Nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về tài nguyên và môi trường tại địa phương
15/09/2015
Ngày 25/7/2015, tại Nghệ An, Bộ TN&MT phối hợp với UBND tỉnh Nghệ An tổ chức Hội nghị tập huấn công tác quản lý nhà nước về TN&MT, nhằm đánh giá tình hình quản lý nhà nước về lĩnh vực TN&MT trong thời gian qua; Giới thiệu một số văn bản quy phạm pháp luật mới được ban hành; Thảo luận và tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của các địa phương, trên cơ sở đó đề xuất cơ chế, chính sách quản lý và đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính trong các lĩnh vực quản lý của ngành, góp phần cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Bộ trưởng Bộ TN&MT Nguyễn Minh Quang phát biểu tại Hội nghị
Những năm qua, ngành TN&MT đã triển khai hiệu quả các nhiệm vụ được giao trên cơ sở bám sát chủ trương, đường lối của Đảng, Nghị quyết của Quốc hội và Chính phủ, sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Toàn ngành đã đạt được những kết quả tích cực, đã và đang chuyển đổi quyết liệt cơ chế nặng về bao cấp, "xin - cho" trong quản lý tài nguyên và BVMT sang cơ chế thị trường, nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, góp phần vào sự phát triển chung của đất nước.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác quản lý nhà nước về TN&MT vẫn còn tồn tại một số hạn chế, chất lượng môi trường nhiều nơi vẫn đang bị ô nhiễm, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe và đời sống người dân; Các nguồn tài nguyên thiên nhiên bị khai thác quá mức, thiếu hiệu quả; Biến đổi khí hậu và nước biển dâng gây ra triều cường, lũ lụt với cường độ ngày càng lớn và diễn biến phức tạp; Công tác cải cách thủ tục hành chính thực hiện chưa đáp ứng nhu cáu của người dân và doanh nghiệp… Năm 2015 là năm cuối thực hiện Kế hoạch 5 năm 2011 - 2015 của ngành TN&MT, đồng thời chuẩn bị triển khai Kế hoạch 5 năm 2016 - 2020; Kế hoạch đầu tư công trung hạn 2016 - 2020 ngành TN&MT; Tiếp tục thực hiện Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW về chủ động ứng phó với BĐKH, tăng cường quản lý tài nguyên, BVMT. Mục tiêu tổng quát đã đặt ra là đẩy nhanh phát triển nền kinh tế đi đôi với giữ vững, ổn định kinh tế vĩ mô; Triển khai thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế và đổi mới mô hình tăng trưởng; Bảo đảm an sinh, phúc lợi xã hội và nâng cao đời sống nhân dân; Mở rộng và nâng cao hiệu quả các hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế; Củng cố quốc phòng, bảo đảm an ninh chính trị và trật tự, an toàn xã hội; Phối hợp chặt chẽ với các địa phương giải quyết, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong các lĩnh vực quản lý về TN&MT... Do đó, nếu không có giải pháp cấp thiết, thỏa đáng và có tầm nhìn dài hạn để khắc phục những khó khăn nêu trên sẽ là trở ngại lớn, đe dọa sự phát triển bền vững đất nước.
Toàn cảnh Hội nghị
Hội nghị đã tập trung thảo luận về các giải pháp tháo gỡ vướng mắc trong quá trình triển khai các văn bản pháp luật mới được ban hành và công tác quản lý nhà nước về TN&MT tại các địa phương, đặc biệt là vấn đề cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; Xử lý ô nhiễm môi trường tại các khu cụm công nghiệp, BVMT lưu vực sông; Cấp phép khai thác và xử lý vi phạm trong hoạt động khai thác khoáng sản; Một số vướng mắc trong quản lý tổng hợp tài nguyên biển; Khai thác và sử dụng hợp lý tài nguyên, môi trường biển...
Phát biểu kết luận Hội nghị, Bộ trưởng Bộ TN&MT Nguyễn Minh Quang nhấn mạnh, từ nay đến cuối năm 2015 và những năm tiếp theo, khối lượng công việc của ngành còn rất nhiều, do vậy, để đảm bảo hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao, Thủ trưởng các đơn vị trực thuộc Bộ cần nghiên cứu, phối hợp với Sở TN&MT các tỉnh, thành phố hoàn thiện chính sách, pháp luật về TN&MT, đáp ứng yêu cầu thực tiễn; Kiện toàn tổ chức bộ máy của Ngành theo Nghị định số 21/2013/NĐ-CP của Chính phủ, 2 Thông tư liên tịch số 50/2014/TTLT-BTNMT-BNV và số 16/2015/TTLT-BTNMT-BNV-BTC; Đẩy nhanh tiến độ thành lập các Chi cục: Biển và hải đảo; Quản lý đất đai; Văn phòng đăng ký đất đai một cấp; Trung tâm phát triển Quỹ đất một cấp tại địa phương. Bên cạnh đó, tiếp tục đơn giản hóa các thủ tục hành chính; Tăng cường giao lưu trực tuyến với người dân và doanh nghiệp; Đẩy mạnh công tác thanh, kiểm tra và giải quyết các khiếu nại, tố cáo; Mở rộng hợp tác quốc tế nhằm tranh thủ kinh nghiệm, nguồn tài trợ của các nước, tổ chức quốc tế cho công tác quản lý tài nguyên, BVMT và ứng phó với BĐKH.
Đối với lĩnh vực môi trường, tăng cường tuyên truyền, phổ biến, quán triệt và tổ chức triển khai tốt Luật BVMT năm 2014 và các văn bản hướng dẫn thi hành, đặc biệt là các quy định mới; Hoàn thành đánh giá và đề xuất giải pháp nhằm tăng cường hiệu quả việc tổ chức thực hiện Luật Đa dạng sinh học năm 2008; Đổi mới và nâng cao chất lượng công tác thẩm định báo cáo đánh giá môi trường chiến lược...
B.B