01/12/2017
Mua sắm công bền vững (MSCBV) là khái niệm mới nhưng có vai trò và ý nghĩa quan trọng với việc thực hiện các mục tiêu của Chiến lược Tăng trưởng xanh (TTX) của Việt Nam. Đó là chia sẻ của Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường Hoàng Văn Thức tại Hội thảo tổng kết Dự án Thúc đẩy tiêu dùng và mua sắm sản phẩm xanh thông qua MSCBV và nhãn sinh thái (Dự án SPPEL) do Tổng cục Môi trường tổ chức ngày 1/12/2017 ở Hà Nội.
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường Hoàng Văn Thức phát biểu tại Hội thảo |
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Phó Tổng cục trưởng Hoàng Văn Thức cho biết, Dự án SPPEL do Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP) tài trợ, được thực hiện tại Việt Nam từ năm 2014 - 2017. Dự án có các mục tiêu quan trọng: hỗ trợ các cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam tăng cường năng lực về xây dựng các chính sách MSCBV và nhãn sinh thái (NST); hỗ trợ thực thi các chính sách về MSCBV và NST; tạo diễn đàn trao đổi giữa các nhà khoa học, cơ quan quản lý, khu vực tư nhân về xây dựng chính sách, nhằm đảm bảo lồng ghép MSCBV và NST, thúc đẩy sản xuất và tiêu dùng bền vững tại Việt Nam.
Toàn cảnh Hội thảo |
Tại Hội thảo, các đại biểu đã tập trung trao đổi về các kết quả của Dự án SPPEL, phân tích những cơ hội, thách thức đối với doanh nghiệp (DN) khi tham gia Chương trình Nhãn xanh Việt Nam (NXVN), đồng thời đưa ra các đề xuất, khuyến nghị để thúc đẩy MSCBV tại Việt Nam trong thời gian tới. Theo đó, sau 3 năm triển khai, với sự hỗ trợ tích cực từ UNEP, các cơ quan liên quan, chuyên gia, Dự án đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Dự án đã đưa ra các nghiên cứu cơ bản về khuôn khổ pháp lý thực hiện MSCBV tại Việt Nam, đánh giá thực trạng MSCBV tại Việt Nam; tiến hành lựa chọn các sản phẩm ưu tiên áp dụng thí điểm MSCBV, đặc biệt là xây dựng Dự thảo Kế hoạch hành động về MSCBV... Ngoài ra, Dự án cũng hỗ trợ Văn phòng NXVN xây dựng các bộ tiêu chí cấp nhãn cho các sản phẩm đăng ký chứng nhận NXVN, hồ sơ xin gia nhập Mạnh lưới NST toàn cầu (GENICES) và xây dựng lộ trình đạt chứng nhận NXVN. Đồng thời, Dự án SPPEL cũng giúp tăng cường nhận thức về MSCBV và NST cho các cán bộ quản lý nhà nước, cán bộ phụ trách đấu thầu mua sắm.
Trong bối cảnh nền kinh tế tái cơ cấu để hướng tới phát triển bền vững hiện nay, việc kết hợp 2 hướng tiếp cận NST và MSCBV là quan trọng để kích thích nhu cầu mua sắm, cung ứng sản phẩm tốt hơn, giúp người tiêu dùng đưa ra lựa chọn hợp lý. Việc thúc đẩy sản xuất và tiêu dùng bền vững thông qua MSCBV và NST nếu được chú trọng sẽ giúp nền kinh tế phát triển bền vững và ngược lại, nếu hoạt động này không được quan tâm sẽ khó đạt được mục tiêu này. Tuy nhiên, hiện nay, giữa các văn bản pháp luật liên quan đến nội dung mua sắm công còn thiếu tính liên kết, cụ thể là Luật BVMT năm 2014 và Luật Đấu thầu năm 2013. Trong khi đó, các Luật, cũng như văn bản hướng dẫn thi hành chưa có nội dung cụ thể về MSCBV, hoặc lồng ghép các tiêu chí bền vững trong mua sắm công; năng lực của cán bộ về thực hành MSCBV còn hạn chế; nhận thức của các DN về MSCBV, cũng như NST chưa đầy đủ. Để thúc đẩy MSCBV tại Việt Nam, cần phải ban hành các văn bản pháp luật cụ thể về MSCBV; tăng cường năng lực cho các cán bộ, DN về thực hiện MSCBV và NST; nâng cao nhận thức cho DN về những lợi ích khi đăng ký tham gia NXVN…
Trong khuôn khổ Hội thảo, Dự án đã trao Chứng nhận NXVN cho một số DN.
Hương Trần