30/12/2016
Ngày 29/12/2016, tại Hà Nội, Tổng cục Môi trường đã tổ chức Hội nghị Tổng kết công tác năm 2016 và triển khai nhiệm vụ công tác năm 2017. Tham dự Hội nghị có Thứ trưởng Bộ TN&MT Võ Tuấn Nhân; Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường Nguyễn Văn Tài; Các Phó Tổng cục trưởng Hoàng Dương Tùng, Nguyễn Thế Đồng, Mai Thanh Dung; Hoàng Văn Thức; Đại diện Lãnh đạo một số đơn vị trực thuộc Bộ và Tổng cục.
Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường Nguyễn Văn Tài phát biểu khai mạc Hội nghị
Phát biểu khai mạc, Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường Nguyễn Văn Tài cho biết, năm 2016 có ý nghĩa bản lề, quyết định sự thành công đối với việc hoàn thành các mục tiêu đã đề ra cho giai đoạn 2016 - 2020. Với sự chỉ đạo quyết liệt của các cấp Lãnh đạo, sự đoàn kết, nhất trí cao của tập thể Lãnh đạo Tổng cục Môi trường và sự nỗ lực của toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, sự phối hợp, hỗ trợ của các Bộ, ngành, cơ quan liên quan, năm 2016, công tác quản lý nhà nước về BVMT tiếp tục có những chuyển biến tích cực, đóng góp quan trọng vào những thành công chung của toàn ngành TN&MT. Vì vậy, Hội nghị là dịp để Tổng cục Môi trường nhìn nhận, đánh giá những kết quả đã đạt được cũng như những tồn tại, hạn chế trong công tác BVMT năm qua, từ đó xác định phương hướng, nhiệm vụ trong năm 2017.
Thứ trưởng Bộ TN&MT Võ Tuấn Nhân phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị
Xác định công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, hướng dẫn triển khai Luật BVMT năm 2014 là nhiệm vụ trọng tâm, năm 2016, Tổng cục Môi trường được giao chủ trì xây dựng 12 văn bản quy phạm pháp luật và 7 Đề án. Đến nay, đã có 1 Nghị định, 5 Thông tư, 1 Đề án được ban hành; 6 văn bản đã trình cấp có thẩm quyền xem xét, ban hành. Các văn bản pháp luật bám sát chủ trương đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng cường tính công khai, minh bạch, đảm bảo hài hòa lợi ích của Nhà nước, người dân và doanh nghiệp, tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý.
Bên cạnh đó, Tổng cục Môi trường đã tham mưu Lãnh đạo Bộ giải quyết nhiều vụ việc nóng về môi trường, góp phần bảo đảm an ninh chính trị, an toàn xã hội, đặc biệt là việc xác định nguyên nhân, thủ phạm gây nên hiện tượng cá chết hàng loạt tại các tỉnh ven biển miền Trung, buộc Công ty TNHH Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh thừa nhận là thủ phạm gây ra sự cố môi trường, công khai xin lỗi Chính phủ và nhân dân Việt Nam, cam kết bồi thường 500 triệu USD để hỗ trợ cho người dân vùng bị ảnh hưởng và xử lý ô nhiễm, phục hồi môi trường biển. Đồng thời, Tổng cục đã tổ chức thực hiện chương trình quan trắc môi trường biển, đề án đánh giá thiệt hại và tích cực, chủ động phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương thực hiện các hoạt động kiểm tra, giám sát việc khắc phục hậu quả của Công ty Formosa.
Trong bối cảnh phải tập trung toàn lực cho công tác tham mưu, xử lý các sự cố nghiêm trọng về môi trường và thực hiện nhiều nhiệm vụ đột xuất khác, Tổng cục vẫn tổ chức thành công nhiều hoạt động thiết thực về môi trường như Hội nghị trực tuyến toàn quốc về BVMT; Chuỗi sự kiện quốc gia kỷ niệm Ngày Môi trường thế giới (5/6); Lễ phát động “Tháng Hành động vì môi trường”; Diễn đàn Quốc hội về BVMT - những vấn đề cấp bách... góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm cũng như vai trò giám sát, phát hiện, xử lý các điểm nóng về ô nhiễm môi trường của người dân. Bên cạnh đó, Tổng cục đã triển khai kịp thời các công cụ quản lý nhà nước về BVMT, từ đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường đến xác nhận công trình BVMT; Thanh, kiểm tra về BVMT, xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng; Tiến hành rà soát, tổ chức thanh tra diện rộng các nguồn thải lớn ra sông, biển... Các hoạt động quản lý, xử lý chất thải, kiểm soát ô nhiễm, bảo tồn đa dạng sinh học cũng đi vào nề nếp, ý thức tuân thủ pháp luật về BVMT của doanh nghiệp, cộng đồng, tổ chức và cá nhân được nâng lên.
