08/06/2018
Ngày 1/6/2018, Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên Bùi Thế Cử; Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường Nguyễn Văn Tài và đại diện lãnh đạo các đơn vị chuyên môn của Tổng cục Môi trường đã thị sát làng nghề tái chế nhựa tại thôn Minh Khai, thị trấn Như Quỳnh, huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên.
Bộ trưởng Trần Hồng Hà thị sát làng nghề tái chế nhựa Minh Khai
Theo lãnh đạo UBND tỉnh Hưng Yên, hoạt động sản xuất, tái chế nhựa hiện nay tại làng nghề Minh Khai diễn ra liên tục, với khối lượng khoảng 600 - 650 tấn/ngày. Sản phẩm chính được sản xuất gồm: ống nhựa, túi nilông, hạt nhựa, màng mỏng, lưới, cốc, hộp... Chất thải rắn phát sinh trong quá trình thu mua, tái chế phế liệu lên tới 60 - 65 tấn/ngày, không được thu gom, xử lý theo quy định mà được tập kết tại các khu đất trống, dọc hai bên đường. Nước thải phát sinh gồm nước thải sinh hoạt, nước thải sản xuất trong quá trình rửa nguyên liệu, xay và tạo hạt nhựa không được thu gom, xử lý mà thải trực tiếp ra môi trường với lưu lượng khoảng 7.000 m3/ngày, đêm. Lượng rác thải phát sinh tồn đọng ở làng nghề khoảng 30 nghìn tấn… gây ô nhiễm môi trường và ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe, đời sống người dân.
Kiểm tra một số cơ sở tập kết phế liệu tại làng nghề, Bộ trưởng Trần Hồng Hà nhận định, tình trạng ô nhiễm môi trường tại làng nghề Minh Khai đang ở mức báo động, xuất hiện ở tất cả các thành phần môi trường, từ không khí đến nước thải. Không ai biết rõ những phế liệu được thu gom về làng nghề tái chế có xuất xứ ra sao, trước đây được sử dụng vào việc gì, có liên quan đến hoá chất không, vì thế, nguy cơ tiềm ẩn về hiểm hoạ môi trường là rất lớn. Vì vậy, cần phải khẩn trương xử lý, có sự kiểm soát và phương án đưa các loại hình sản xuất này ra các cụm công nghiệp tập trung.
Bộ trưởng Trần Hồng Hà và Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên Bùi Thế Cử thị sát quanh khu vực làng nghề
Bộ trưởng cho biết, ngày 7/5/2018, Chính phủ đã ban hành Quyết định số 491/QĐ-TTg phê duyệt điều chỉnh Chiến lược quốc gia về quản lý tổng hợp chất thải rắn đến năm 2025, tầm nhìn đến 2050. Quyết định nêu rõ những quan điểm, nhiệm vụ, mục tiêu, giải pháp cụ thể, đặc biệt đối với những làng nghề sản xuất thủ công gây ô nhiễm môi trường nặng, chính quyền cần phải tăng cường công tác tuyên truyền để cho người dân ở những khu vực làng nghề và các doanh nghiệp hiểu biết về những mối nguy hại trong quá trình đưa các cơ sở sản xuất công nghiệp thủ công hoạt động ngay trong khu dân cư, tiềm ẩn những nguy cơ báo động về môi trường, sức khỏe của người dân khu vực xung quanh.
Trên cơ sở đó, Bộ trưởng đề nghị UBND tỉnh Hưng Yên và các bên liên quan chủ động tìm giải pháp xử lý tình trạng ô nhiễm, trực tiếp yêu cầu Sở TNMT tỉnh thực hiện quan trắc môi trường để xác định mức độ ô nhiễm tại làng nghề. Đồng thời, có kế hoạch thanh tra, làm rõ việc chấp hành quy hoạch trong cụm công nghiệp sau khi đã di dời các cơ sở tái chế.
Huy Hoàng (Theo Monre)
Một số hình ảnh tại buổi thị sát: