21/08/2017
Ngày 19/8/2017, tại Hà Nội, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội đã phối hợp với Liên hiệp các Hội Khoa học và kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) tổ chức Hội thảo Khoa học kiểm soát ô nhiễm nước (KSONN) ở Việt Nam. Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Phan Xuân Dũng và Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và kỹ thuật Việt Nam Đặng Vũ Minh đồng chủ trì Hội thảo.
Theo Báo cáo của Trung tâm Nghiên cứu môi trường và cộng đồng (CECR), mỗi ngày, ước tính có khoảng 3,5 triệu m³ nước thải xả thải trực tiếp ra môi trường. Hiện nay, tại nhiều địa phương, các sông, hồ, kênh rạch… đang bị ô nhiễm nghiêm trọng, ảnh hưởng xấu đến đời sống và sức khỏe người dân. Mặc dù, hệ thống pháp luật về BVMT nước ở Việt Nam đã tương đối đầy đủ, với Luật BVMT năm 2014, Luật Tài nguyên Nước năm 2012 và các luật chuyên ngành khác, cũng như nhiều văn bản hướng dẫn thi hành Luật. Tuy nhiên, các luật đó chỉ mang tính định hướng, có sự chồng chéo giữa các luật, văn bản hướng dẫn luật; thẩm quyền quản lý đối với các vấn đề KSONN được giao cho nhiều Bộ khác nhau, chưa có sự thống nhất; năng lực thực thi ở các cấp còn hạn chế và thiếu sự tham gia của các bên vào công tác BVMT nước. Vì thế, cần có cải cách toàn diện về luật pháp KSONN, cụ thể là xây dựng và ban hành Luật KSONN.
Toàn cảnh Hội thảo
Tại Hội thảo, các đại biểu đã trao đổi, thảo luận về thực trạng và bất cập trong công tác BVMT nước, những hạn chế liên quan đến năng lực, công nghệ xử lý nước thải, từ đó đề xuất các giải pháp để cải thiện hệ thống pháp luật, tăng cường năng lực thực thi và cônng nghệ về KSONN, xử lý nước thải. Theo đó, thời gian qua, hệ thống pháp luật về BVMT nước được ban hành khá nhiều, nhưng lại không cụ thể, chi tiết, chồng chéo và chưa xác định rõ trách nhiệm. Vì thế, cần nghiên cứu, rà soát lại các văn bản pháp luật về KSONN, đánh giác tác động của hệ thống pháp luật liên quan đến BVMT nước đối với các vấn đề chính trị - xã hội, kinh tế, phân tích nguyên nhân, thực trạng và đề xuất lộ trình xây dựng Luật KSONN tại Việt Nam. Đặc biệt, việc tăng cường KSONN cần có sự phối hợp chặt chẽ của các bên liên quan từ cơ quan quản lý nhà nước, người dân và doanh nghiệp, cũng như sự quyết tâm chính trị của mọi tổ chức, cá nhân trong công tác BVMT nước. Để có các chính sách, pháp luật hiệu quả có tính khả thi cao, cần tham vấn rộng rãi ý kiến của công chúng, có cái nhìn toàn diện không chỉ về vấn đề ô nhiễm mà còn là vấn đề tái sử dụng nước, nâng cao nhận thức và ý thức của cộng đồng dân cư, doanh nghiệp về BVMT nước.
Hương Trần