Banner trang chủ

Quản lý chặt chẽ phế liệu gang xỉ của Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh theo quy định của pháp luật

12/05/2019

    Trong những ngày qua, một số trang báo điện tử có đăng tải một số bài viết về công tác quản lý, chuyển giao gang xỉ của FHS, trong đó có nhiều thông tin sai lệch không đúng với bản chất sự việc gây hoang mang trong dư luận. Để có cách hiểu khách quan, khoa học và thống nhất về việc tái sử dụng, tái chế và quản lý gang xỉ phát sinh tại FHS, chiều ngày 10/5/2019, Tổng cục Môi trường đã tổ chức cuộc họp trao đổi thông tin về việc chuyển giao phế liệu gang xỉ của Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh (FHS).​​​

     Tại buổi họp, Tổng cục Môi trường và các chuyên gia đã trả lời các câu hỏi của phóng viên về tình hình quản lý chất thải, nhất là công tác quản lý phế liệu gang xỉ của Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh, cụ thể như sau:

     Về mặt pháp lý, theo quy định tại Khoản 16 Điều 3 Luật BVMT, phế liệu “là vật liệu được thu hồi, phân loại, lựa chọn từ những vật liệu, sản phẩm đã bị loại bỏ từ quá trình sản xuất hoặc tiêu dùng để sử dụng làm nguyên liệu cho một quá trình sản xuất khác”. Do vậy, gang xỉ khử lưu huỳnh của FHS được phân loại, lựa chọn làm nguyên liệu sản xuất gang thép được coi là phế liệu làm nguyên liệu. Gang xỉ khử lưu huỳnh này nếu thải ra ngoài môi trường thì mới được xem là chất thải. 

     Tại khoản 3 Điều 5 Luật BVMT quy định chính sách của Nhà nước là “đẩy mạnh tái chế, tái sử dụng và giảm thiểu chất thải”; khoản 3 Điều 6 Luật BVMT quy định về hoạt động BVMT được khuyến khích là “Giảm thiểu, thu gom, tái sử dụng và tái chế chất thải”; khoản 2 Điều 86 Luật BVMT quy định “Chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ làm phát sinh chất thải có trách nhiệm giảm thiểu, tái sử dụng, tái chế và thu hồi năng lượng từ chất thải hoặc chuyển giao cho cơ sở có chức năng phù hợp để tái sử dụng, tái chế và thu hồi năng lượng”.

    Như vậy, gang xỉ khử lưu huỳnh của FHS (có chứa 71,6% là sắt) được pháp luật khuyến khích tái sử dụng làm nguyên liệu sản xuất thép. Để cụ thể hóa quy định này, trong báo cáo đánh giá tác động môi trường được phê duyệt, xác nhận, đặc biệt trong Sổ chủ nguồn thải chất thải nguy hại mã số 42.000221.T ngày 07/9/2015 của Sở TN&MT tỉnh Hà Tĩnh cũng không có chất thải nguy hại là gang xỉ nêu trên. Các loại chất thải rắn như xỉ hạt lò cao, xỉ thép, tro bay, tro đáy, vật liệu chịu lửa, gang xỉ,... của FHS sẽ ưu tiên tái sử dụng, thu hồi làm nguyên liệu cho quá trình sản xuất của khu liên hợp hoặc bán cho các ngành công nghiệp khác làm nguyên liệu.

