26/11/2017
Ngày 24/11 tại TP.HCM, Ủy ban Bảo vệ môi trường (BVMT) lưu vực hệ thống sông Đồng Nai (Ủy ban sông Đồng Nai) đã tổ chức phiên họp thứ 11 nhằm tổng kết tình hình triển khai Đề án sông Đồng Nai trong năm 2016 – 2017 và xây dựng kế hoạch triển khai năm 2018 cũng như giai đoạn tiếp theo. Tham dự và chủ trì Hội nghị có Thứ trưởng Bộ TN&MT Võ Tuấn Nhân; Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai - Chủ tịch Ủy ban sông Đồng Nai Đinh Quốc Thái cùng đại diện Lãnh đạo các Bộ/ban, ngành Trung ương; Lãnh đạo UBND các tỉnh/thành phố thuộc lưu vực.
Thứ trưởng Bộ TN&MT Võ Tuấn Nhân và Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Đinh Quốc Thái Chủ trì Phiên họp |
Phát biểu tại Hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai - Chủ tịch Ủy ban sông Đồng Nai Đinh Quốc Thái cho biết, cùng với việc đánh giá tình hình triển khai Đề án BVMT lưu vực hệ thống sông Đồng Nai trong năm 2016 – 2017, Ủy ban sẽ tiếp tục cùng nhau nhìn nhận, trao đổi và thống nhất các vấn đề còn đang vướng mắc trong quản lý tổng hợp lưu vực sông. Qua đó, sẽ cùng bàn bạc, tìm ra giải pháp tối ưu cho cho các vấn đề về bảo vệ nguồn nước, cùng nhau tháo gỡ các khó khăn trong quá trình quản lý lưu vực sông, chia sẻ thông tin và trao đổi, học hỏi kinh nghiệm trong quản lý BVMT nước mặt tại các địa phương trên lưu vực hệ thống sông Đồng Nai.
Có thể nói, nguồn nước hệ thống sông Đồng Nai có tầm quan trọng đặc biệt đối với các tỉnh, thành phố trên lưu vực trong phát triển kinh tế - xã hội. Trong đó, quan trọng hơn cả là chức năng cung cấp nước cho sinh hoạt của hàng triệu người dân đang sinh sống ở các khu đô thị và khu công nghiệp tập trung ở vùng hạ lưu. Tuy nhiên, sức ép do các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội lên môi trường nước của lưu vực hệ thống sông Đồng Nai cũng ngày càng lớn. Hậu quả là nguồn nước mặt thuộc lưu vực hệ thống sông Đồng Nai đã và đang bị ô nhiễm cục bộ, tập trung chủ yếu tại các đoạn sông chảy qua các tỉnh, thành phố thuộc Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam là khu vực tập trung nhiều khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế và đô thị. Một số điểm nóng ô nhiễm như kênh Ba Bò, kênh Thầy Cai, An Hạ, suối Siệp, suối Linh, suối Săn Máu, sông Cần Giuộc… tiến độ khắc phục còn chậm. Chất lượng nước kênh Ba Bò trong năm qua diễn biến phức tạp, đã có dấu hiệu xấu đi nếu không tiếp tục duy trì các biện pháp quản lý chặt chẽ.
Để triển khai Đề án BVMT lưu vực hệ thống sông Đồng Nai (Đề án sông Đồng Nai), đặc biệt là việc kiểm soát chất lượng nước hệ thống sông Đồng Nai, trong nhiều năm qua, dưới sự điều phối của Ủy ban sông Đồng Nai, từng tỉnh, thành trên lưu vực đã có nhiều chương trình, đề án, kế hoạch của địa phương. Đồng thời, 11 tỉnh/thành phố bước đầu đã có sự phối hợp liên tỉnh trong công tác BVMT lưu vực sông. Tại phiên họp thứ 10, các tỉnh, thành trên lưu vực sông đã cùng ký kết “Quy chế phối hợp quản lý nhà nước trong lĩnh vực tại nguyên nước, tài nguyên khoáng sản và BVMT ở các vùng giáp ranh địa giới hành chính giữa TP.HCM, Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai, Bình Phước, Tây Ninh, Long An, Tiền Giang, Lâm Đồng và Bình Phước”. Trong năm 2017, Quy chế này đã từng bước giúp các tỉnh giáp ranh cùng nhau tìm ra phương hướng giải quyết các vấn đề môi trường một cách hiệu quả hơn.
Tuy nhiên, các đại biểu tham dự Phiên họp thứ 11 cũng thừa nhận cơ chế hoạt động và các quyết nghị của Ủy ban sông Đồng Nai không mang tính ràng buộc chặt chẽ, chủ yếu dựa trên sự đồng thuận giữa các tỉnh trên lưu vực sông do đó việc triển khai thực hiện Đề án sông Đồng Nai còn nhiều vướng mắc, chưa giải quyết triệt để các vấn đề bức xúc liên tỉnh. Ngoài ra, Chủ tịch của Ủy ban sông Đồng Nai là các Chủ tịch UBND tỉnh thuộc lưu vực sông luân phiên đảm nhận nên việc chỉ đạo phối hợp giữa các tỉnh còn hạn chế.
Toàn cảnh Phiên họp |
Ngoài ra, theo các đại biểu, khi triển khai Đề án sông Đồng Nai, các địa phương còn gặp khó khăn về nguồn lực đầu tư, đặc biệt là tài chính, bởi các nhiệm vụ của Đề án không có nguồn tài chính riêng mà được tính chung trong tổng nguồn kinh phí BVMT. Mặt khác, công tác BVMT lưu vực sông mang tính đặc thù cao, tại các địa phương rất khó phân tách các nhiệm vụ, dự án thuộc Đề án với các nhiệm vụ, dự án BVMT nói chung, do vậy, việc tổ chức thực hiện và giám sát, đánh giá cũng rất khó khăn.
Phát biểu tại bế mạc Phiên họp, Thứ trưởng Bộ TN&MT Võ Tuấn Nhân ghi nhận những ý kiến của các địa phương trên lưu vực. Đồng thời, Thứ trưởng cũng thông tin, Chính phủ chuẩn bị thành lập Ủy ban Quốc gia các lưu vực sông do đồng chí Phó Thủ tướng làm Chủ tịch Ủy ban, Bộ trưởng Bộ TN&MT là Phó Trưởng ban Thường trực. Chắc chắn, khi Ủy ban Quốc gia các lưu vực sông đi vào hoạt động, các vướng mắc, tồn tại không chỉ của Đề án sông Đồng Nai, mà cả Đề án sông Nhuệ - Đáy, Đề án sông Cầu sẽ được khắc phục, đặc biệt là cơ chế phối hợp liên vùng, liên tỉnh.
Hồng Điển (Theo Báo TN&MT)