Banner trang chủ

Cần thiết xây dựng Luật Kiểm soát ô nhiễm nước tại Việt Nam

05/03/2018

     Ngày 2/3/2018, tại Hà Nội, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam đã tổ chức Lễ công bố Báo cáo nghiên cứu về ô nhiễm nước và sự cần thiết phải xây dựng Luật Kiểm soát ô nhiễm nước tại Việt Nam.

     Trong hơn 4 năm (12/2013 - 9/2017) qua, Chương trình Liên minh Vận động chính sách Kiểm soát  và Ngăn ngừa ô nhiễm nước (Liên minh Nước sạch) và Trung tâm Nghiên cứu Môi trường và Cộng đồng trực thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam đã thực hiện nhiều hoạt động như phân tích, nghiên cứu chính sách pháp luật BVMT nước; nghiên cứu xây dựng mô hình tiếp cận hệ sinh thái và thúc đẩy các biện pháp ngăn ngừa, kiểm soát ô nhiễm nước. Thành quả của 4 năm nghiên cứu được thể hiện trong Báo cáo nghiên cứu về ô nhiễm nước và sự cần thiết phải xây dựng Luật Kiểm soát ô nhiễm nước tại Việt Nam. Báo cáo nghiên cứu gồm 4 phần chính: Ô nhiễm nước: Hiện trạng, các ảnh hưởng tới sức khỏe và kinh tế; Những bất cập trong hệ thống pháp luật về kiểm soát ô nhiễm nước; Kinh nghiệm quốc tế trong kiểm soát ô nhiễm nước; Khuyến nghị về ban hành Luật Kiểm soát ô nhiễm nước tại Việt Nam.

     Báo cáo nhận định, trong giai đoạn phát triển kinh tế những năm vừa qua của đất nước ta, chất lượng nước mặt tại Việt Nam đang trên đà suy thoái nghiêm trọng; tình trạng ô nhiễm nước ở các địa phương đang ngày càng lan rộng, mức độ ô nhiễm nước mặt ngày càng nặng nề... Trong khi đó, công tác phòng ngừa, ngăn chặn ô nhiễm và kiểm soát môi trường nước còn nhiều hạn chế; việc xử lý các hành vi gây ô nhiễm nước, vi phạm pháp luật về BVMT nước chưa nghiêm. Sự cố gây ô nhiễm nặng sông Thị Vải của Công ty Vedan đầu những năm 2010 và sự cố Formosa gây thảm họa ô nhiễm môi trường nước ven biển miền Trung năm 2016 là những vụ việc điển hình về tình trạng gây ô nhiễm nước.

 

Toàn cảnh Lễ Công bố Báo cáo

 

     Từ các kết quả nghiên cứu, tập hợp rà soát, so sánh đối chiếu các văn bản pháp pháp luật bảo vệ môi trường hiện hành và một số văn bản pháp luật liên quan, Báo cáo cũng chỉ rõ những bất cập trong hệ thống văn bản pháp luật bảo vệ môi trường nói chung và môi trường nước nói riêng, cụ thể Luật Bảo vệ môi trường 2014, Luật Tài nguyên nước 2012 cũng như các quy định ở những văn bản dưới Luật còn chưa dựa trên cách tiếp cận quản lý lưu vực, tiếp cận hệ sinh thái, mà quản lý theo kết quả, không lấy sự sống của các loài cá và các loại thủy sinh khác là thước đo và mục tiêu cuối cùng để xây dựng hệ thống quản lý; Chưa dựa trên phương thức bảo vệ môi trường nước theo phân loại các vùng nước và quản lý theo mức độ tiếp nhận nguồn nước thải, chưa có sự phân loại ô nhiễm nước theo ô nhiễm điểm, ô nhiễm diện; Các nguồn xả thải gây ô nhiễm được quản lý phi tập trung như nước thải đô thị do Bộ Xây dựng, nước thải công nghiệp do Bộ TN&MT và Bộ NN&PTNT dẫn đến các lỗ hổng trong kiểm soát ô nhiễm nước…

     Qua sự phân tích những bất cập của hệ thống pháp luật hiện hành, kết hợp với kinh nghiệm xây dựng các đạo luật về kiểm soát ô nhiễm nước của một số quốc gia, Báo cáo đã kiến nghị với Bộ TN&MT đề xuất đưa công tác xây dựng Luật Kiểm soát ô nhiễm nước vào chương trình xây dựng luật của Quốc hội khóa XIV; nghiên cứu và xây dựng Luật ngay từ năm 2018 và nghiên cứu xây dựng các chính sách cũng như cải thiện các công cụ về kiểm soát ô nhiễm nước nhằm từng bước đẩy lùi ô nhiễm nước và khôi phục nguồn nước sạch Việt Nam.

     Tại Lễ công bố, các đại biểu đại diện các bộ, ngành, cơ quan liên quan đã nhất trí và đánh giá cao Báo cáo nghiên cứu. Nhiều ý kiến của các đại biểu cho rằng, các văn bản luật pháp về ngăn ngừa và kiểm soát ô nhiễm nước của Việt Nam còn nhiều bất cập, công tác phòng ngừa chưa được quan tâm đúng mức; công tác xử lý chưa triệt để; thông tin giám sát ô nhiễm và chất lượng nước chưa công khai; vai trò cộng đồng trong “giám sát” còn mờ nhạt. Bên cạnh đó, công tác thực thi các hoạt động kiểm soát ô nhiễm nước trong hệ thống luật hiện nay cũng đối mặt với các thách thức như nền tảng công nghệ xử lý nước thải còn yếu và thiếu, các nguồn nước thải bị quản lý bởi nhiều bên khác nhau. Vì vậy, cần phải có một luật riêng quy định về ngăn ngừa và kiểm soát ô nhiễm nguồn nước trong thời gian tới. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, giải pháp trước mắt được các đại biểu đồng tình là ưu tiên xử lý và khôi phục triệt để các sông suối nhỏ đang bị ô nhiễm trước khi Luật Kiểm soát ô nhiễm nước được ban hành.

 

Nguyễn Hằng

 

Ý kiến của bạn