Banner trang chủ

10 sự kiện/hoạt động nổi bật năm 2013

15/09/2015

     Năm 2013 đánh dấu nhiều chuyển biến tích cực trong công tác BVMT. Tạp chí Môi trường bình chọn 10 sự kiện/hoạt động môi trường tiêu biểu của năm 2013.      1. Ban Chấp hành Trung ương ban hành Nghị quyết  số 24-NQ/TW về chủ động ứng phó với BĐKH, tăng cường quản lý tài nguyên và BVMT          Đây là Nghị quyết đầu tiên đề cập toàn diện đến chủ trương, giải pháp chủ động ứng phó với biến đổi khi hậu (BĐKH), đẩy mạnh công tác quản lý tài nguyên và BVMT. Nghị quyết đề ra mục tiêu đến năm 2020, về cơ bản, chủ động thích ứng với BĐKH, phòng tránh thiên tai, giảm phát thải khí nhà kính; có bước chuyển biến cơ bản trong khai thác, sử dụng tài nguyên theo hướng hợp lý, hiệu quả và bền vững, kiềm chế mức độ gia tăng ô nhiễm môi trường, suy giảm đa dạng sinh học (ĐDSH) nhằm bảo đảm chất lượng môi trường sống, duy trì cân bằng sinh thái, hướng tới nền kinh tế xanh, thân thiện với môi trường. Đến năm 2050, chủ động ứng phó với BĐKH; khai thác, sử dụng hợp lý, tiết kiệm, có hiệu quả và bền vững tài nguyên; bảo đảm chất lượng môi trường sống và cân bằng sinh thái, phấn đấu đạt các chỉ tiêu về môi trường tương đương với mức hiện nay của các nước công nghiệp phát triển trong khu vực.       2. Quốc hội xem xét Dự án Luật BVMT (sửa đổi)   Kỳ họp thứ sáu, Quốc hội khóa XIII        Năm 2013, Bộ TN&MT đã hoàn thành việc xây dựng Dự án Luật BVMT (sửa đổi) và trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 6, khóa XIII.      Dự thảo Luật BVMT (sửa đổi) gồm 19 Chương và 160 Điều, tăng thêm 4 Chương và 24 Điều so với Luật BVMT năm 2005; có sự thay đổi theo thứ tự ưu tiên và bổ sung các chương mới. Dự án Luật kế thừa thành tựu đạt được của Luật BVMT năm 1993 và Luật BVMT năm 2005, khắc phục những hạn chế của Luật BVMT năm 2005.      Hiện nay, Bộ TN&MT tiếp tục phối hợp với các Bộ, ngành và địa phương tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội, hoàn chỉnh Dự án Luật, trình Quốc hội xem xét thông qua tại kỳ họp thứ 7, Khóa XIII.      3. Chính phủ ban hành Nghị quyết số 35/NQ-CP về một số vấn đề cấp bách trong lĩnh vực BVMT      Theo Nghị quyết số 35/NQ-CP, 6 vấn đề môi trường cấp bách hiện nay là: Sự phát triển các khu, cụm công nghiệp không đồng bộ với các điều kiện hạ tầng kỹ thuật về môi trường, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng; Hoạt động khai thác khoáng sản thiếu sự quản lý chặt chẽ làm gia tăng các điểm nóng về ô nhiễm môi trường; Chất thải rắn, chất thải y tế không được thu gom và xử lý triệt để; Chất thải từ sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt của người dân khu vực nông thôn không được thu gom, xử lý đúng quy cách; Tình trạng công nghệ lạc hậu, chất thải dưới hình thức phế liệu nhập vào Việt Nam diễn biến phức tạp; ĐDSH bị suy thoái và đe dọa nghiêm trọng...      Nghị quyết xác định 7 nhóm nhiệm vụ, giải pháp cần tập trung triển khai thực hiện: Tăng cường công tác BVMT tại các khu, cụm công nghiệp; Nâng cao chất lượng thẩm định yêu cầu BVMT trong các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, dự án phát triển; Đẩy mạnh BVMT trong hoạt động khai thác khoáng sản; Khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường tại các thành phố lớn, lưu vực sông; Cải thiện môi trường nông thôn, làng nghề; Kiểm soát chặt chẽ hoạt động nhập khẩu phế liệu; Ngăn chặn sự suy thoái của các hệ sinh thái, suy giảm các loài; Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về BVMT.      4. Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược quốc gia về ĐDSH và Chiến lược khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên và BVMT biển   Hội thảo giới thiệu Chiến lược quốc gia về ĐDSH        Ngày 31/7/2013, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1250/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược quốc gia về ĐDSH đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Đây là Chiến lược quốc gia đầu tiên của Việt Nam về bảo tồn ĐDSH, nhằm thực hiện cam kết của Việt Nam đối với cộng đồng quốc tế, đồng thời xác định các mục tiêu, nhiệm vụ ưu tiên giải quyết cho công tác bảo tồn, sử dụng bền vững ĐDSH phù hợp với thời kỳ mới.      