Banner trang chủ

Chia sẻ và lấy ý kiến về kết quả nghiên cứu đánh giá tác động của Chương trình hỗ trợ ứng phó với BĐKH (SP-RCC)

15/09/2015

     Ngày 16/4/2014, tại Hà Nội, Bộ TN&MT phối hợp với Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) tổ chức Hội thảo Chia sẻ và lấy ý kiến về kết quả nghiên cứu đánh giá tác động của Chương trình hỗ trợ ứng phó với BĐKH (SPR-CC) đối với các chính sách khác nhau tại Việt Nam. Thứ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà và Trưởng đại diện Văn phòng JICA tại Việt Nam Mori Mutsuya đến dự và chủ trì Hội thảo.      Phát biểu khai mạc Hội thảo, Thứ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà cho biết, Chương trình Hỗ trợ ứng phó với BĐKH (SP-RCC) được thành lập từ năm 2009 nhằm hỗ trợ Việt Nam xây dựng, sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật theo định hướng lồng ghép yếu tố ứng phó với BĐKH. Chương trình đã thu hút gần 1 tỷ Đô la Mỹ từ 6 nhà tài trợ JICA, Cơ quan phát triển Pháp (AFD), Chính phủ Úc, Cơ quan phát triển Canađa (CIDA), Ngân hàng Thế giới (WB), Ngân hàng EXIM Bank của Hàn Quốc, DFAT và nhiều hỗ trợ kỹ thuật khác cho Việt Nam nhằm ứng phó với BĐKH. Hiện nay, Chương trình đã nhận được sự tham gia tích cực của các Bộ, ngành và địa phương.      Bên cạnh hỗ trợ về mặt tài chính, từ năm 2009 đến nay, các nhà tài trợ SPR-CC đã phối hợp với các Bộ, ngành xây dựng 219 hành động chính sách ứng phó với BĐKH, góp phần hiện thực hóa chủ trương chung của Đảng, Nhà nước về ứng phó với BĐKH. Quá trình xây dựng được thực hiện thông qua hàng trăm cuộc họp, thảo luận giữa các đơn vị thực hiện của các Bộ, ngành và với nhà tài trợ. Sau khi thống nhất, các hành động chính sách được tập hợp thành khung Chính sách hàng năm và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.   Toàn cảnh Hội thảo        Để có cái nhìn tổng thể về kết quả xây dựng các hành động chính sách trong khuôn khổ Chương trình SPR-CC và rút ra bài học kinh nghiệm nhằm cải tiến, hoàn thiện Chương trình trong thời gian tới, JICA đã cử đoàn nghiên cứu đến tìm hiểu thực tế việc xây dựng hành động chính sách tại các Bộ, ngành và trao đổi với các nhà tài trợ cho ứng phó với BĐKH ở Việt Nam vào tháng 2/2014. Qua gần 2 tháng nghiên cứu, trao đổi với các Bộ, ngành, JICA đã hoàn thành 7 nghiên cứu đánh giá liên qua đến các chính sách trong công tác ứng phó với BĐKH như: các hành động, chính sách trong lĩnh vực y tế, giáo dục, năng lượng, nguồn năng lượng tái tạo, quản lý chất thải, cơ sở hạ tầng...     Tại Hội thảo lần này, các chuyên gia đã trình bày 7 báo cáo, nghiên cứu với mong muốn nhận được sự góp ý của các đại biểu đến từ 2 phía, nhằm thực hiện tốt hơn Chương trình SPR-CC; Đồng thời ý kiến của các đại biểu sẽ là cơ sở giúp nhóm nghiên cứu JICA hoàn thiện báo cáo kết quả vào đầu tháng 5/2014.      Các đại biểu tham dự Hội thảo đã cùng nhau thảo luận nhất trí với kết quả đánh giá của nhóm nghiên cứu. Một số ý kiến cho rằng, các số liệu trong các báo cáo chưa được làm rõ và chưa có đánh giá được mức độ rủi ro thiên tai trong nông nghiệp...      Theo Thứ Trần Hồng Hà, sau khi có báo cáo kết quả nghiên cứu hoàn chỉnh, Bộ TN&MT, Ủy ban Quốc gia về BĐKH sẽ tiếp tục nghiên cứu và sửa đổi, bổ sung, nhằm biến SPR-CC trở thành kênh thông tin quan trọng giúp các nhà tài trợ và các cơ quan Chính phủ Việt Nam trao đổi thông tin trong xây dựng và thực hiện các hành động chính sách phù hợp để ứng phó có hiệu quả với BĐKH.   Bùi Hằng
Ý kiến của bạn