Chính sách, pháp luật về kiểm soát ô nhiễm nước tại Việt Nam
15/09/2015
Tại Hội nghi Đại hội đồng liên minh nghị viện thế giới (IPU132) vừa qua do Quốc hội Việt Nam làm Chủ tịch đã thông qua Nghị quyết “Định hình cơ chế mới về quản trị nước: Thúc đẩy hành động của Nghị viện về vấn đề nước và vệ sinh”, kêu gọi nghị viện các nước biến lời nói thành hành động, trong đó cần đẩy mạnh ban hành các bộ luật nhằm thực hiện các công ước và điều luật quốc tế liên quan đến quản trị nước và quyền được tiêp cận nước sạch của con người. Để hưởng ứng Nghị quyết, đồng thời mở ra diễn đàn thảo luận sâu hơn về quản trị nước, đẩy lùi ô nhiễm nước tại Việt Nam, ngày 8/5/2015, tại Hà Nội, Ủy ban KHCN&MT của Quốc hội phối hợp với Bộ TN&MT và Liên minh Nước sạch tổ chức Hội thảo Chính sách, pháp luật về kiểm soát ô nhiễm nước với sự tham gia của các đại biểu Quốc hội, chuyên gia, nhà khoa học, quản lý của các Bộ, ngành, tổ chức, trường đại học…
Mục đích của Hội thảo nhằm trao đổi về những bất cập trong chính sách và hệ thống văn bản hiện hành liên quan đến vấn đề kiểm soát và ngăn ngừa ô nhiễm nước. Qua đó, đề xuất giải pháp hành động hướng tới dừng và đảo ngược xu thế ô nhiễm nước đang ngày càng trầm trọng ở Việt Nam hiện nay, trong đó, cần xem xét, đề xuất, kiến nghị Quốc hội khóa XIV thực hiện giám sát tối cao về môi trường nước và đưa vào chương trình xây dựng pháp luật của Quốc hội một Luật riêng về Kiểm soát ô nhiễm nước với tính thực thi cao như nhiều nước trên thế giới đã ban hành, góp phần xây dựng nền tảng vững chắc cho phát triển bền vững của Việt Nam trong thế kỷ 21.
Là một trong những nước có nền kinh tế phát triển nhanh nhất châu Á, chuyển đổi từ nền kinh tế phát triển theo kế hoạch tập trung sang nền kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế, trong suốt 25 năm qua, Việt Nam đã có sự tăng trưởng vượt bậc, nâng cao mức sống cho hàng triệu người dân. Năm 2014, GDP của Việt Nam tăng 5,9% và trở thành nước tăng trưởng nhanh thứ 2 sau Trung Quốc (Công bố của Tổng cục thống kê, 12/2014). Tuy vậy, nền kinh tế Việt Nam còn phụ thuộc vào nguồn tài nguyên thiên nhiên, đặc biệt là nông nghiệp, đánh bắt, nuôi trồng thủy sản, trồng rừng… Việc khai thác, đánh bắt cá quá mức dẫn đến tình trạng suy thoái đất, rừng và nguồn lợi hải sản ven bờ; Suy thoái về môi trường, đặc biệt là môi trường nước.
Toàn cảnh Hội thảo
Phát biểu tại Hội thảo, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban KHCN&MT Võ Tuấn Nhân cho biết, hiện Việt Nam có khoảng 2.360 con sông dài trên 10 km và hàng nghìn ao, hồ. Ngoài ra, còn có hai vùng đồng bằng lớn là đồng bằng sông Hồng và đồng bằng sông Cửu Long, là nơi cư trú của các thảm động, thực vật độc đáo, các loài cá và động vật hoang dã bản địa, đồng thời là nền tảng cư trú cho hàng triệu người dân. Song, tài nguyên nước của Việt Nam đang ngày càng bị suy thoái, thậm chí một số nguồn nước bị phá hủy do ô nhiễm nghiêm trọng bởi các hoạt động mang mục tiêu kinh tế và sự khai thác cho mục đích sinh hoạt của con người, làm tăng các chi phí sản xuất, ảnh hưởng tới hiệu quả, tính cạnh tranh sản phẩm của các ngành, đặc biệt là các sản phẩm thủy sản, nông nghiệp và ô nhiễm môi trường nước đang có xu hướng phát triển ngoài tầm kiểm soát. Không những thế, ô nhiễm nguồn nước còn ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người dân, theo báo cáo thống kê của Bộ Y tế và Bộ TN&MT, trung bình mỗi năm Việt Nam có tới 200.000 trường hợp được phát hiện bị bệnh ung thư; 9.000 người tử vong do sử dụng nguồn nước bị ô nhiễm.
Tại Hội thảo, các chuyên gia đã trình bày tham luận về: Nguồn nước sạch, Luật kiểm soát ô nhiễm nước tại Việt Nam; Hướng tới đánh bắt và nuôi trồng thủy sản bền vững: Thách thức về nguồn nước sạch và các bất cập pháp lý trong ngành; Một số quy định về kiểm tra chất lượng nước ăn uống, sinh hoạt, nước thải ngành y tế; Hiện trạng, nhu cầu phát triển lĩnh vực cấp nước, thoát nước, xử lý nước thải, chất thải rắn tại Việt Nam; Hệ thống pháp luật về bảo vệ tài nguyên nước và những vấn đề đặt ra nhằm tăng cường kiểm soát ô nhiễm nguồn nước; Hệ thống chính sách, pháp luật về kiểm soát ô nhiễm nguồn nước của Việt Nam: Khó khăn và thách thức trong thực thi…
Kết thúc Hội thảo, các đại biểu tham dự đều nhất trí việc cần thiết phải đề ra Luật kiểm soát ô nhiễm nước. Tuy nhiên, cần cân nhắc về tính khả thi của Luật trong thực tế, trên cơ sở đó, tính toán, nghiên cứu kinh nghiệm của quốc tế để có lộ trình xây dựng cụ thể và có thể thực hiện với 2 phương án: Xây dựng Luật riêng về kiểm soát ô nhiễm nước để kiểm soát toàn diện và thống nhất; Điều chỉnh các quy định của pháp luật hiện có, tránh chồng chéo và dễ thực hiện.
Bùi Hằng