22/10/2018
Ngày 12/10/2018, tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ TN&MT Võ Tuấn Nhân chủ trì Hội thảo chuyên đề về chính sách, công nghệ xử lý rác thải nhựa.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân cho biết, ô nhiễm rác thải nhựa, đặc biệt là ô nhiễm rác thải nhựa đại dương đã trở thành vấn đề toàn cầu; giảm thiểu chất thải từ nhựa, nilon đã trở thành yêu cầu cấp bách, mà trước hết là đối với sản phẩm nhựa, túi nilon khó phân hủy, sử dụng một lần.
Thứ trưởng Bộ TN&MT Võ Tuấn Nhân phát biểu tại Hội thảo
Theo Báo cáo của Hiệp hội nhựa, năm 2015 Việt Nam sản xuất và tiêu thụ khoảng 5 triệu tấn nhựa; nguyên liệu chủ yếu là nhập khẩu (khoảng 80%), trong đó bao gồm phế liệu nhựa nhập khẩu, trong đó Nhựa bao bì (39%), nhựa gia dụng (32%), nhựa vật liệu xây dựng (14%), nhựa công nghệ cao (9%) và các nhóm còn lại (5%). Chỉ số tiêu thụ nhựa trên đầu người cũng tăng nhanh, năm 1990 là khoảng 3,8kg/năm/người, đến năm 2015, con số nay đã là 41kg/năm/người.
Từ năm 2016 đến năm 2018, Bộ TN&MT đã cấp Giấy xác nhận đủ điều kiện nhập khẩu phế liệu cho 37 doanh nghiệp nhập khẩu phế liệu nhựa làm nguyên liệu sản xuất, tính đến tháng 9/2018, các doanh nghiệp đã nhập khoảng 284/387 tấn.
Thời gian qua, bên cạnh các biện pháp tuyên truyền, vận động người dân hạn chế sử dụng túi nilon, chất thải nhựa, nhiều chủ trương, chính sách, quy định pháp luật, chương trình cụ thể về kiểm soát ô nhiễm môi trường đối với chất thải nhựa và túi ni lon đã được Nhà nước, Chính phủ ban hành nhằm ngăn ngừa, giảm thiểu chất thải nhựa và túi nilon vào môi trường tự nhiên; kiểm soát ô nhiễm môi trường do sử dụng túi nilon khó phân hủy trong sinh hoạt... và đạt được một số kết quả nhất định.
Toàn cảnh Hội thảo
Ngày 7/5/2018, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 491/QĐ-TTg về Phê duyệt điều chỉnh Chiến lược quốc quản lý tổng hợp chất thải rắn (CTR) đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050. Theo đó, tất cả các đô thị loại đặc biệt và loại I có công trình tái chế CTR phù hợp với việc phân loại tại hộ gia đình; 85% các đô thị còn lại có công trình tái chế CTR phù hợp với việc phân loại tại hộ gia đình; tăng cường khả năng tái chế, tái sử dụng, xử lý kết hợp thu hồi năng lượng; sử dụng 100% túi ni lông thân thiện với môi trường tại các Trung tâm thương mại, siêu thị phục vụ cho mục đích sinh hoạt thay thế cho túi ni lông khó phân hủy. Đồng thời, Bộ TN&MT cũng đang đề xuất sửa đổi Quyết định số 73/2014/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về danh mục phế liệu được phép nhập khẩu theo hướng chỉ cho phép nhập các loại nhựa có giá trị tái chế cao. Tiếp tục hướng dẫn các Bộ, ngành, địa phương và tổ chức, cá nhân thực hiện nghiêm túc Nghị định số 38/2015/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý chất thải và phế liệu, trong đó có yêu cầu phân loại chất thải nhựa tái chế trong chất thải rắn sinh hoạt và chất thải rắn công nghiệp; chất thải phải được quản lý từ khâu phát sinh đến thu gom, vận chuyển và xử lý. Tiếp tục thực hiện Quyết định số 582/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án tăng cường kiểm soát ô nhiễm môi trường do túi ni lông khó phân hủy trong sinh hoạt đến năm 2020, trong đó xác định các nhóm nhiệm vụ, giải pháp đồng bộ về kinh tế, xã hội cũng như xử lý ô nhiễm môi trường với mục tiêu “Năm 2020 giảm 65% khối lượng túi ni lông khó phân hủy sử dụng tại các siêu thị, trung tâm thương mại so với năm 2010”.
Tuy nhiên, việc kiểm soát ô nhiễm môi trường do chất thải nhựa và túi nilon tại Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều thách thức, số lượng thải nhựa và túi nilon phát sinh ngày càng gia tăng nhưng chưa được phân loại, thu gom, xử lý triệt để; Nhận thức của nhà sản xuất, người tiêu dùng về tác hại của chất thải nhựa và túi ni lông khó phân hủy vẫn còn nhiều hạn chế; Cơ chế chính sách và công nghệ về tái chế, tái sử dụng, xử lý chất thải nhựa chưa thực sự mang lại hiệu quả…
Tại Hội thảo, các đại biểu đã tập trung thảo luận về tình hình quản lý chất thải nhựa và túi ni lông ở Việt Nam; đề xuất khung chính sách quản lý rác thải nhựa đại dương; giới thiệu, đánh giá một số công nghệ xử lý, tái chế chất thải nhựa phù hợp với điều kiện Việt Nam hiện nay.
Quỳnh Như