Ngày 6/9/2013, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1570/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên và BVMT biển đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 với quan điểm: TN&MT biển có ý nghĩa và vai trò đặc biệt quan trọng, gắn liền với chủ quyền, quyền chủ quyền quốc gia, đặc quyền kinh tế và an ninh quốc phòng trên biển, là nguồn lực đưa nước ta trở thành quốc gia mạnh về biển, giàu từ biển…      5. Bổ sung, hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật trong lĩnh vực BVMT      Năm 2013, một số văn bản chính sách pháp luật quan trọng đã được ban hành: Nghị định số 179/2013/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực BVMT; Nghị định số 25/2013/NĐ-CP về phí BVMT đối với nước thải; Nghị định số 27/2013/NĐ-CP quy định điều kiện tham gia hoạt động quan trắc môi trường; Nghị định số 160/2013/NĐ-CP quy định tiêu chí xác định loài, chế độ quản lý và bảo vệ loài thuộc các loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ; Quyết định số 1788/2013/QĐ-TTg về kế hoạch xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng giai đoạn 2012 - 2020…   Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án tổng thể BVMT làng nghề        Nhằm tăng cường công tác BVMT trong quản lý và phát triển làng nghề trên phạm vi cả nước, ngày 11/4/2013, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 577/QĐ-TTg về việc phê duyệt Đề án tổng thể BVMT làng nghề đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030. Mục tiêu đến năm 2015, xử lý triệt để ô nhiễm tại 47 làng nghề ô nhiễm môi trường đặc biệt nghiêm trọng theo Chương trình mục tiêu quốc gia khắc phục ô nhiễm và cải thiện môi trường giai đoạn 2012 - 2015…      6. Đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm về BVMT      Ngành môi trường đã hoàn thành thanh tra, kiểm tra đối với 636 cơ sở thuộc khu công nghiệp, cụm công nghiệp và cơ sở hoạt động trong lĩnh vực dầu khí, cảng biển, sản xuất giấy, hóa chất, quản lý chất thải nguy hại trên các LVS thuộc địa bàn 19 tỉnh/TP; đã xử lý đối với 368 cơ sở vi phạm. Tổ chức 7 đoàn thanh tra, kiểm tra về BVMT theo Quyết định số 64/2003/QĐ-TTg đối với 47 cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng trên phạm vi 19 tỉnh/TP. Điển hình là việc xử lý vụ chôn hóa chất bảo vệ thực vật của Công ty Cổ phần Nicotex Thanh Thái (Thanh Hóa), phạt hơn 420 triệu và đình chỉ hoạt động sản xuất, kinh doanh để khắc phục hậu quả do hành vi vi phạm pháp luật về BVMT; tạm đình chỉ 6 tháng hoạt động đối với Công ty cổ phần thuộc da Hào Dương (TP. Hồ Chí Minh) để thực hiện các biện pháp khắc phục ô nhiễm môi trường…   Đoàn kiểm tra của Bộ TN&MT và C49 kiểm tra hệ thống xả thải tại KCN Liên Chiểu, Đà Nẵng        7. Nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về BVMT lưu vực sông      Việc triển khai các Đề án BVMT lưu vực sông (LVS) năm 2013 đã có những chuyển biến tích cực, chất lượng môi trường nước tại các sông, kênh, rạch tại một số đô thị lớn như TP. Hồ Chí Minh, TP. Biên Hòa (tỉnh Đồng Nai), TP. Thủ Dầu Một (tỉnh Bình Dương) đã được cải thiện. Hệ thống cơ chế, chính sách về BVMT LVS đã được bổ sung và hoàn thiện từ Trung ương đến địa phương; các văn bản pháp quy về công tác BVMT LVS cũng được các tỉnh, TP quan tâm xây dựng. Trong đó, Bộ TN&MT đã phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành, địa phương liên quan hoàn thiện, trình Thủ tướng Chính phủ Dự thảo Quy hoạch BVMT LVS Nhuệ - sông Đáy, sông Đồng Nai đến năm 2020; xây dựng Nghị định quy định về các loại hình sản xuất, kinh doanh có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cần hạn chế đầu tư trên các LVS Cầu, Nhuệ - Đáy, Đồng Nai. Đến nay, 22/22 tỉnh/TP trên 3 LVS đã phê duyệt và đang triển khai Kế hoạch thực hiện các Đề án BVMT LVS.   