Banner trang chủ

Diễn đàn Đối tác bảo tồn Đa dạng sinh học - Kỷ niệm 25 năm đồng hành cùng Công ước đa dạng sinh học

22/05/2018

     Hưởng ứng Ngày quốc tế Đa dạng sinh học (ĐDSH) năm 2018 và kỷ niệm 25 năm đồng hành cùng Công ước ĐDSH, hướng tới mục tiêu tăng cường mối quan hệ đối tác trong bảo tồn ĐDSH, ngày 22/5/2018, tại Hà Nội Tổng cục Môi trường, Bộ TN&MT phối hợp với Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP), Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam (VACNE), Tổ chức CropLife Việt Nam tổ chức “Diễn đàn Đối tác bảo tồn ĐDSH - Kỷ niệm 25 năm đồng hành cùng Công ước ĐDSH”.

     Tham dự Diễn đàn có Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường Nguyễn Văn Tài; Phó Chủ tịch VACNE Đặng Huy Huỳnh; Phó Giám đốc Quốc gia UNDP tại Việt Nam Akiko Fujii; Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý rừng đặc dụng, phòng hộ, Tổng cục Lâm Nghiệp, Bộ NN&PTNT cùng đại diện các Bộ, ngành, tổ chức quốc tế tại Việt Nam; Viện nghiên cứu, trường đại học, tổ chức phi Chính phủ trong nước, quốc tế; Các chuyên gia trong lĩnh vực ĐDSH và các cơ quan truyền thông.

 

Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường Nguyễn Văn Tài phát biểu tại Diễn đàn

 

     Công ước ĐDSH được thông qua tại Hội Nghị thượng đỉnh về Môi trường - Phát triển bền vững năm 1992, tổ chức ở Rio de Janero (Brazin) và chính thức có hiệu lực từ ngày 29/12/1993. Đến nay, Công ước đã có 196 quốc gia thành viên trên phạm vi toàn cầu và ngày 22/5 hàng năm được lựa chọn là Ngày quốc tế ĐDSH, nhằm thực hiện 3 mục tiêu chính của Công ước: Bảo tồn ĐDSH; Sử dụng bền vững các thành phần của ĐDSH; Chia sẻ công bằng, hợp lý những lợi ích thu được từ việc sử dụng tài nguyên sinh học. 

     Phát biểu tại Diễn đàn, Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường Nguyễn Văn Tài cho biết, Việt Nam chính thức phê chuẩn Công ước ĐDSH ngày 17/10/1994 và trong vòng ¼ thế kỷ đồng hành cùng Công ước, Việt Nam đã có những bước tiến lớn trong công cuộc bảo tồn thiên nhiên, ĐDSH. Trên cơ sở các định hướng của Công ước đối với những mục tiêu bảo tồn, Việt Nam đã xây dựng được hệ thống các cơ quan quản lý, khung chính sách, pháp luật về ĐDSH; Thành lập hệ thống các khu bảo tồn; Các loài động, thực vật nguy cấp, quý hiếm được bảo vệ bằng pháp luật, thông qua các chương trình hành động. Đồng thời, đẩy mạnh thực hiện các vấn đề mới của bảo tồn ĐDSH như an toàn sinh học, tiếp cận nguồn gen, chia sẻ lợi ích có được từ việc sử dụng nguồn gen….; Nhận thức về tầm quan trọng, vai trò của ĐDSH đối với cuộc sống và phát triển bền vững đất nước ngày càng được nâng cao.

 

Toàn cảnh Diễn đàn

 

     Với sự phong phú, đa dạng về địa hình, kiểu đất, cảnh quan, khí hậu, Việt Nam là một trong những quốc gia có tính ĐDSH cao nhưng cũng đang phải đối mặt với nguy cơ suy thoái ĐDSH, sự mất cân bằng sinh thái, ảnh hưởng trực tiếp đến môi trường sống của con người, đe dọa sự phát triển của Trái đất. Vì vậy, công tác bảo tồn ĐDSH cần sự hợp tác đa bên, sự vào cuộc của toàn xã hội mới có thể thực hiện hiệu quả mục tiêu đề ra của Công ước ĐDSH cũng như mục tiêu của Chiến lược quốc gia về ĐDSH.

     Tại Hội thảo, các đại biểu đã đánh giá về kết quả 25 năm Việt Nam đồng hành cùng Công ước ĐDSH; Chia sẻ thông tin, kinh nghiệm, thành tựu trong hoạt động bảo tồn ĐDSH; Trao đổi, thảo luận về những cơ hội hợp tác trong lĩnh vực bảo tồn ĐDSH…

 

Bùi Hằng

 

 

Ý kiến của bạn