17/09/2018
Trước thông tin xảy ra sạt lở đất nằm tiếp giáp với khoang số 2 hồ bùn đỏ và hồ chứa bùn sau tuyển rửa của Nhà máy Alumin Nhân Cơ - Công ty Nhôm Đắk Nông (Đắk R’lấp, Đắk Nông), ngày 14/9/2018, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường Hoàng Văn Thức đã dẫn đầu Đoàn công tác của Tổng cục Môi trường đến làm việc và kiểm tra công tác BVMT tại Công ty Nhôm Đắk Nông.
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường Hoàng Văn Thức phát biểu tại buổi làm việc với Công ty Nhôm Đắk Nông
Báo cáo về tình hình thực hiện công tác BVMT của Công ty Nhôm Đắk Nông, Phó Giám đốc Công ty Mai Chiến Thắng cho biết, Công ty đang tiến hành hoàn thiện các hồ sơ để thực hiện các chỉ đạo của Bộ TN&MT như xây dựng và vận hành hệ thống quan trắc nước thải tự động; xây dựng hệ thống khí thải tự động kết nối về Sở TN&MT; thuê tư vấn thực hiện biện pháp giảm thiểu mùi hôi xung quanh của Nhà máy nhiệt điện.
Vừa qua, do mưa lớn kéo dài nên Công ty đã để xảy ra một số sự cố như sạt trượt, nứt gãy khoang số 2 chứa hồ bùn đỏ - đây là khoang dự trữ, chưa đi vào hoạt động. Công ty đã khắc phục và cam kết khắc phục triệt để tình trạng này. Công ty cũng đã đề xuất với UBND huyện Đắk R’Lấp và báo cáo UBND tỉnh Đắk Nông lên phương án thu hồi, giải phóng mặt bằng, bồi thường những diện tích đất của người dân bị ảnh hưởng.
Ông Lã Hồng Tuyến - Phó Trưởng ban KSH, Tập đoàn Than và Khoáng sản Việt Nam thông tin thêm, khoang số 2 hồ bùn đỏ là khoang dự phòng, chưa đi vào hoạt động nên không có việc bùn đỏ chảy ra môi trường. Vấn đề sạt trượt xảy ra từ 2017, Tập đoàn đã nỗ lực chỉ đạo các đơn vị khắc phục và thuê đơn vị đánh giá bước đầu nguyên nhân; báo cáo Bộ TN&MT và UBND tỉnh Đắk Nông các giải pháp khắc phục. Đối với nước từ hồ bùn đỏ, đây là nước sau tuyển quặng để tuyển rửa khai quặng, không có hoá chất sử dụng, đã được Sở TN&MT và Công ty tiến hành quan trắc, kết quả đều đạt tiêu chuẩn cho phép. Sau đợt mưa này, Tập đoàn cũng như Công ty sẽ tiến hành hàng loạt các biện pháp phù hợp để tiếp tục hoàn thiện hồ chứa nước tuyển rửa quặng và khắc phục sự cố sạt lở các khoang chứa hồ bùn đỏ; hoàn thiện hồ sơ hoàn thành các công trình BVMT trước khi đi vào hoạt động, trình Bộ TN&MT phê duyệt.
Theo Phó Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Đắk Nông Nguyễn Văn Hiệp, từ tháng 7/2017, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở TN&MT và các Sở, ngành liên quan thường xuyên kiểm tra, giám sát công tác BVMT của Công ty Nhôm Đắk Nông; yêu cầu Công ty thực hiện quan trắc, xây dựng hệ thống quan trắc tự động nước thải quặng đuôi và khí thải tại các ống khói; khẩn trương hoàn thiện hồ sơ để hoàn thành các công trình BVMT, xử lý chất thải, trình Bộ TNMT phê duyệt để sớm đi vào hoạt động chính thức. Bên cạnh đó, tăng cường kiểm tra, giám sát để bổ sung vào kế hoạch ứng phó sự cố môi trường, chủ động cảnh báo để không xảy ra tình trạng xảy ra sự cố như thời gian qua.
Đoàn công tác khảo sát tại khoang số 2 hồ bùn đỏ của Công ty
Phát biểu tại buổi làm việc, ông Trương Thanh Tùng, Chủ tịch UBND tỉnh Đắc Nông đề nghị Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam và Công ty Nhôm Đắk Nông sớm có giải pháp khắc phục sự cố; hoàn thiện việc xây dựng hệ thống quan trắc nước thải tự động và các công trình kiểm soát ô nhiễm để đi vào hoạt động chính thức.
Trên cơ sở ý kiến của các đại biểu và qua khảo sát thực tế, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường Hoàng Văn Thức đề nghị Công ty Nhôm Đắk Nông và Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam có những giải pháp, biện pháp ứng phó sự cố kịp thời. Với sự cố khoang số 2, cần thuê các đơn vị có năng lực khảo sát, đánh giá lại địa chất công trình, địa chất thuỷ văn để làm rõ nguyên nhân, khắc phục triệt để trong tháng 10/2018. Đồng thời, đảm bảo yêu cầu kỹ thuật, cung cấp nước đủ tiêu chuẩn, tính toán lại phần kỹ thuật để khắc phục việc xả thải và bổ sung thêm các biện pháp lắng của hồ chứa nước thải quặng đuôi trong việc sử dụng nước từ hồ chứa quặng đuôi để tưới tiêu; khẩn trương triển khai một số yêu cầu của Bộ TN&MT, UBND tỉnh Đắk Nông về hoàn thành việc lắp đặt hệ thống quan trắc tự động nước thải, khí thải trong Quý 4/2018 và báo cáo Bộ TN&MT phương án điều chỉnh lại phương án cải tạo, phục hồi môi trường.
Nguyên Hằng (Theo VEA)