25/07/2018
Sau gần 8 năm hoạt động, ngày 24/7/2018, tại TP. Cần Thơ, Chương trình Quản lý tổng hợp vùng ven biển Đồng bằng sông Cửu Long (ICMP) đã tổ chức Hội nghị tổng kết Chương trình ICMP cấp tỉnh với chủ đề "Đổi mới để chuyển mình, hành động vì Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) thịnh vượng, bền vững về khí hậu từ năm 2011". Tham dự Hội nghị có đại diện các Bộ NN&PTNT, KH&ĐT, TN&MT, UBND và 5 Sở NN&PTNT An Giang, Kiên Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu và Cà Mau; các Đại sứ quán Đức, Ôxtrâylia; đại diện các tổ chức, cơ quan trong và ngoài nước.
Ông Nguyễn Văn Sơn - Phó Trưởng Ban quản lý các Dự án Lâm nghiệp, Giám đốc Chương trình ICMP phát biểu tại Hội nghị
Chương trình ICMP là một phần trong một sáng kiến chung do Chính phủ Việt Nam khởi xướng. Chương trình được đồng tài trợ bởi Chính phủ Ôxtrâylia, CHLB Đức và Việt Nam và do Bộ NN&PTNT cùng Tổ chức Hợp tác Phát triển Đức (GIZ) phối hợp thực hiện. Từ năm 2011, với sự hợp tác chặt chẽ với các đối tác trong nước và quốc tế, ICMP đã góp phần đáng kể trong việc tạo dựng nền tảng cho một tương lai thích ứng với biến đổi khí hậu (BĐKH) của ĐBSCL.
Khởi đầu với một mục tiêu tăng cường khả năng thích ứng với BĐKH cho các hệ sinh thái vùng ven biển, chương trình tập trung vào các lĩnh vực: nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản, bảo vệ vùng bờ, quản lý nước, lập kế hoạch và ngân sách, điều phối liên kết vùng và hàng loạt các hoạt động có liên quan. ICMP đã hỗ trợ việc điều chỉnh hệ thống văn bản pháp luật và đối thoại chính sách ở cấp quốc gia; thúc đẩy việc áp dụng các công nghệ tiên tiến tại 5 tỉnh ĐBSCL, gồm: Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau, Kiên Giang và An Giang, với nguồn vốn thực hiện khoảng 23 triệu Euro.
TS. Christian Henckes, Giám đốc GIZ ICMP
Phát biểu khai mạc Hội nghị, ông Nguyễn Văn Sơn - Phó Trưởng Ban quản lý các Dự án Lâm nghiệp, Giám đốc Chương trình ICMP cho biết, đây là Chương trình hỗ trợ kỹ thuật mang lại hiệu quả kinh tế đáng kể cho các tỉnh tham gia. 5 dự án đưa ra các giải pháp kỹ thuật, công trình cứng hóa hoặc công trình mềm cho các nhà đầu tư tiếp tục đầu tư hiệu quả. Trong 8 năm qua, Chương trình đã góp phần gắn kết các chủ thể với nhau trên hành trình chuyển mình - một hành trình gian nan nhưng cần thiết để đối mặt với những thách thức của BĐKH ở ĐBSCL.
Ghi nhận những thành tựu đã đạt được của Chương trình, TS. Christian Henckes, Giám đốc GIZ ICMP cho biết: Nhân dịp này, xin bày tỏ lòng biết ơn các Bộ, ngành Trung ương và địa phương đã chỉ đạo, hướng dẫn và đồng hành trong suốt quá trình thực hiện Chương trình. Đồng thời, chúng tôi tin tưởng rằng, Báo cáo tổng kết Chương trình ICMP từ năm 2011 đến năm 2018 sẽ mang lại cho độc giả cũng như những người tham gia chương trình những thông tin và tư liệu hữu ích về quá trình thực hiện cũng như các kết quả đạt được.
TS. Christian Henckes cũng chỉ ra các yếu tố thành công của Chương trình như: Sự quan tâm chỉ đạo của Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương là nhân tố quan trọng; Cơ chế quản lý linh hoạt; Hợp tác liên ngành/liên tỉnh nhịp nhàng và không thể không nhắc đến vai trò truyền thông nhằm nâng cao nhận thức cho cộng đồng. Các bài học kinh nghiệm của Chương trình chắc chắn sẽ hữu ích cho tất cả chúng ra trong việc phát triển các Chương trình khác tại ĐBSCL trong tương lai.
Đại diện Đại sứ quán Đức, Ôxtrâylia, các Bộ NN&PTNT, KH&ĐT và hai tỉnh Sóc Trăng,
Cà Mau tham gia tọa đàm về tương lai bền vững của ĐBSCL
Đánh giá về kết quả và bài học kinh nghiệm trên các lĩnh vực nông nghiệp, thủy sản, lâm nghiệp ứng phó với BĐKH, bảo vệ vùng bờ, quản lý nước…5 tỉnh tham gia đều cho rằng, Chương trình giúp nâng cao năng lực quản lý bảo vệ đường bộ trong bối cảnh BĐKH; Nhận thức về BVMT, BĐKH của cộng đồng được nâng lên; Thiết bị Flycam đã hỗ trợ đắc lực cho công tác quản lý hệ sinh thái ven biển, bảo vệ rừng, đê bờ biển; Các mô hình sinh kế cho người dân tiếp tục được nghiên cứu và phát triển, hình thành chuỗi trong sản xuất nông nghiệp, giúp người dân ổn định cuộc sống… Ngoài ra, các tỉnh cũng đề nghị Chương trình tiếp tục hỗ trợ cho BĐSCL nâng cao về năng lực, ứng dụng các mô hình, công nghệ có hiệu quả để bảo vệ vùng ven biển trước hiểm họa BĐKH ngày càng gia tăng.
Tại Hội nghị, đại diện Đại sứ quan Đức, Ôxtrâylia, các Bộ NN&PTNT, KH&ĐT, và hai tỉnh Sóc Trăng, Cà Mau đã diễn ra cuộc tọa đàm về tương lai bền vững của ĐBSCL. Nội dung tập trung làm rõ những mối đe dọa, rủi ro, yếu tố ảnh hưởng đến BĐKH và khả năng chống chịu tại khu vực; Giải pháp tăng cường khả năng chống chịu và đổi mới sáng tạo vì tương lai bền vững khí hậu; Cơ chế tài chính và sự cần thiết có cơ quan điều phối toàn toàn vùng…
Toàn cảnh Hội nghị
Trong khuôn khổ Hội nghị, Ban Tổ chức đã tặng quà lưu niệm cho các tỉnh tham gia và các đối tác có những đóng góp thích cực vì BĐSCL phát triển bền vững.
Kết thúc Chương trình ICMP, Bộ NN&PTNT tiếp tục triển khai Chương trình thích ứng với BĐKH ở ĐBSCL dựa trên tiếp cận của con người và khoa học kỹ thuật (MCRP) được thực hiện trong giai đoạn 2019 - 2021 tại 13 tỉnh ĐBSCL.
Phạm Đình