13/09/2017
Ngày 13/9/2017, tại Hà Nội, Trung ương Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam tổ chức Hội thảo Góp ý Dự thảo Luật Bảo vệ, phát triển rừng và Luật Thủy sản (sửa đổi).
Hiện nay, nhiều hoạt động phát triển tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm, suy thoái môi trường, phá huỷ hệ sinh thái tự nhiên và tổn hại nghiêm trọng đến đa dạng sinh học (ĐDSH), tuy nhiên, các dự thảo Bộ Luật lại còn nhiều khoảng trống pháp lý về hành lang đa dạng sinh học.
Toàn cảnh Hội thảo
Phát biểu tại Hội thảo, TS. Hoàng Thị Thanh Nhàn, Phó Cục trưởng Cục Bảo tồn ĐDSH (Tổng cục Môi trường), các Luật còn tồn tại nhiều điểm hạn chế như: Thiếu sự thống nhất trong chế độ quản lý, bảo vệ loài nguy cấp, quý, hiếm quy định tại các văn bản khác nhau (Luật ĐDSH, Luật Bảo vệ và phát triển rừng, Luật Thuỷ sản) gây chồng chéo, khó áp dụng; Chưa có sự nhất quán trong cách tiếp cận về quản lý, đối tượng và nội dung quản lý thiếu nhất quán với Luật ĐDSH… Trên quan điểm phát triển bền vững, quản lý tổng hợp các vấn đề thiên nhiên và môi trường cho thấy, khi xây dựng các Luật cần phải đặt trong mối quan hệ tổng thể chung với các luật khác, đặc biệt là đặt trong mối quan hệ với các luật cùng điều chỉnh một vấn đề.
Các đại biểu tham dự Hội thảo cũng đã chỉ ra những tồn tại, hạn chế và bổ sung, góp ý cho các Dự thảo Luật sửa đổi. Đồng thời nhấn mạnh đến sự thống nhất trong các điều luật và cho rằng, phải rà soát lại các thuật ngữ, nhằm đảm bảo sự dễ hiểu, dễ áp dụng trong thực tế.
Theo TS. Lê Hoàng Lan, Luật Bảo vệ, phát triển rừng (sửa đổi) cần cân nhắc bổ sung, điều chỉnh một số điều liên quan để phù hợp với quy định của Luật BVMT năm 2014 và đáp ứng thực tế về bảo vệ, phát triển rừng hiện nay ở Việt Nam. Đối với Luật Thuỷ sản (sửa đổi), bên cạnh việc đảm bảo thực hiện đúng, đầy đủ nguyên tắc bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản, cần cân nhắc bổ sung thêm một số điều về bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản gắn với bảo tồn ĐDSH trong các hoạt động phát triển.
Kết thúc Hội thảo, Chủ tịch Trung ương Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam - TS. Nguyễn Ngọc Sinh đánh giá cao những ý kiến góp ý của các chuyên gia, các nhà khoa học và sẽ sớm tổng hợp, trình Bộ TN&MT, Chính phủ xem xét, bổ sung, sửa đổi trong thời gian tới.
Nam Hưng