Banner trang chủ

Hành trình 10 năm đánh dấu sự trưởng thành và phát triển của Tổng cục Môi trường

30/09/2018

 Chặng đường hình thành và phát triển của Tổng cục Môi trường trải qua 4 lần thay đổi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức vào các năm 1992, 2002, 2014 và 2018. Tiền thân là Cục BVMT trực thuộc Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường (1992 - 2002); Vụ Môi trường, Vụ Thẩm định và Đánh giá tác động môi trường trực thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường (2002 - 2008) và Tổng cục Môi trường từ năm 2008.

  Hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ trong tình hình mới

   Ngay sau khi được thành lập, Tổng cục Môi trường đã được Thủ tướng Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức theo Quyết định số 132/2008/QĐ-TTg ngày 30/9/2008, gồm 16 đơn vị trực thuộc (trong đó có 10 đơn vị hành chính và 06 đơn vị sự nghiệp), với tổng số cán bộ là gần 300 người. Sự ra đời của Tổng cục Môi trường là một bước quan trọng trong tiến trình quy hoạch và nâng cấp cơ quan quản lý nhà nước về BVMT, đánh dấu sự trưởng thành và phát triển của ngành môi trường ở nước ta.

   Đến nay, sau chặng đường 10 năm hình thành và phát triển, Tổng cục Môi trường đã trải qua 2 lần thay đổi chức năng nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức vào các năm 2014 và 2018.

 Theo Quyết định số 15/2018/QĐ-TTg ngày 12/3/2018 (thay thế Quyết định số 25/2014/QĐ-TTg), Tổng cục có 18 đơn vị trực thuộc, gồm 12 đơn vị hành chính và 6 đơn vị sự nghiệp. Mô hình tổ chức đã được xây dựng theo hướng tinh gọn, giảm tầng nấc trung gian, đáp ứng yêu cầu cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước, chuyển đổi 03 Cục thành 03 Vụ; đồng thời kiện toàn 03 Cục BVMT khu vực miền Bắc, miền Trung và Tây Nguyên và miền Nam, thành lập 03 Trung tâm Quan trắc môi trường cho 03 khu vực (miền Bắc, miền Trung - Tây Nguyên và miền Nam) nhằm phát huy vai trò chỉ đạo, điều phối, tác nghiệp tại địa phương theo vùng.

  Bên cạnh đó, chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của Tổng cục không ngừng được bổ sung, hoàn thiện, phân định rõ hơn thẩm quyền, khắc phục sự chồng chéo với các Bộ/ngành, địa phương. Tổng cục được giao là cơ quan thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành trong lĩnh vực BVMT; bổ sung thêm thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính, nhiệm vụ tổng hợp, đề xuất phân bổ nguồn chi sự nghiệp môi trường cho các Bộ/ ngành, địa phương; cụ thể hóa chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước trên các lĩnh vực: quản lý chất thải rắn, chất thải nguy hại; đánh giá tác động môi trường; bảo tồn đa dạng sinh học; sức khoẻ môi trường; quản lý chất lượng các thành phần môi trường. 

 

Lễ ra mắt Tổng cục Môi trường ngày 26/12/2008

 

   Nỗ lực tạo được sự chuyển biến tích cực trong công tác BVMT

   Trong quá trình hoạt động, Tổng cục Môi trường đã có những chuyển biến tích cực, linh hoạt, phù hợp với cơ cấu tổ chức trong từng giai đoạn, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, áp dụng mô hình Chính phủ điện tử.

   Theo đó, Tổng cục đã thực hiện cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 - 4 đối với 27 thủ tục hành chính trên Hệ thống Dịch vụ công trực tuyến của Bộ Tài nguyên và Môi trường; thực hiện chỉ đạo, điều hành trực tuyến trên Hệ thống quản lý văn bản – hồ sơ công việc; giao ban trực tuyến với các Cục, Trung tâm vùng. Bên cạnh đó, Tổng cục xây dựng cơ chế phối hợp giữa các đơn vị trong và ngoài Tổng cục; ban hành quy trình giải quyết công việc và thủ tục hành chính nội bộ, quy định rõ trách nhiệm của đơn vị, cá nhân trong từng bước công việc; thực hiện chấm điểm thực thi nhiệm vụ đối với từng cán bộ, công chức. 100% các đơn vị trực thuộc Tổng cục đã xây dựng và vận hành hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO 9000. Năm 2012, Cổng thông tin điện tử của Tổng cục đã vinh dự nhận giải Ba các nước Châu Á - Thái Bình Dương về Chính phủ điện tử xanh.

