26/11/2018
Ngày 23/11/2018, tại Hà Nội, Tổng cục Môi trường phối hợp với Viện Công nghệ và Công nghiệp môi trường Hàn Quốc (KEITI) tổ chức Hội thảo tổng kết các hoạt động mua sắm công xanh nhằm chia sẻ các kết quả đạt được cũng như phương hướng thúc đẩy mua sắm công xanh tại Việt Nam trong thời gian tới.
Phát biểu khai Hội thảo, Phó Vụ trưởng vụ Khoa học công nghệ và Hợp tác quốc tế, Tổng cục Môi trường Nguyễn Minh Cường cho biết, các chính sách và hoạt động liên quan đến mua sắm công xanh đã được đưa vào thực tiễn trên toàn thế giới và mang lại nhiều lợi ích không chỉ cho bên mua, bên cung cấp, mà còn cho môi trường và toàn bộ nền kinh tế - xã hội theo hướng phát triển bền vững.
Tại Việt Nam, trong những năm qua, Chính phủ đã có nhiều nỗ lực nhằm thực hiện mua sắm công bền vững thông qua việc ban hành Chương trình hành động quốc gia về Sản xuất và Tiêu dùng bền vững giai đoạn 2010 - 2020; Chiến lược Phát triển xanh giai đoạn 2011-2020, tầm nhìn đến năm 2050; Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2014-2020; Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình nghị sự 2020 về Phát triển bền vững; Chương trình Nhãn xanh Việt Nam, nhãn tiết kiệm năng lượng; Dịch vụ du lịch bông sen xanh... Chiến lược mua sắm công xanh của Chính phủ Việt Nam mang tính cách mạng, đột phá, hướng tới cải thiện chất lượng mua sắm công, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, thúc đẩy sản xuất, tiêu dùng bền vững.
Toàn cảnh Hội thảo
Đặc biệt, nhằm thúc đẩy quá trình thực hiện mua sắm công xanh tại Việt Nam, tháng 11/2017, Tổng cục Môi trường đã ký kết hợp tác các hoạt động về mua sắm công xanh với Viện Công nghệ và Công nghiệp Môi trường Hàn Quốc (KEITI). Trong đó, việc tổ chức các khóa đào tạo tăng cường năng lực cho cán bộ quản lý nhà nước chịu trách nhiệm về mua sắm công là rất quan trọng và được coi là một trong những hoạt động ưu tiên thực hiện trong khuôn khổ triển khai Thỏa thuận giữa Tổng cục Môi trường và KEITI về mua sắm công xanh.
Sau một năm thực hiện Thỏa thuận hợp tác, nhiều hoạt động đã được triển khai và đạt được các kết quả ban đầu như: Xây dựng Dự thảo các báo cáo khuyến nghị về sửa đổi khung pháp lý về mua sắm công xanh; Dự thảo hướng dẫn mua sắm công xanh cho Việt Nam; Dự thảo Lộ trình về Mua sắm công xanh. Ngoài ra, trong khuôn khổ hợp tác cũng bao gồm các hoạt động hỗ trợ Chương trình Nhãn xanh Việt Nam thông qua việc xây dựng dự thảo tiêu chí Nhãn xanh Việt Nam cho 3 nhóm sản phẩm. Đồng hành với các hoạt động nghiên cứu, Tổng cục Môi trường cũng đã phối hợp với Viện KEITI tổ chức 2 khóa đào tạo nâng cao nhận thức về mua sắm công xanh cho các cán bộ quản lý nhà nước, khu vực tư nhân, các giảng viên, các nhà nghiên cứu.
Tuy nhiên, Việt Nam cũng gặp nhiều khó khăn, vướng mắc trong việc thực hiện mua sắm công xanh. Trước hết là sự thiếu liên kết thống nhất giữa các văn bản pháp luật, dẫn đến sự phối hợp lỏng lẻo giữa các cơ quan chủ quản. Ngoài ra, nhận thức và năng lực của các cán bộ mua sắm, đấu thầu về mua sắm công xanh còn hạn chế, cũng như thiếu các văn bản pháp lý và các tài liệu hướng dẫn lồng ghép các tiêu chí bền vững vào quy trình đấu thầu.
Có thể nói, mặc dù đây không phải là hoạt động hợp tác quy mô lớn, nhưng những kết quả đạt được của Dự án có ý nghĩa quan trọng, nhằm tăng cường năng lực của các bên liên quan, đặc biệt đã đưa ra lộ trình và hướng dẫn cụ thể để có thể thực hiện mua sắm công xanh tại Việt Nam, góp phần nâng cao nhận thức, tăng cường năng lực về mua sắm công bền vững cho các cơ quan quản lý nhà nước, đồng thời thay đổi phương thức sản xuất cho các doanh nghiệp theo hướng tích cực và nâng cao hiệu quả các chương trình nhãn sinh thái của Việt Nam.
Gia Linh