Banner trang chủ

Tham vấn Dự thảo Chiến lược bảo vệ môi trường quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2040

06/07/2020

    Ngày 3/7/2020, tại Hà Nội, Viện Chiến lược, Chính sách TN&MT (CLCSTNMT) tổ chức Hội thảo tham vấn Dự thảo Chiến lược BVMT quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2040 (Dự thảo Chiến lược).

    Phát biểu khai mạc Hội thảo, PGS. TS. Nguyễn Thế Chinh - Viện trưởng Viện CLCSTNMT cho biết, trước tình hình phát triển mới trên thế giới và của đất nước, việc nhìn nhận, đánh giá lại tình hình thực hiện Chiến lược là rất quan trọng và cần thiết, nhằm đề ra những mục tiêu, định hướng cụ thể cho công tác BVMT ở nước ta trong giai đoạn 2021 - 2030. Trong bối cảnh đó, Viện CLCSTN&MT đã được Bộ TN&MT giao thực hiện nhiệm vụ Điều tra, đánh giá kết quả thực hiện Chiến lược đến năm 2020 và xây dựng Chiến lược đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2040.

 

Hội thảo tham vấn Dự thảo Chiến lược BVMT quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2040

 

     Được xây dựng trên tinh thần tiếp tục kế thừa các định hướng BVMT của Chiến lược BVMT đến năm 2020; bổ sung, cập nhật các quan điểm, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về BVMT và xác định các vấn đề trọng điểm, cấp bách trong 10 năm tới, Dự thảo Chiến lược được chia làm 2 phần: Tình hình thực hiện Chiến lược BVMT quốc gia đến năm 2020 và Chiến lược BVMT quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2040. Dự thảo đã đề ra 4 mục tiêu cụ thể, 4 nhóm nhiệm vụ và 6 nhóm giải pháp thực hiện Chiến lược BVMT quốc gia đến năm 2030. Theo đó, đến năm 2030, phải từng bước ngăn chặn được xu hướng ô nhiễm, suy thoái môi trường, bảo đảm an ninh môi trường; giải quyết cơ bản các vấn đề môi trường trọng điểm cấp bách, từng bước cải thiện chất lượng môi trường; tăng cường hoạt động bảo tồn, phục hồi các hệ sinh thái quan trọng; khắc phục xu hướng suy giảm đa dạng sinh học và cảnh quan thiên nhiên; đẩy mạnh các hoạt động đồng lợi ích để đồng thời nâng cao năng lực thích ứng với biến đổi khí hậu và giảm nhẹ phát thải khí nhà kính.

    Để đạt được các mục tiêu trên, Dự thảo nêu lên 6 nhóm giải pháp sau: Nâng cao nhận thức của các cấp, ngành về vai trò của môi trường trong phát triển; biến ý thức thành hành động BVMT của các doanh nghiệp và cộng đồng dân cư; Tăng cường thực thi chính sách, pháp luật về BVMT thông qua nâng cao các biện pháp chế tài, tăng cường cung cấp, công khai, minh bạch thông tin và sự giám sát của cộng đồng; Huy động đầu tư từ xã hội, tăng dần ngân sách cho BVMT, tăng cường sử dụng hiệu quả nguồn lực trong BVMT; Hoàn thiện chính sách, pháp luật về BVMT phù hợp với thể chế kinh tế thị trường định hướng Xã hội Chủ nghĩa, áp dụng hiệu quả các công cụ kinh tế, thực hiện cải cách hành chính và nâng cao năng lực quản trị môi trường; Ứng dụng khoa học - công nghệ trong BVMT, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, xây dựng và phát triển ngành công nghiệp môi trường; xây dựng hạ tầng kỹ thuật, mạng lưới quan trắc và cơ sở dữ liệu về môi trường; Tận dụng các cơ hội của quá trình hội nhập, tiếp tục đẩy mạnh hợp tác quốc tế về BVMT. Ngoài ra, Dự thảo cũng đưa ra các chỉ tiêu giám sát và đánh giá Chiến lược giai đoạn đến năm 2030.

    Tại Hội thảo, các đại biểu đã tập trung thảo luận về nội dung của Dự thảo Chiến lược BVMT quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2040. Theo đó, Dự thảo Chiến lược được xây dựng khá chi tiết, cụ thể, với quan điểm, mục tiêu, tầm nhìn và giải pháp. Tuy nhiên, Dự thảo cần tập trung vào nguyên nhân hạn chế, tồn tại trong công tác BVMT và đưa ra giải pháp đủ mạnh để khắc phục các hạn chế, tồn tại trong thời gian qua. Trong đó, cần nhấn mạnh đến những bất cập trong chính sách, pháp luật về BVMT, hay hạn chế về nguồn lực cho công tác BVMT tại địa phương; phân rõ trách nhiệm, cơ chế phối hợp giữa các ngành, các cấp, đặc biệt sự chồng chèo trách nhiệm giữa các ngành liên quan đến công tác bảo tồn đa dạng sinh học (ĐDSH) và quản lý chất thải rắn; bổ sung thêm các giải pháp cụ thể cho công tác BVMT tại các làng nghề và khu vực nông thôn; tăng cường năng lực về BVMT, bảo tồn ĐDSH cho cấp cơ sở để triển khai thực hiện nhiệm vụ và giải pháp đề ra trong Chiến lược.

 

Phương Tâm

Ý kiến của bạn