát biểu tại Hội nghị
Trong lĩnh vực môi trường, đã cơ bản kiểm soát các dự án lớn, có nguy cơ ô nhiễm môi trường cao như: Khu xử lý rác Đa Phước, Nhà máy Giấy Lee & Man, Alumina Nhân Cơ, Bauxite - Nhôm Lâm Đồng, Nhà máy lọc hóa dầu Dung Quất; số lượng các khu công nghiệp có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt 71%; tỷ lệ thu gom, xử lý chất thải rắn tăng dần qua từng năm, đến nay lượng chất thải công nghiệp được xử lý đạt trên 90% khối lượng phát sinh; tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt xử lý đạt 85,5% ở đô thị và khoảng 50% ở nông thôn.
Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Hồ Quốc Dũng cho biết, với những thuận lợi về vị trí chiến lược trong kết nối giao thông, điều kiện tự nhiên, lịch sử văn hóa và những danh lam thắng cảnh, những năm gần đây, Bình Định đã và đang phát triển thành cực tăng trưởng phía Nam của Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung.
Theo Chủ tịch, Hội nghị giao ban công tác quản lý TN&MT các tỉnh, TP khu vực phía Nam là cơ hội để các tỉnh trong khu vực nói chung và tỉnh Bình Định nói riêng đánh giá kết quả đạt được, xác định những tồn tại, hạn chế… để cùng trao đổi kinh nghiệm và tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Bộ TN&MT, từ đó có giải pháp tốt nhất nhằm khắc phục khó khăn, nâng cao hiệu quả công tác quản lý TN&MT trong thời gian tới.
Tại Hội nghị, các đại biểu đã trao đổi, thảo luận về biện pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc; đề xuất, hiến kế hoàn thiện các chủ trương, cơ chế, chính sách về TN&MT; xác định các lĩnh vực, nhiệm vụ trọng tâm cần tập trung triển khai trong giai đoạn 2019 - 2021; bàn về giải pháp tăng cường sự phối hợp để thiết lập được kênh phối hợp trực tiếp, hiệu quả giữa Trung ương và địa phương với người dân, doanh nghiệp trong cung cấp dịch vụ công; giải pháp tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin thông qua việc ứng dụng chữ ký số để giải quyết các văn bản trao đổi, hướng dẫn chuyên môn; cung cấp các dịch vụ công trực tuyến để xây dựng nền tảng ứng dụng số trong toàn ngành.
Trên cơ sở ý kiến góp ý của đại biểu, Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà đề nghị Tổ thư ký Hội nghị tổng hợp, phân nhóm các kiến nghị; Thủ trưởng các đơn vị trực thuộc Bộ và các Giám đốc Sở chỉ đạo triển khai thực hiện các nhóm nhiệm vụ chiến lược cần ưu tiên: Tập trung rà soát, đánh giá, tiếp tục đổi mới chủ trương, cơ chế, chính sách, pháp luật để tạo được những đột phá mang tính cách mạng cho phát triển ở giai đoạn tiếp theo, trong đó tập trung vào lĩnh vực đất đai, BVMT, ứng phó với biến đổi khí hậu, quản lý tài nguyên nước, quản lý tổng hợp biển và hải đảo.
Vụ Pháp chế tổng hợp đề xuất bổ sung vào Chương trình xây dựng, ban hành văn bản pháp luật năm 2019 các văn bản giải quyết các vấn đề vướng mắc; tăng cường việc trao đổi lấy ý kiến trong quá trình xây dựng văn bản.
Toàn cảnh Hội nghị
Thanh tra Bộ rà soát kế hoạch thanh tra năm 2018; xác định sớm nội dung, đối tượng thanh tra, kiểm tra để hướng dẫn các địa phương xây dựng kế hoạch thanh tra năm 2019, đảm bảo sự thống nhất, đồng bộ giữa Trung ương và địa phương. Đặc biệt, Bộ trưởng nhấn mạnh tới việc phối hợp giữa Bộ với các địa phương trong việc giải quyết dứt điểm các khiếu nại, tố cáo kéo dài thời gian qua.
Vụ Tổ chức cán bộ, các trường đào tạo căn cứ vào nhu cầu đào tạo của các Sở TN&MT xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn cho đội ngũ cán bộ của ngành; Trung tâm Truyền thông TN&MT phối hợp tuyên truyền mô hình, các điểm sáng để các địa phương nhân rộng.
Cục Công nghệ thông tin và Dữ liệu TN&MT khẩn trương hoàn thiện hệ thống quản lý văn bản để đưa vào hoạt động trước ngày 1/9/2018; triển khai chữ ký số trong toàn ngành; xây dựng, triển khai hệ thống thông tin báo cáo ngành phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành.
Toàn ngành thực hiện tốt việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, nâng cao chỉ số PAPI, SIPAS, chỉ số tiếp cận đất đai trong chỉ số cạnh tranh cấp tỉnh, chỉ số Pa Index. Cùng với Quy chế phối hợp trong đó phân công rất rõ các đầu mối phối hợp; Bộ sẽ tiếp tục đẩy mạnh hệ thống chia sẻ kết nối thông tin chỉ đạo điều hành với các Sở, thực hiện phân quyền cho các Sở như một đơn vị thuộc Bộ...
Thực hiện việc đánh giá chấm điểm thủ trưởng các đơn vị trực thuộc Bộ, trong đó tiêu chí giải quyết các vấn đề của địa phương là một trong những chỉ tiêu đánh giá. Bộ sẽ nghiên cứu có cơ chế đánh giá về việc chấp hành chế độ báo cáo, sự phối hợp của các Sở TN&MT. Tăng cường cơ chế phối hợp từ lập, triển khai chương trình văn bản pháp luật, thanh tra kiểm tra; tổ chức triển khai các nhiệm vụ của ngành; trao đổi, giải quyết tháo gỡ các vướng mắc.
Đánh giá thực tiễn, nghiên cứu cơ sở khoa học để xây dựng mô hình tổ chức của ngành phù hợp với các chủ trương của Đảng về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức, bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Bộ sẽ phối hợp với Bộ Nội vụ hoàn thiện quy định về cơ cấu tổ chức của Sở TN&MT, trong đó quy định các đơn vị bắt buộc phải thành lập và các đơn vị do địa phương quyết định để vừa đảm bảo sự thống nhất trong chỉ đạo của Trung ương, vừa đảm bảo sự chủ động, phù hợp với thực tế của địa phương. Cùng với đó, đào tạo đội ngũ cán bộ từ Trung ương tới địa phương phù hợp với yêu cầu đổi mới và phát triển của ngành; Gắn quy hoạch với đào tạo, bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh và đẩy mạnh thực hiện luân chuyển cán bộ lãnh đạo, quản lý để đào tạo rèn luyện; Chú trọng trong công tác đầu tư, thu hút các nguồn lực phát triển mạng lưới hạ tầng quan trắc, thông tin, dữ liệu và ứng dụng công nghệ thông tin.
Bích Hồng (Tổng hợp)