   Ngoài ra, quán triệt phương châm hướng về địa phương, cơ sở, Tổng cục Môi trường đã tăng cường đối thoại, làm việc trực tiếp với các địa phương để kịp thời nắm bắt, giải quyết các vướng mắc, bất cập. Tính đến nay, Tổng cục đã giải quyết được hơn 600 kiến nghị (đạt gần 90%). Năm 2017, Tổng cục đã thành lập đường dây nóng tiếp nhận thông tin phản ánh kiến nghị về môi trường xuyên suốt từ Trung ương đến các địa phương. Việc giải quyết các phản ánh qua đường dây nóng đạt kết quả tích cực với 450 kiến nghị được xử lý dứt điểm (chiếm khoảng 50%); 300 kiến nghị được xác minh và có phương án xử lý (chiếm khoảng 30%). Sự phối hợp với các địa phương trong triển khai nhiệm vụ quản lý nhà nước về BVMT ngày càng được tăng cường, thể hiện rõ nét trong công tác thanh tra, kiểm tra; kiểm soát các dự án lớn về môi trường. 

   Nhìn lại chặng đường một thập kỷ qua, mặc dù phải đối diện với rất nhiều khó khăn, thách thức, song Tổng cục Môi trường vẫn luôn nỗ lực hết mình để hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao, góp phần tạo được sự chuyển biến tích cực trong công tác BVMT. Đến nay, đã có 02 Luật quan trọng được ban hành, đó là Luật Đa dạng sinh học và Luật BVMT, cùng với 15 Nghị định, 98 Thông tư, 13 văn bản liên tịch, 82 Quy chuẩn kỹ thuật về môi trường. Ngoài ra, còn có 01 Nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương, 01 Chỉ thị của Ban Bí thư, 01 Nghị quyết của Bộ Chính trị, 02 Chiến lược và nhiều Chương trình, kế hoạch khác đã được ban hành, tạo nên hành lang pháp lý tương đối đầy đủ, đồng bộ cho công tác BVMT.

   Nhờ triển khai có hiệu quả, đồng bộ, sáng tạo nhiều công cụ quản lý, giải pháp chính sách, Việt Nam đã từng bước chuyển từ thế bị động sang chủ động trong việc phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường. Trong bối cảnh đối mặt với nhiều vấn đề, thách thức về môi trường của giai đoạn phát triển nóng, công tác đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường đã được chú trọng nâng cao chất lượng, qua đó yêu cầu chỉnh sửa, bổ sung các biện pháp giảm thiểu tác động có hại đến môi trường, kiến nghị xem xét kỹ đối với nhiều dự án lớn, có nguy cơ tiềm ẩn đối với môi trường như dự án Cảng Lạch Huyện, dự án khai thác quặng sắt Thạch Khê, các dự án khai thác bauxite tại Tây Nguyên, dự án khai thác đất hiếm tại Đông Pao, Lai Châu…hoặc kiến nghị dừng triển khai như dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 6A, dự án thép Posco tại vịnh Vân Phong, Khánh Hòa. Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ và Bộ Tài nguyên và Môi trường, Tổng cục Môi trường đã hình thành các tổ giám sát đối với các cơ sở, dự án lớn như: Nhà máy sản xuất Alumnia Nhân Cơ, Tân Rai, Formosa Hà Tĩnh, Lee&Man, Lọc hóa dầu Nghi Sơn; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra với gần 6.400 cơ sở và khu công nghiệp (KCN), buộc các cơ sở có nguồn thải lớn phải lắp đặt hệ thống quan trắc môi trường liên tục, tự động; đầu tư xây dựng, mở rộng hệ thống quan trắc môi trường quốc gia với hơn 600 điểm trên cả nước.

   Hoạt động kiểm soát ô nhiễm môi trường tại các khu vực tập trung nhiều nguồn thải như KCN, cụm công nghiệp, làng nghề, lưu vực sông, khu vực đô thị cũng có tiến bộ với trên 80% KCN có hệ thống xử lý nước thải tập trung; 85,5% chất thải rắn đô thị, 90% chất thải nguy hại được thu gom, xử lý đúng quy định; tỷ lệ chất thải được tái chế liên tục tăng. Tỷ lệ nước thải sinh hoạt được thu gom, xử lý đã đạt 12%, tăng khoảng 5% so với năm 2010. 60 điểm ô nhiễm tồn lưu do hóa chất bảo vệ thực vật đã được khắc phục, cải tạo và phục hồi; xử lý trên 300 bệnh viện, bãi rác, kho thuốc bảo vệ thực vật, 92% cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng; phát hiện và kiểm soát chặt chẽ trên 400 khu vực môi trường bị ô nhiễm do hóa chất bảo vệ thực vật tồn lưu.

   Công tác bảo tồn thiên nhiên, đa dạng sinh học tiếp tục được quan tâm, chú trọng; số lượng lớn các vụ buôn bán và tiêu thụ bất hợp pháp được hạn chế, góp phần bảo tồn các nguồn gen quý; phòng, chống các loài ngoại lai xâm hại. Việt Nam đã có 05 thành phố đạt danh hiệu thành phố bền vững về môi trường ASEAN, 06 vườn di sản ASEAN, 04 trường học sinh thái ASEAN, 06 khu Ramsar, 09 khu dự trữ sinh quyển thế giới, 02 khu di sản thiên nhiên thế giới của Việt Nam được công nhận.