Phiên họp lần thứ 9 của Ủy ban BVMT LVS Cầu        8. Tăng cường hợp tác quốc tế về BVMT      Hoạt động hợp tác quốc tế đã góp phần đáng kể vào thành công chung của ngành môi trường, nổi bật là tổ chức thành công Hội thảo mua sắm công bền vững và Hội thảo kế hoạch hành động quốc gia về đổi mới sản phẩm bền vững tại Hà Nội trong khuôn khổ hợp tác với Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP); Diễn đàn khu vực châu Á lần thứ 4 về giảm thiểu, tái sử dụng và tái chế chất thải (3R); Hội thảo cấp cao Đông Á về thành phố bền vững môi trường lần thứ 4.      Bên cạnh đó, Việt Nam tích cực tham gia các hoạt động hợp tác quốc tế về môi trường trong khu vực như: Đối thoại đối tác tăng trưởng cácbon thấp Đông Á lần thứ 2 diễn ra tại Tokyo, Nhật Bản; Hội nghị Bộ trưởng Môi trường Việt Nam - Hàn Quốc lần thứ 10; Hội nghị quan chức cao cấp ASEAN về môi trường lần thứ 24; Hội nghị 40 năm hợp tác ASEAN-Nhật Bản và ký Biên bản hợp tác với Bộ Môi trường Nhật Bản tại Tokyo; Hội nghị lần thứ 19 các Bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về BĐKH.      9. Cảnh quan Việt Nam  được thế giới công nhận          Năm 2013 đánh dấu bước tiến quan trọng trong công tác bảo vệ ĐDSH. Vườn quốc gia (VQG) Côn Đảo (Bà Rịa - Vũng Tàu) chính thức được công nhận là khu đất ngập nước có tầm quan trọng quốc tế (Ramsar) thứ 6 của Việt Nam; tiếp tục hoàn thiện hồ sơ Ramsar cho VQG U Minh Thượng (Kiên Giang) và Khu bảo tồn đất ngập nước Láng Sen (Long An). Các khu vực này có hệ động, thực vật đa dạng và phong phú với những nét đặc trưng riêng: VQG Côn Đảo là một vùng đảo xa bờ, rạn san hô ở đây còn giữ được những đặc tính đặc trưng cho vùng biển, với độ phủ trung bình là 42,6%; VQG U Minh Thượng với đặc trưng cây tràm bản địa, là nơi lưu trữ nhiều loài quý hiếm như năng chồi, rái cá long mũi; Khu bảo tồn đất ngập nước Láng Sen là vùng sinh thái tiêu biểu cho kiểu đầm lầy ngập nước, có nhiều loài quý hiếm như trăn đất, rắn ráo, chim bạc má, ác là…      Đặc biệt, sự xuất hiện của loài sao la, một trong những loài thú quý hiếm và hiện đang bị đe dọa tuyệt chủng cao nhất hành tinh sau 15 năm vắng bóng là bằng chứng về những nỗ lực của Việt Nam trong công tác bảo tồn ĐDSH. Hình ảnh về loài thú bí ẩn này đã được ghi nhận thông qua hoạt động bẫy ảnh của Quỹ Quốc tế bảo vệ thiên nhiên (WWF) và Chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Nam thực hiện tại khu vực Trung Trường Sơn.      10. Đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, nâng cao nhận thức về BVMT          Nhằm đẩy mạnh hoạt động truyền thông, nâng cao nhận thức về BVMT, năm 2013, Bộ TN&MT tiếp tục mở rộng hợp tác với các tổ chức chính trị - xã hội, đã ký Nghị quyết liên tịch phối hợp về BVMT với: Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam; Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam; Hội Nông dân Việt Nam... Mặt khác, tổ chức thành công các ngày kỷ niệm về môi trường như Ngày Môi trường thế giới (5/6); Chiến dịch Làm cho thế giới sạch hơn; Ngày Trái đất (22/4), Ngày quốc tế ĐDSH (22/5); Tổ chức xét tặng và trao Giải thưởng Môi trường Việt Nam cho 31 tập thể, 18 cá nhân và 1 cộng đồng đã có thành tích xuất sắc trong sự nghiệp BVMT; Tổ chức Liên hoan phim môi trường toàn quốc lần thứ 5, qua đó đã tặng Bằng khen và giải thưởng cho 19 tác phẩm tiêu biểu; Phối hợp với các cơ quan thông tin đại chúng xây dựng và duy trì các chuyên trang, chuyên mục đăng phát thường xuyên, liên tục các thông tin, hoạt động, sự kiện về môi trường, qua đó góp phần nâng cao nhận thức và ý thức, trách nhiệm của cộng đồng về BVMT.     Vũ Nhung    
Ý kiến của bạn