Banner trang chủ

Ngành Tài nguyên và Môi trường: Đẩy mạnh cải cách hành chính, tháo gỡ khó khăn để tăng trưởng bứt phá

13/07/2020

    Ngày 10/7, tại Hà Nội, Bộ TN&MT tổ chức Hội nghị sơ kết công tác 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2020. Bộ trưởng Trần Hồng Hà cùng các Thứ trưởng: Võ Tuấn Nhân, Nguyễn Thị Phương Hoa, Trần Quý Kiên, Lê Công Thành, Lê Minh Ngân chủ trì Hội nghị.

 

Bộ trưởng Trần Hồng Hà phát biểu khai mạc Hội nghị

 

    Phát biểu khai mạc Hội nghị, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết, từ đầu năm đến nay, trong bối cảnh tình hình kinh tế - xã hội của đất nước gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, Bộ TN&MT đã quyết liệt chỉ đạo triển khai thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP, 02/NQ-CP năm 2020 của Chính phủ, Chỉ thị số 11/CT-TTg ngày 4 tháng 3 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ; đồng thời tiếp tục chỉ đạo tăng cường kỷ luật kỷ cương hành chính, tập trung hoàn thiện thể chế, đổi mới cơ chế, chính sách, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính (TTHC), tháo gỡ khó khăn để kiến tạo, tăng trưởng bứt phá.

    Trong 6 tháng đầu năm 2020, Bộ TN&MT đã theo sát tình hình thực tiễn, chủ động chỉ đạo triển khai các giải pháp phù hợp để tăng cường BVMT, quản lý tài nguyên, phòng chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu. Đối với hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật về BVMT, hoàn thành trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ 100% đề án, văn bản, nhiệm vụ theo Chương trình công tác của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Nghị quyết số 10/NQ-CP, 02/NQ-CP của Chính phủ. Bộ cũng đã trình Quốc hội Dự án Luật BVMT (sửa đổi), trong đó có những đột phá về tư duy BVMT, đặt môi trường vào vị trí trung tâm của phát triển bền vững.

   Trong công tác cải cách hành chính (CCHC), Bộ đã cắt giảm trên 40% TTHC, giảm thời gian thực hiện thủ tục từ 20 - 75 ngày, thu hẹp khoảng 20% đối tượng phải thực hiện ĐTM; thay đổi phương thức quản lý hành chính kém hiệu quả, phức tạp sang quản lý dựa vào kết quả, mục tiêu cuối cùng; chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm. Đến nay, đã thực hiện đơn giản hóa 80,1% TTHC, bãi bỏ, thay thế 62,6% điều kiện đầu tư kinh doanh, rà soát cắt giảm 50% số mặt hàng thuộc danh mục kiểm tra chuyên ngành, qua đó, góp phần tiết kiệm được 1.047 tỷ đồng/năm. Cùng với đó, tiến trình xây dựng Chính phủ điện tử, hướng tới Chính phủ số, nền kinh tế số gắn với cải cách TTHC, cải thiện môi trường đầu tư cũng được đẩy mạnh. Có 33 dịch vụ công mức độ 4, đạt 30% số dịch vụ hoàn thành yêu cầu của Chính phủ. Chỉ số CCHC năm 2019 của Bộ đạt 54.16/62.5 điểm, kết quả đánh giá qua điều tra xã hội học là 30.62/37.5 điểm, tổng điểm là 84.78/100 điểm; xếp thứ 7 trên tổng số 17 các Bộ, cơ quan ngang bộ; tăng 2 bậc so với năm 2018. Công tác quản lý điều hành, ký số đã được triển khai 100% trên môi trường mạng ở Bộ và kết nối với toàn ngành, liên thông, gửi nhận văn bản trên Trục liên thông văn bản quốc gia. Bộ đã hoàn thành, đưa vào sử dụng Trung tâm điều hành tích hợp hạ tầng dữ liệu; kết nối dữ liệu quan trắc phục vụ quá trình phân tích, xây dựng các chủ trương chính sách, điều hành ra quyết định của Lãnh đạo Bộ; làm nền tảng để ngành TN&MT đóng góp cho phát triển nền kinh tế số, Chính phủ số, đáp ứng yêu cầu của người dân, doanh nghiệp.