Cùng với những kết quả đã đạt được, công tác quản lý nhà nước về BVMT cũng còn những hạn chế nhất định, việc thực hiện chức năng kiểm tra, đôn đốc tình hình triển khai các nhiệm vụ quản lý nhà nước về BVMT tại địa phương chưa toàn diện; Một số văn bản quy phạm pháp luật theo kế hoạch của Chính phủ, Bộ TN&MT còn chậm; Công tác tuyên truyền, phổ biến nội dung Luật BVMT năm 2014 chưa được sâu, rộng trong toàn quốc; Vai trò của Tổng cục trong quá trình tổng hợp, đề xuất phân bổ kinh phí sự nghiệp môi trường cho các Bộ, ngành, địa phương chưa thực sự hiệu quả; Tiến độ thực hiện một số nhiệm vụ theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Lãnh đạo Bộ đôi khi còn chậm...
Với mục tiêu nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về BVMT, hướng tới phát triển bền vững và chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, trong năm 2017 và những năm tiếp theo, Tổng cục Môi trường tiếp tục thực hiện tốt công tác tham mưu, tổng hợp, phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ và Bộ TN&MT; Triển khai hiệu quả Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 3/6/2013 của Ban chấp hành Trung ương khóa XI về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và BVMT; Nghị quyết số 41-NQ/TW ngày 15/11/2014 của Bộ Chính trị về BVMT trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 18/3/2013 của Chính phủ về một số vấn đề cấp bách trong lĩnh vực BVMT; Nghị quyết số 36a/NQ-CP của Chính phủ về Chính phủ điện tử; Chiến lược BVMT quốc gia đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; Chỉ thị số 25/CT-TTg ngày 31/8/2016 của Thủ tướng Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp cấp bách về BVMT; Các Chương trình, Luật BVMT năm 2014 và các văn bản hướng dẫn thi hành, đề án trong lĩnh vực BVMT đã được ban hành. Bên cạnh đó, tiếp tục nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động; Đẩy nhanh tiến độ và chất lượng trong việc triển khai các dự án, nhiệm vụ được giao; Thúc đẩy các hoạt động hợp tác quốc tế song phương và đa phương về BVMT; Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, tin học hóa trong việc thực hiện thủ tục hành chính.
Toàn cảnh Hội nghị
Để thực hiện hiệu quả các mục tiêu đề ra, Tổng cục Môi trường kiến nghị Bộ TN&MT tiếp tục quan tâm, chỉ đạo sát sao việc triển khai các nhiệm vụ của Tổng cục; Kiện toàn tổ chức bộ máy quản lý nhà nước về BVMT từ Trung ương đến địa phương; Tăng cường năng lực cho đội ngũ cán bộ quản lý môi trường, tạo cơ chế chính sách và đầu tư cho đội ngũ cán bộ quản lý môi trường đủ về số lượng, bảo đảm về chất lượng; Đầu tư các phương tiện, trang thiết bị kỹ thuật và phát huy hơn nữa vai trò điều phối công tác BVMT từ Trung ương đến địa phương. Ngoài ra, chỉ đạo việc phân định chức năng, nhiệm vụ giữa Tổng cục Môi trường và các đơn vị trực thuộc Bộ, các Bộ, ngành có liên quan trong việc thực hiện các nhiệm vụ quản lý nhà nước về BVMT; Có cơ chế tài chính đặc thù để giải quyết các sự vụ, sự cố môi trường phát sinh; Nâng cao vai trò của Tổng cục trong việc phân bổ, điều phối, kiểm tra, giám sát việc sử dụng các nguồn lực của nhà nước đã đầu tư, chi cho công tác BVMT; Chủ trì kiểm tra, giám sát việc sử dụng nguồn chi sự nghiệp môi trường tại các Bộ, ngành và địa phương...