   Trong giai đoạn 2008-2018, Tổng cục Môi trường đã xây dựng và công bố 10 báo cáo hiện trạng môi trường quốc gia với 08 báo cáo chuyên đề và 02 Báo cáo đánh giá tổng quan hiện trạng môi trường Việt Nam theo giai đoạn 5 năm; đẩy mạnh các chiến dịch, chương trình, cuộc thi, giải thưởng, tuyên truyền, phổ biến giáo dục công tác BVMT; tổ chức thành công nhiều sự kiện lớn về môi trường như Hội nghị Môi trường toàn quốc vào năm 2010 và 2015, Hội nghị trực tuyến toàn quốc về BVMT năm 2016, các Hội nghị Bộ trưởng Môi trường ASEAN, Đông Á; ứng dụng, triển khai các tiến bộ khoa học kỹ thuật trong BVMT với 67 đề tài khoa học công nghệ cấp Bộ, 47 đề tài khoa học công nghệ cấp cơ sở, 463 dự án dịch vụ về BVMT; tham gia tích cực 23 điều ước quốc tế về môi trường cũng như hàng trăm dự án hợp tác với các quốc gia, tổ chức quốc tế; phát hành 155 số Tạp chí Môi trường với hàng chục nghìn bài, tin, ảnh; Cổng thông tin điện tử của Tổng cục thu hút hơn 58 triệu lượt truy cập, trung bình khoảng 3 vạn lượt truy cập/ngày. 

 

  Hội nghị Môi trường toàn quốc lần thứ IV được tổ chức ngày 30/9/2015

   

Huy động nguồn lực tài chính, đảm bảo các điều kiện cho công tác BVMT

   Nếu như trước đây chi từ ngân sách cho công tác quản lý nhà nước về BVMT được phân bổ từ nguồn chi sự nghiệp khoa học thì bắt đầu từ năm 2006, ngân sách cho BVMT đã được bố trí thành một nguồn riêng (chi sự nghiệp BVMT) với quy mô không thấp hơn 1% tổng chi ngân sách nhà nước - đây là thành công lớn của các đơn vị tiền thân, các thế hệ lãnh đạo đi trước của Tổng cục. Việc hình thành mục chi sự nghiệp BVMT riêng đã tạo chuyển biến to lớn về nguồn lực của Nhà nước cho hoạt động quản lý nhà nước môi trường, hỗ trợ, thúc đẩy mạnh mẽ công tác BVMT ở các Bộ, ngành và địa phương.

   Từ năm 2008, chi sự nghiệp BVMT đã được bố trí tăng dần qua các năm, đến năm 2018 tăng gần 4 lần so với năm 2008. Cũng trong giai đoạn này, lần đầu tiên lĩnh vực môi trường đã được Quốc hội thông qua Chương trình mục tiêu quốc gia khắc phục ô nhiễm và cải thiện môi trường giai đoạn 2012-2015, qua đó tập trung nguồn lực để khắc phục ô nhiễm, cải thiện và phục hồi môi trường tại các làng nghề bị ô nhiễm, điểm ô nhiễm do hóa chất bảo vệ thực vật tồn lưu…Trên cơ sở kết quả của Chương trình này, Quốc hội tiếp tục thông qua Chương trình mục tiêu xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng thuộc khu vực công ích giai đoạn 2016-2020.

   Bên cạnh đó, việc huy động các nguồn lực tài chính từ quốc tế và xã hội cũng được quan tâm đẩy mạnh. Các hoạt động hợp tác quốc tế của Tổng cục đã được tăng cường, giúp huy động có hiệu quả các nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) cho công tác BVMT. Giai đoạn 2008 - 2018, Tổng cục đã huy động được gần 800 tỷ từ nguồn vốn ODA cho các lĩnh vực bảo tồn đa dạng sinh học, quản lý chất thải, kiểm soát ô nhiễm, BVMT lưu vực sông, quan trắc môi trường,… Việc huy động nguồn lực đầu tư của xã hội cho công tác BVMT cũng đã được chú trọng thực hiện. Hệ thống các trạm quan trắc, phòng thí nghiệm, phương tiện, trang thiết bị chuyên dụng và các điều kiện bảo đảm khác cho công tác BVMT được tăng cường đầu tư từ nguồn lực xã hội hóa. 

   Với những nỗ lực và thành tích đạt được, trong 10 năm qua, Tổng cục Môi trường đã vinh dự được Chủ tịch nước trao tặng Huân chương Lao động hạng Nhì, Thủ tướng Chính phủ trao tặng Cờ Thi đua cho đơn vị có thành tích xuất sắc trong công tác BVMT, và nhiều Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường. Ngoài ra, các tập thể, cá nhân trực thuộc Tổng cục cũng vinh dự được Đảng, Nhà nước trao tặng nhiều danh hiệu cao quý khác…

Mai Hương

Ý kiến của bạn