28/07/2020
Ngày 22/7, tại Hà Nội, Tổng cục Môi trường tổ chức Hội thảo tham vấn Khung ĐDSH toàn cầu sau năm 2020 và dữ liệu đa dạng sinh học (ĐDSH).
Phát biểu khai mạc, Phó Cục trưởng cục Bảo tồn thiên nhiên và ĐDSH Hoàng Thị Thanh Nhàn cho biết, năm 2010, tại Hội nghị lần thứ 10 của các bên tham gia Công ước ĐDSH, Kế hoạch hành động chiến lược toàn cầu về ĐDSH đến năm 2020 đã được thông qua. Gần 10 năm qua, mặc dù đã có nhiều nỗ lực, song theo đánh giá của Công ước ĐDSH, các mục tiêu đề ra đến năm 2020 của Kế hoạch này vẫn chưa đạt được như kỳ vọng.
Các đại biểu tham dự Hội thảo
Theo Báo cáo Đánh giá toàn cầu về ĐDSH và Dịch vụ hệ sinh thái năm 2019 của Liên hiệp quốc, thế giới đang chứng kiến tốc độ suy thoái ĐDSH chưa từng có trong lịch sử loài người. Tổn thất về ĐDSH cùng biến đổi khí hậu đã và đang đe dọa đến tiến trình thực hiện phát triển bền vững của toàn cầu. Ngăn chặn tốc độ suy thoái, tăng cường phục hồi ĐDSH là nhiệm vụ hết sức thách thức đang được đặt ra và thảo luận trong khuôn khổ thực hiện Công ước ĐDSH cũng như các quốc gia trên thế giới. Vì vậy, thập niên 2020 - 2030 được Liên hợp quốc xác định là thập niên phục hồi hệ sinh thái.
Nhằm xây dựng một khuôn khổ hành động cho ĐDSH sau khi kết thúc Kế hoạch hành động chiến lược toàn cầu về ĐDSH đến năm 2020, Công ước ĐDSH đã khởi xướng việc xây dựng Khung Chiến lược toàn cầu về ĐDSH sau 2020 (GBF) với mục tiêu đến năm 2050 “con người sống hài hòa với thiên nhiên”. Đó là một thế giới sống hòa hợp với thiên nhiên, ĐDSH được coi trọng, bảo tồn, phục hồi và sử dụng một cách khôn ngoan, duy trì các dịch vụ hệ sinh thái, duy trì một hành tinh lành mạnh và mang lại lợi ích thiết yếu cho mọi người.
Là nước thành viên tham gia Công ước ĐDSH, Việt Nam đã cam kết thúc đẩy các mục tiêu của công ước và các quyết định của Hội nghị các bên tham gia ở cấp quốc gia cũng như hợp tác chặt chẽ với các nước trong khu vực ASEAN để thực hiện các mục tiêu này. Bộ TN&MT cũng đang tổ chức đánh giá việc thực hiện Chiến lược quốc gia về ĐDSH đến năm 2020 và chuẩn bị xây dựng Chiến lược cho giai đoạn tiếp theo. Những nội dung của GBF sẽ được xem xét và cụ thể hóa để thực hiện trong Chiến lược này. Ở cấp vùng, các quốc gia ASEAN cũng đang soạn thảo tuyên bố chung về GBF, thể hiện sự quyết tâm và hợp tác trong khu vực về bảo tồn ĐDSH trong thời gian tới.
Tại Hội thảo, nhiều chuyên gia cho rằng, sau những tổn thất lớn về ĐDSH, lúc này chính là thời điểm quan trọng để các nước cùng xây dựng một tầm nhìn mới cho 30 năm tới, từ đó, các quốc gia xây dựng hướng đi mới, hoạt động mới để bảo tồn đa dang sinh học. Để đạt được mục tiêu chung đề ra trong Khu ĐDSH toàn cầu sau năm 2020, cần thiết có sự hợp tác chặt chẽ, thống nhất nguồn lực và kết nối hành động giữa các quốc gia để giải quyết được những vấn đề xuyên biên giới.
Trần Tân