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ TN&MT Võ Tuấn Nhân ghi nhận và đánh giá cao kết quả Tổng cục Môi trường đã đạt được. Đồng thời đề nghị, thời gian tới, Tổng cục cần xây dựng kế hoạch BVMT cụ thể, chi tiết, trong đó tập trung vào một số nhiệm vụ trọng tâm sau:
Một là, tập trung xây dựng, hoàn hiện hệ thống chính sách, pháp luật về BVMT và tổ chức triển khai pháp luật trên thực tế, đặc biệt là các văn bản hướng dẫn thi hành Luật BVMT 2014; Quyết tâm hoàn thành dứt điểm các văn bản còn nợ đọng. Trong quá trình xây dựng, cần lắng nghe ý kiến của nhân dân, các chuyên gia, ý kiến phản biện của xã hội, xem đây là yếu tố then chốt để đưa chính sách, pháp luật đi vào cuộc sống.
Hai là, chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, xây dựng các tiêu chí chức danh chuyên môn nhằm nâng cao vai trò của cán bộ trong quá trình thực thi công vụ.
Ba là, tăng cường cải cách hành chính, hướng về địa phương và cơ sở, nhằm đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia; Tiếp tục rà soát, cắt giảm các thủ tục hành chính không cần thiết, gây khó khăn cho người dân và doanh nghiệp; Hoàn thiện các quy trình, đơn giản hóa thủ tục hành chính, giảm thời gian giải quyết các thủ tục hành chính.
Bốn là tăng cường hiệu quả công tác thanh, kiểm tra, có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cấp, các ngành, đặc biệt là công tác kiểm tra, giám sát các dự án lớn, tiềm ẩn nguy cơ xảy ra sự cố, gây ô nhiễm môi trường; Yêu cầu các dự án phải thực hiện các biện pháp phòng ngừa, ứng phó với sự cố môi trường (quan trắc, lấy mẫu tự động, xây dựng hồ điều hòa, áp dụng chỉ thị sinh học...), tạo tính răn đe, đồng thời kịp thời tháo gỡ vướng mắc về chính sách, pháp luật, giúp các địa phương làm tốt công tác quản lý nhà nước về BVMT.
Năm là, phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành, địa phương triển khai hiệu quả Chỉ thị số 25/CT-TTg ngày 31/8/2016 của Thủ tướng Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp cấp bách về BVMT, trong đó ưu tiên nghiên cứu, xây dựng các quy định về phòng ngừa, ứng phó, khắc phục sự cố môi trường, nhằm quy định rõ cơ chế chỉ đạo, điều hành, phối hợp giữa các cơ quan Trung ương và địa phương...
Sáu là, tiếp tục đẩy mạnh xã hội hóa, huy động sức mạnh tổng hợp của các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức đoàn thể và cộng đồng vào công tác BVMT nói chung và giám sát thực thi pháp luật về BVMT nói riêng. Thường xuyên tổ chức kiểm điểm, đánh giá việc thực hiện các Nghị quyết liên tịch giữa Bộ TN&MT với các tổ chức chính trị - xã hội trong việc phối hợp hành động BVMT; khắc phục kịp thời những khó khăn, vướng mắc phát sinh, để các Nghị quyết phát huy được hiệu quả trên thực tế.
Thứ trưởng nhấn mạnh, Tổng cục Môi trường cần có sự đổi mới trong cách chỉ đạo, điều hành; Tạo được sự đoàn kết, nhất trí, phối hợp, hỗ trợ của các đơn vị trực thuộc trong Tổng cục và giữa Tổng cục với các Bộ, ngành, địa phương. Đồng thời, phải phát huy được năng lực, sở trường của mỗi tập thể, cá nhân; Có cơ chế khen thưởng, động viên kịp thời, nhằm khích lệ tinh thần làm việc của mỗi cán bộ, công chức, viên chức. Đặc biệt, phải chú trọng việc kiểm soát, rà soát, đánh giá về tiến độ và chất lượng thực hiện các nhiệm vụ do Lãnh đạo Bộ giao, bảo đảm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ đặt ra.
Gia Linh