20/09/2017
Ngày 19/9/2017, tại Hà Nội, Bộ TN&MT đã có buổi làm việc bàn về công tác chuẩn bị các nội dung cho Hội nghị định hình chuyển đổi mô hình phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) thích ứng với biến đổi khí hậu (BĐKH), dự kiến được tổ chức từ 26 - 27/9 tại Cần Thơ, với sự tham dự của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc.
Toàn cảnh buổi làm việc
Mục đích của Hội nghị nhằm hiệu triệu các tư tưởng lớn, giúp Chính phủ Việt Nam và các địa phương khu vực ĐBSCL xác định được nhóm giải pháp chiến lược về chuyển đổi quy mô lớn để phát triển bền vững ĐBSCL tầm nhìn đến năm 2.100. Bên cạnh đó, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cũng mong muốn thông qua Hội nghị, sẽ xem xét một cách toàn diện, hệ thống, huy động sáng kiến, tạo ra những đột phá trong tư duy, thống nhất hành động của toàn xã hội, nhằm định hình mô hình phát triển bền vững của ĐBSCL trong sự liên kết, gắn kết hữu cơ giữa tự nhiên và con người, giữa các địa phương trong và ngoài vùng, tiểu vùng sông Mê Công. Đồng thời, huy động được sự hỗ trợ về kinh nghiệm, nguồn lực… của các tổ chức quốc tế và các đối tác phát triển cho chuyển đổi lớn vùng ĐBSCL.
Theo đó, ngày 26/9 sẽ diễn ra các Phiên thảo luận chuyên đề nhằm định hình chiến lược phát triển, nhu cầu và giải pháp về nguồn lực; Ngày 27/9 là Phiên họp toàn thể do Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì. Dựa trên các báo cáo chuyên đề và ý kiến thảo luận của các chuyên gia, nhà khoa học, đối tác quốc tế, doanh nghiệp… Thủ tướng Chính phủ sẽ đưa ra kết luận về định hình chuyển đổi lớn cho mục tiêu phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng BĐKH; Đồng thời, xem xét, ban hành Nghị quyết của Chính phủ về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với BĐKH để các Bộ, ngành và địa phương thực hiện.
Hạn hán do BĐKH ở ĐBSCL ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất nông nghiệp của người dân
Tại buổi làm việc, các Bộ, ngành, địa phương báo cáo, rà soát tình hình triển khai các nhiệm vụ về nội dung, công tác tổ chức Hội nghị theo phân công; Đóng góp cụ thể vào Chương trình tổng thể, chương trình, nội dung của từng phiên họp, nội dung của các báo cáo lớn trình bày tại Hội nghị và đóng góp sáng kiến của các bên dựa trên tác động, nhu cầu phát triển của vùng.
Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà cho biết, ĐBSCL đã, đang và sẽ tiếp tục chịu các tác động của quá trình phát triển nội tại, của BĐKH và các hoạt động khu vực thượng nguồn. Những ưu thế về tự nhiên cho phát triển và đảm bảo cho sinh kế của người dân sẽ biến động, làm thay đổi căn bản mô hình sản xuất, tập quán sinh hoạt của người dân trong vùng. Do đó, Hội nghị định hình chuyển đổi mô hình phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với BĐKH có ý nghĩa rất quan trọng đối với phát triển vùng ĐBSCL trong giai đoạn mới. Mô hình chuyển đổi, phát triển vùng ĐBSCL thành công sẽ là cơ sở để tiếp tục nghiên cứu triển khai ở các vùng thái khác trên cả nước và thế giới, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Bộ trưởng đề nghị, nội dung chuẩn bị của từng Bộ, ngành, địa phương phải đáp ứng được mục tiêu của hội nghị, yêu cầu của Thủ tướng là nhận diện được các thách thức, dự báo sát các xu thế; Đề xuất định hình mô hình phát triển, định hướng chuyển đổi lớn phù hợp với tập quán, con người và xu thế biến đổi của điều kiện tự nhiên. Cùng với đó, phải đề xuất các cơ chế chính sách, giải pháp đột phá, khuyến khích thu hút các nhà đầu tư trong vào ngoài nước tham gia phát huy tiềm năng lợi thế, chuyển hóa thách thức thành cơ hội phát triển.
Ngoài ra, nội dung Hội nghị và các đề xuất phải đảm bảo tính khả thi, có tính chất liên vùng để trên cơ sở đó, Chính phủ sẽ ban hành Nghị quyết về chuyển đổi mô hình phát triển bền vững ĐBSCL.
Bộ trưởng Trần Hồng Hà cũng mong muốn tiếp tục nhận được ý kiến, sáng kiến đóng góp của các tổ chức, doanh nghiệp, các cơ sở nghiên cứu khoa học, nhà khoa học, nhà quản lý đối với phát triển vùng ĐBSCL.
Thu Hằng