Banner trang chủ

Khởi động Chương trình Cùng hành động tạo sự thay đổi

15/09/2015

     Ngày 3/3/2015, tại Hà Nội, Đại sứ quán Mỹ tại Việt Nam phối hợp với Bộ TN&MT, Bộ NN&PTNT  tổ chức Chương trình khởi động OGC với sự tham dự của ngài Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Ted Osius, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát, Thứ trưởng Bộ TN&MT Bùi Cách Tuyến và các tổ chức phi Chính phủ trong nước và quốc tế.      Theo thống kê của các cơ quan bảo tồn quốc tế, trong vòng 40 năm qua, thế giới đã mất đi 52% sự đa dạng sinh học trên Trái đất. Một trong những nguyên nhân lớn nhất của sự mất mát này là do nạn buôn bán bất hợp pháp xuyên quốc gia các loài động vật hoang dã đang có nguy cơ tuyệt chủng. Chính nhu cầu nhu cầu sử dụng ĐVHD và các sản phẩm từ ĐVHD ngày càng tăng đã kéo theo sự gia tăng của nạn săn trộm; kết quả là sự suy giảm đáng báo động về số lượng loài trên thế giới, đặc biệt là các loài mang tính biểu tượng như tê giác, voi và hổ, trong khi đó lại làm tăng sức mạnh của các tổ chức tội phạm và làm suy yếu năng lực thực thi các quy định của pháp luật một cách hiệu quả. Trung Quốc, Mỹ và Việt Nam là ba nước tiêu thụ các sản phẩm từ buôn bán trái phép ĐVHD hàng đầu trên thế giới.   Các đại biểu tham gia Chương trình        Phát biểu tại Chương trình OGC, Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Ted Osius nhấn mạnh, sự bùng nổ của nạn buôn bán động vật hoang dã gần đây đang đe dọa đến sự sinh tồn của nhiều loài quý hiếm, nhất là tê giác ở Châu Phi. Trước thực trạng trên, ngài đại sứ Ted Osius cho rằng, các cơ quan của Việt Nam cần cùng hành động tạo sự thay đổi hướng tới việc nâng cao nhận thức của cộng đồng và giảm nhu cầu đối với động vật hoang dã bất hợp pháp.      Về phía Việt Nam, Bộ trưởng NN&PTNT Cao Đức Phát cho biết, để có thể bảo vệ các loài hoang dã, Việt Nam đã xây dựng mạng lưới Thực thi Luật động vật hoang dã (WEN) cùng với các hoạt động nâng cao nhận thức, nhằm ngăn chặn nạn buôn bán động vật hoang dã bất hợp pháp trong quốc gia cũng như qua biên giới, khu vực.        Với vai trò là đơn vị chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về đa dạng sinh học, Thứ trưởng Bộ TN&MT Bùi Cách Tuyến khẳng định, Bộ TN&MT đã ban hành các văn bản quan trọng liên quan đến việc bảo vệ các loài nguy cấp như Luật Đa dạng sinh học, Nghị định số 160/2013/NĐ-CP quy định về tiêu chí xác định và chế độ quản lý các loài nguy cấp quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ; Chiến lược quốc gia về đa dạng sinh học đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030... Thứ trưởng cho biết, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, Bộ TN&MT đã huy động sự tham gia của các Bộ, ngành, cơ quan và các tổ chức phi chính phủ trong việc tăng cường công tác quản lý, bảo tồn và thực thi pháp luật để giải quyết vẫn đề tiêu thụ trái pháp các loài đang bị đe dọa, các loài đặc hữu và có giá trị tại Việt Nam. Theo Thứ trưởng, Chương trình OGC là một sáng kiến quan trọng nhằm tạo ra thay đổi trong nhận thức về tiêu dùng ĐVHD, hướng tới những hành động thiết thực về bảo tồn thiên nhiên, đa dạng sinh học và phát triển bền vững.   Nam Việt  
Ý kiến của bạn