19/01/2016
Ngày 15/1/2016, tại Hà Nội, Tổng cục Môi trường chủ trì Hội thảo “Góp ý Dự thảo Thông tư ban hành định mức kinh tế - kỹ thuật, lập, điều chỉnh quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học”. Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường Nguyễn Thế Đồng đã tới dự và phát biểu tại Hội thảo. Tham dự Hội thảo còn có đại diện các cơ quan quản lý, nhà khoa học trong lĩnh vực môi trường; đại diện Bộ, ban, ngành địa phương.
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường Nguyễn Thế Đồng phát biểu chỉ đạo Hội thảo
Việt Nam hiện xếp thứ 16 trên thế giới về đa dạng tài nguyên sinh vật, tài nguyên di truyền và là nơi có nguồn gen cây trồng, vật nuôi địa phương đa dạng của thế giới. Tuy nhiên, việc khai thác bừa bãi, thiên tai, thói quen canh tác lạc hậu và sự gia tăng dân số kèm theo quá trình đô thị hóa đang diễn ra mạnh mẽ tại khắp các vùng trong cả nước. Đặc biệt, Việt Nam là 1 trong 5 quốc gia trên thế giới bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất bởi biến đổi khí hậu và nước biển dâng, tác động không nhỏ đến việc bảo tồn đa dạng sinh học (ĐDSH). Do đó, bên cạnh những văn bản quy phạm pháp luật đã ban hành, rất cần một Thông tư định mức kinh tế - kỹ thuật lập, điều chỉnh quy hoạch bảo tồn ĐDSH để làm căn cứ lập dự toán và quyết toán giá trị sản phẩm hoàn thành của các dự án, công trình cũng như phục vụ công tác điều hành sản xuất của các đơn vị và biên soạn định mức tổng hợp phục vụ công tác quản lý sản xuất của Bộ TN&MT.
Phó Cục trưởng Cục Bảo tồn đa dạng sinh học Huỳnh Thị Mai phát biểu tại Hội thảo
Theo đó, Dự thảo định mức kinh tế - kỹ thuật lập, điều chỉnh quy hoạch bảo tồn ĐDSH được tiến hành với 6 bước: Điều tra, thu thập thông tin, số liệu, bản đồ; Phân tích, đánh giá hiện trạng ĐDSH, điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội và môi trường tác động đến công tác bảo tồn DDSH; Phân tích, đánh giá kết quả thực hiện quy hoạch bảo tồn ĐDSH kỳ trước, tiềm năng ĐDSH và dự báo diễn biến của nó trong kỳ quy hoạch; Xây dựng và lựa chọn phương án quy hoạch; Xây dựng báo cáo thuyết minh tổng hợp quy hoạch bảo tồn ĐDSH cấp tỉnh và các tài liệu có liên quan; Thẩm định, phê duyệt và công bố quy hoạch bảo tồn ĐDSH cấp tỉnh. Các quy trình này được xây dựng mang tính mềm dẻo, linh hoạt để các địa phương có thể lựa chọn, áp dụng theo tình hình cụ thể cho phù hợp.
Tại Hội thảo, các đại biểu góp ý, sau khi nghiệm thu cần đề ra chương trình hành động tiếp theo; phần định mức thiết bị là đầy đủ song cần bổ sung thêm một số thiết bị để lưu giữ hình ảnh làm tư liệu; cần lấy ý kiến của Sở Tư pháp và thông qua HĐND tỉnh về Dự thảo này…
Toàn cảnh Hội thảo
Phát biểu kết luận Hội thảo, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường Nguyễn Thế Đồng khẳng định, sự đóng góp tích cực, đúng mục tiêu của các đại biểu, chuyên gia đã giúp tổ soạn thảo hoàn thiện thêm nội dung của Dự thảo để Bộ TN&MT ban hành Thông tư, làm cơ sở cho các tỉnh lập đề cương nhiệm vụ xây dựng, điều chỉnh quy hoạch bảo tồn ĐDSH cấp tỉnh.
Hương Mai