 

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường Hoàng Văn Thức phát biểu tại cuộc họp báo

 

      Tại các nhà máy luyện thép liên hợp từ quặng sắt trên thế giới (như EU, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc), chất thải rắn phát sinh từ hoạt động của khu liên hợp gang thép được thu hồi, tái chế, tái tuần hoàn ở các công đoạn sản xuất khác nhau để giảm thiểu tối đa lượng chất thải ra ngoài môi trường. Theo Công ước Basel về kiểm soát việc vận chuyển xuyên biên giới chất thải nguy hại và tiêu hủy chúng cũng không quy định chất thải ngành thép thuộc danh mục chất thải nguy hại, tuy nhiên các quốc gia thành viên tham gia Công ước (trong đó có Việt Nam) có quyền quy định cụ thể danh mục chất thải nguy hại và quy chuẩn áp dụng để xác định một số loại chất thải có phải là nguy hại hay không trong trường hợp thải ra môi trường. Tại các nước phát triển trên thế giới, chất thải ngành thép đang được sử dụng trực tiếp hoặc được sơ chế, xử lý sơ bộ trước khi dùng làm nguyên liệu đầu vào cho các ngành công nghiệp khác, đặc biệt là ngành sản xuất vật liệu xây dựng.

     Về công nghệ sản xuất và công tác quản lý gang xỉ tại FHS: Công nghệ của FHS sản xuất ra các sản phẩm thép chất lượng cao dùng làm cốt công trình, thép ống và ốc vít, nên gang lỏng được sản xuất từ lò cao có hàm lượng lưu huỳnh từ 0,01-0,03%, trước khi đưa vào lò chuyển (BOF) luyện thép được FHS sử dụng vôi cục và vôi bột (CaO) để khử lưu huỳnh xuống dưới 0,005%. Để bảo đảm quá trình khử lưu huỳnh được xử lý hoàn toàn, phải sử dụng lượng vôi dư. Sản phẩm trung gian của quá trình này thu được gang xỉ khử lưu huỳnh sẽ chuyển đến Xưởng thu hồi tài nguyên (gồm các công đoạn ổn định hóa và nghiền tách) để thu lại các thành phần có giá trị sử dụng, trong đó có phế liệu gang xỉ (có chứa 71,6% là sắt). Độ kiềm (giá trị pH) trong gang xỉ cao thực chất là lượng vôi dư và hợp chất của Canxi (Ca), lượng vôi dư này còn có tác dụng xử lý khi thải (SOx) nếu gang xỉ này sử dụng trong lò điện hồ quang để sản xuất thép...

     Theo đề nghị của Sở TNMT tỉnh Hà Tĩnh, Sở TNMT tỉnh Thái nguyên đã tiến hành kiểm tra, lấy mẫu phế liệu gang xỉ và mẫu chất thải sau khi tuyển gang xỉ làm nguyên liệu sản xuất của một số đơn vị thu mua để phân tích và đã xác định có độ kiềm (pH) cao. Vì gang xỉ được sử dụng làm nguyên liệu sản xuất nên không cần thiết phải phân định chất thải nguy hại; tuy nhiên, việc so sánh phế liệu gang xỉ (đang được sử dụng là nguyên liệu sản xuất, không thải ra môi trường) với quy chuẩn nêu trên là không phù hợp, dễ dẫn đến hiểu lầm (ví dụ lấy dầu FO, hóa chất… đi phân tích và so sánh với QCVN 07:2009/BTNMT thì tất cả là chất thải nguy hại? QCVN 07:2009/BTNMT được sử dụng để kiểm soát chất thải ra môi trường, không được sử dụng để đánh giá đối với phế liệu làm nguyên liệu sản xuất), chỉ cần thiết phân định đối với mẫu chất thải sau khi tuyển gang xỉ nêu trên. Trong văn bản trao đổi của Sở TN&MT tỉnh Thái Nguyên nêu “kết quả phân tích mẫu gang xỉ cho thấy giá trị pH đều vượt ngưỡng nguy hại…”, không khẳng định gang xỉ là chất thải nguy hại như một số báo nêu (vì gang xỉ là nguyên liệu sản xuất). Tuy nhiên, các cơ sở tái chế, tái sử dụng gang xỉ (sau khi đã thu hồi sắt) nếu có phát sinh chất thải thì phải được quản lý theo quy định của pháp luật về chất thải.

 

Gia Linh

 

Ý kiến của bạn