26/07/2018
Đó là ý kiến của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về tình hình nhập khẩu phế liệu vào Việt Nam và các giải pháp quản lý, ngày 25/7/2018.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu chỉ đạo cuộc họp. Ảnh: VGP/Quang Hiếu
Thời gian qua, tình trạng nhập khẩu phế liệu vào Việt Nam diễn biến phức tạp. Nguyên nhân là do nền kinh tế nước ta tăng trưởng mạnh, kéo theo nhu cầu sử dụng phế liệu làm nguyên liệu sản xuất trong nước tăng cao, doanh nghiệp trong nước tăng cường nhập khẩu để phục vụ cho sản xuất. Ngoài ra, Trung Quốc đã dừng nhập khẩu một số loại phế liệu khiến các nước trước đây vẫn xuất khẩu chất thải rắn, phế liệu sang nước này như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Canađa, các nước Bắc Âu… sẽ phải tìm đối tác, thị trường nhập khẩu mới. Do đó, một lượng lớn hàng phế liệu nhập khẩu từ các nước phát triển đã tràn về khu vực Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam. Đây là một trong những nguyên nhân chính làm gia tăng các container tại các cảng biển, đặc biệt là phế liệu nhựa có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường.
Trước tình trạng đó, nhiều đại diện các Bộ, ngành đều cho rằng, phải thắt chặt, loại bỏ những loại phế liệu có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao, đặc biệt là các loại phế liệu thuộc danh mục loại chất thải mà một số nước trong khu vực đang cấm nhập khẩu.
Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu Bộ TN&MT cùng các Bộ liên quan tiếp thu ý kiến để ngăn chặn tốt hơn nữa tình trạng nhập phế liệu được đánh giá là nghiêm trọng, nhất là số phế liệu nhập về đang tồn đọng tại các cảng hiện nay. Đây là vấn đề cần kiểm điểm, rút kinh nghiệm nghiêm túc. Cùng với đó, cần tăng cường phối hợp các cấp, ngành trong việc ngăn chặn phế liệu vào trong nước, không để Việt Nam trở thành bãi thải, ảnh hưởng đến môi trường cũng như cuộc sống nhân dân.
Toàn cảnh cuộc họp. Ảnh: VGP/Quang Hiếu
Theo Thủ tướng, cần điều tra, xử lý, truy đến cùng các container phế liệu đã vào Việt Nam mà không có người nhận, chiếm không gian lớn tại các cảng; làm rõ nguyên nhân, khởi tố một số vụ vi phạm luật môi trường, nhập phế liệu trái phép vào Việt Nam để răn đe. Đồng thời, rà soát lại tất cả các giấy phép còn hạn ngạch, không cấp mới giấy phép doanh nghiệp nhập phế liệu.
Về phía Bộ TN&MT, cần làm rõ tác động từng sản phẩm phế liệu, xác định danh mục phế liệu đủ điều kiện, đủ tiêu chuẩn để nhập vào Việt Nam với tinh thần là giảm danh mục tối đa, tránh tình trạng “lợi bất cập hại” do nhập phế liệu vào Việt Nam; tiến hành thanh tra việc cấp phép thời gian qua, xử lý nghiêm cán bộ, doanh nghiệp vi phạm.
Bộ Giao thông vận tải chủ trì phối hợp với Bộ Tài chính, các địa phương, Bộ liên quan xử lý tiêu hủy, di dời các container phế liệu.
Sau cuộc họp, Thủ tướng nhất trí, cần ban hành Chỉ thị của Thủ tướng về vấn đề này, coi đây là văn bản quan trọng để Bộ TN&MT và các Bộ, ngành liên quan, thực hiện.
Đỗ Hương