5 năm thực hiện Dự án quản lý PCB tại Việt Nam
15/09/2015
Ngày 25/6/2015, tại Hà Nội, Tổng cục Môi trường phối hợp với Dự án Quản lý PCB tại Việt Nam và Ngân hàng Thế giới tổ chức Hội thảo Tổng kết Dự án quản lý PCB tại Việt Nam nhằm đánh giá các kết quả đã đạt được sau 5 năm thực hiện Dự án, đồng thời chia sẻ kinh nghiệm và đề xuất Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý PCB trong thời gian tới.
Thứ trưởng Bộ TN&MT Bùi Cách Tuyến phát biểu khai mạc Hội thảo
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Thứ trưởng Bộ TN&MT, Trưởng Ban Chỉ đạo Dự án, Giám đốc Ban Quản lý Dự án Bùi Cách Tuyến nhấn mạnh, Dự án được hình thành trong khuôn khổ các hoạt động thực hiện Công ước Stốckhôm tại Việt Nam do Quỹ Môi trường toàn cầu (GEF) tài trợ thông qua Ngân hàng Thế giới. Dự án được triển khai thực hiện từ tháng 3/2010, với sự tham gia của Bộ TN&MT, Bộ Công Thương, Tập đoàn Điện lực Việt Nam và các cơ quan liên quan. Với sự nỗ lực của các bên liên quan, đến nay, Dự án đã đạt được một số kết quả đáng ghi nhận. Cụ thể: Hỗ trợ, phối hợp với Tổng cục Môi trường/Bộ TN&MT và các Bộ, ngành liên quan xây dựng và ban hành 30 văn bản pháp lý cùng hàng loạt các hướng dẫn kỹ thuật nhằm quản lý an toàn PCB ở cấp quốc gia; Tiến hành kiểm kê PCB tại các doanh nghiệp trong và ngoài Tập đoàn điện lực Việt Nam ở 63 tỉnh, thành, nhằm tạo cơ sở dữ liệu để xây dựng kế hoạch quản lý PCB và nâng cấp cơ sở hạ tầng để lưu giữ an toàn PCB; Tổ chức hơn 45 hội thảo, đào tạo, tập huấn cho các cán bộ quản lý nhà nước, hải quan, lãnh đạo doanh nghiệp, người lao động, nhà báo… về quản lý PCB; Phát hành hơn 60 ấn phẩm về PCB gồm 34 bài báo; 9 bản tin, 6 phóng sự truyền hình, 5 bản tin truyền thanh.
Tại Hội thảo, các đại biểu đã đánh giá cao những nỗ lực của Dự án, đồng thời chia sẻ những khó khăn trong quá trình triển khai Dự án suốt 5 năm qua và đưa ra các ý kiến góp ý cho Dự thảo Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý PCB. Hầu hết các đại biểu đều cho rằng, những kết quả, sản phẩm của Dự án là nền tảng trong việc quản lý an toàn và cung cấp dữ liệu đầu vào cho chương trình quốc gia về tiêu hủy PCB tại Việt Nam cũng như Kế hoạch hành động quốc gia đối với các hợp chất POP nói chung trong tương lai.
Toàn cảnh Hội thảo
Tuy nhiên, để công tác quản lý an toàn PCB đạt hiệu quả hơn nữa, góp phần giảm thiểu và ngăn ngừa ô nhiễm từ các chất POP/PCB, thời gian tới, Dự án cần tập trung vào những hoạt động sau: Hoàn thiện khung pháp lý và xây dựng kế hoạch hành động quốc gia về PCB giúp các cơ quan quản lý nhà nước thực hiện tốt chức năng quản lý, hỗ trợ các doanh nghiệp quản lý, xử lý PCB hiệu quả và an toàn. Bên cạnh đó, tiếp tục kiểm kê bổ sung, xây dựng lộ trình và triển khai công tác thay thế, chấm dứt sử dụng PCB trong các thiết bị, vật liệu; Đồng thời, xử lý thiết bị chứa PCB đã ngừng sử dụng cũng như vật liệu, chất thải chứa PCB với nồng độ từ 50 mg/kg trở lên tại các đơn vị trong và ngoài ngành điện; Tăng cường năng lực cho các bên liên quan trong công tác quản lý PCB và đẩy mạnh hoạt động truyền thông về PCB nhằm thực hiện đúng lộ trình và cam kết của Việt Nam trong Công ước Stốckhôm.
Hương Trần