    Đặc biệt, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 trên thế giới diễn biến phức tạp và triển vọng phục hồi kinh tế toàn cầu là rất khó khăn, vấn đề đổi mới, sáng tạo đã được Bộ thúc đẩy với hệ thống họp trực tuyến, hệ thống thông tin dữ liệu báo cáo, Trung tâm Điều hành thông minh, phần mềm theo dõi kết quả quan trắc, ô nhiễm không khí Envisoft, bản đồ đo mưa với độ phân giải 1 km để cảnh báo lũ, sạt lở khi có mưa lớn; phát triển kênh chia sẻ, trao đổi thông tin dự báo trực tuyến với các cơ quan dự báo quốc tế và trong nước; đưa vào vận hành và khai thác hiệu quả 10 trạm ra đa thời tiết trên toàn mạng lưới cơ bản bao trùm lãnh thổ Việt Nam…

    Đối với lĩnh vực môi trường, mặc dù, BVMT đang chịu áp lực ngày một lớn, nguồn ô nhiễm tăng nhanh phát sinh nhiều loại hình chất thải, chất ô nhiễm; nhưng với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị đã tạo được những chuyển biến tích cực. Tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt được thu gom xử lý tăng 6%. Trong đó, nhiều địa phương đã có mô hình xử lý hiệu quả như Nghệ An, Quảng Ninh, Ninh Bình, Quảng Bình, Cần Thơ. Điển hình tại Đồng Nai, tỷ lệ rác thải chôn lấp còn 43%; tỷ lệ thu gom xử lý chất thải rắn công nghiệp đạt 90%; tỷ lệ tro xỉ được tái sử dụng đạt trên 50%. Đặc biệt, Bộ đã chủ động kiểm soát nguy cơ ô nhiễm môi trường của các nguồn thải lớn, thiết lập hệ thống gần 900 trạm quan trắc kết nối trực tuyến với các Sở TN&MT trên các thiết bị di động…

 

Toàn cảnh Hội nghị

 

    Năm 2020 là năm có ý nghĩa đặc biệt, năm “về đích” hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, môi trường của giai đoạn 2016-2020, tạo nền tảng cho các mục tiêu, tầm nhìn dài hạn hơn đến năm 2030, 2045, trong bối cảnh mới đầy khó khăn, thách thức; đồng thời để triển khai Chỉ thị số 18/CT-TTg ngày 13/04/2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc xây dựng Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021- 2025, do đó, kết luận Hội nghị, Bộ trưởng Trần Hồng Hà đề nghị các đơn vị tập trung, đồng tâm, nhất trí để thực hiện tốt các nhiệm vụ 6 tháng cuối năm và đặc biệt là chuẩn bị xây dựng chiến lược phát triển cho giai đoạn mới 2021-2025.

    Theo đó, nhằm đảm bảo hoàn thành các mục tiêu, trong 6 tháng cuối năm 2020, Bộ TN&MT tăng cường công tác phối hợp, chủ động nắm bắt tình hình, tháo gỡ kịp thời các vướng mắc từ địa phương; Tập trung hoàn thành việc xây dựng các đề án, văn bản quy phạm pháp luật còn lại trong Chương trình công tác, xây dựng văn bản quy phạm pháp luật của Bộ; Thực hiện phân công, phân cấp đi đôi với phân quyền; chuyển vai trò của Nhà nước sang vai trò trung tâm của doanh nghiệp, cộng đồng và người dân; Xây dựng nền tảng thể chế phục vụ kiến tạo các mô hình phát triển bền vững như: Kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế phát thải ít các bon; Hình thành các ngành kinh tế mới: đầu tư vào vốn tự nhiên, công nghiệp môi trường… Đồng thời, tiếp tục đổi mới công tác nghiên cứu KH&CN; gắn nghiên cứu với chuyển giao, thực hiện cơ chế đấu thầu đặt hàng để khoa học công nghệ đóng góp vào sự phát triển của ngành.

    Đối với các lĩnh vực quản lý chuyên môn của ngành, Bộ trưởng Trần Hồng Hà đề nghị thủ trưởng các đơn vị đề cao trách nhiệm cá nhân người đứng đầu, lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành quyết liệt, cụ thể, phân công rõ trách nhiệm, đặc biệt chú trọng khâu tổ chức thực hiện; chủ động trong công tác phối hợp giải quyết các khó khăn vướng mắc đặt ra từ thực tiễn địa phương cơ sở. Quán triệt các cán bộ công chức tăng cường kỷ cương, kỷ luật hành chính; xử nghiêm các trường hợp gây phiền hà, sách nhiễu doanh nghiệp và người dân trong quá trình thực thi công vụ.

    Bên cạnh đó, tiếp tục thúc đẩy cải cách hành chính, xây dựng Chính phủ điện tử và hạ tầng cho chuyển đổi số trong từng lĩnh vực. Các đơn vị khẩn trương cập nhật thông tin, dữ liệu cho Trung tâm điều hành thông minh của Bộ. Tiếp tục kiện toàn, xây dựng tổ chức bộ máy của Bộ theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

    Đối với Tổng cục Môi trường, tập trung hoàn thành Dự thảo Luật BVMT trường (sửa đổi), trình Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 10; Triển khai xây dựng, hoàn thiện trình ban hành 3 Quy hoạch, 4 Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về BVMT và bảo tồn đa dạng sinh học; Hoàn thiện, trình ban hành 2 Đề án: Tăng cường công tác quản lý chất thải nhựa ở Việt Nam và Tăng cường năng lực quản lý chất thải rắn sinh hoạt tại Việt Nam. Cùng với đó, xây dựng, trình Bộ trưởng 3 Thông tư theo Chương trình công tác; Phối hợp với Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường xây dựng Chiến lược BVMT giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2040...

 

Bộ trưởng Trần Hồng Hà trao Huy chương hữu nghị và Bằng khen cho ông Jung Gun Young - Trưởng đại diện KEITI tại Việt Nam

 

   Tại Hội nghị, thừa ủy quyền của Chủ tịch nước Cộng hòa XHCN Việt Nam, Bộ trưởng Trần Hồng Hà đã  trao tặng Huy chương hữu nghị và Bằng khen cho ông Jung Gun Young - Trưởng đại diện Viện Công nghệ và Công nghiệp Môi trường Hàn Quốc (KEITI) vì đã có những đóng góp trong việc tuyên truyền, quảng bá giới thiệu, hỗ trợ các doanh nghiệp tham gia xúc tiến thương mại và đầu tư giữa hai nước Việt Nam - Hàn Quốc, trong đó có lĩnh vực môi trường. Bộ trưởng Trần Hồng Hà cũng tặng hoa, biểu dương PGS. TS. Hồ Thị Thanh Vân - Trưởng phòng Khoa học Công nghệ và Quan hệ đối ngoại của Trường Đại học TN&MT TP. Hồ Chí Minh vì đã có thành tích xuất sắc trong công tác nghiên cứu, giảng dạy, được Tạp chí Khoa học Singapo vinh danh trong 100 Nhà khoa học tiêu biểu châu Á năm 2020. Trước đó, tại Hội nghị điển hình tiên tiến giai đoạn 2021-2025 của Trường Đại học TN&MT TP. Hồ Chí Minh ngày 6/7, Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân đã thay mặt Bộ trưởng trao Bằng khen đột xuất năm 2019 của Bộ trưởng Bộ TN&MT cho PGS. TS. Hồ Thị Thanh Vân. Ngoài ra, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cũng đã trao tặng nhiều Bằng khen, danh hiệu cao quý cho các tổ chức và cá nhân có những đóng góp cho ngành trong thời gian qua.

 

PGS. TS. Hồ Thị Thanh Vân nhận hoa chúc mừng của Bộ trưởng Trần Hồng Hà

 

Bộ trưởng Trần Hồng Hà trao Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ phong tặng danh hiệu Chiến sỹ thi đua toàn quốc cho các cá nhân thuộc Bộ TN&MT

 

Hương Mai

 

Ý kiến của bạn