Banner trang chủ

10 sự kiện-hoạt động môi trường nổi bật năm 2016

26/01/2017

   Năm 2016 đánh dấu nhiều vấn đề môi trường nổi lên của đất nước, đặt ra cho công tác quản lý nhà nước về BVMT thêm những trọng trách. Điểm lại 10 sự kiện/hoạt động môi trường cũng là dịp để nhìn nhận, đánh giá những kết quả đã đạt được cũng như những tồn tại, hạn chế trong công tác BVMT, từ đó xác định đúng đắn phương hướng, nhiệm vụ trong năm 2017. Dưới đây là 10 sự kiện/hoạt động môi trường nổi bật năm 2016 do Tạp chí Môi trường bình chọn.

   1. Vấn đề môi trường được Quốc hội và Chính phủ đặc biệt quan tâm

   Trong những tháng đầu năm 2016, tình trạng vi phạm pháp luật BVMT đang ngày càng diễn biến phức tạp, đặc biệt là sự cố môi trường ở các tỉnh miền Trung đã ảnh hưởng lớn đến sản xuất và đời sống của nhân dân. Tại phiên chất vấn kỳ họp thứ hai Quốc hội khóa XIV, môi trường là vấn đề được các đại biểu Quốc hội và cử tri cả nước đặc biệt quan tâm với các nội dung về chương trình, giải pháp khắc phục ô nhiễm môi trường làng nghề, khu đô thị, lưu vực sông; việc xử lý môi trường sau sự cố Formosa; giải pháp để người dân tham gia giám sát các vấn đề môi trường; kịch bản, giải pháp thích ứng với BĐKH, nước biển dâng, xâm nhập mặn…

   Nhận thức sâu sắc về tầm quan trọng của công tác BVMT, lần đầu tiên Hội nghị trực tuyến toàn quốc về BVMT được tổ chức vào tháng 8/2016. Tại Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã khẳng định: “Không thu hút đầu tư bằng mọi giá, chú trọng tiêu chí môi trường trong lựa chọn dự án đầu tư. Kiên quyết không vì lợi ích kinh tế trước mắt mà đánh đổi môi trường. Không cho phép đầu tư các dự án, các loại hình sản xuất ô nhiễm môi trường, công nghệ sản xuất lạc hậu, nhất là dự án tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, sự cố môi trường ở các vùng nhạy cảm”. Đây được xem là Hội nghị có quy mô lớn nhất, có ý nghĩa thời sự trong lĩnh vực môi trường. Hội nghị do Thủ tướng Chính phủ chủ trì, cùng 3 Phó Thủ tướng và đại diện các cơ quan Trung ương, địa phương trên cả nước... thể hiện sự quan tâm của toàn xã hội và quyết tâm cao của Chính phủ nhằm cải thiện môi trường nước ta.

   Nhằm cung cấp cho các đại biểu Quốc hội những góc nhìn đa chiều về công tác BVMT, Bộ TN&MT đã phối hợp với Báo Đại biểu nhân dân tổ chức lần đầu tiên Diễn đàn “BVMT - những vấn đề cấp bách”. Tại Diễn đàn, Bộ trưởng Trần Hồng Hà đã nhấn mạnh “Vấn đề môi trường đang chịu nhiều tác động lớn và đã đến lúc, ngưỡng của hệ sinh thái, ngưỡng của môi trường không thể chịu tác động thêm”. Bộ trưởng cũng đưa ra một số nhiệm vụ trọng tâm của ngành và kiến nghị với Quốc hội tiếp tục quan tâm đến công tác BVMT; tăng cường hoạt động giám sát chuyên đề về BVMT, đồng thời chỉ đạo rà soát, sửa đổi các luật về môi trường…

Toàn cảnh Hội nghị trực tuyến của Chính phủ về công tác BVMT ngày 24/8/2016

 

   2. Ban hành Chỉ thị số 25/CT-TTg về một số nhiệm vụ, giải pháp cấp bách BVMT; Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo chính thức có hiệu lực

   Năm 2016 là năm đầu tiên thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII. Việc ban hành Chỉ thị số 25/CT-TTg về một số nhiệm vụ, giải pháp cấp bách về BVMT có ý nghĩa quan trọng nhằm đề cao tính kỷ luật, kỷ cương, trách nhiệm, thực hiện đồng bộ giữa chủ trương chính sách pháp luật, hiện thực hóa Nghị quyết của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về BVMT. Chỉ thị là cơ sở quan trọng để phát huy tiềm năng, tạo đột phá, tận dụng cơ hội vượt qua những thách thức về môi trường trong quá trình phát triển. Ngay sau khi Chỉ thị được ban hành, một số Bộ ngành (TN&MT, Giao thông vận tải, Công thương, Xây dựng…) và địa phương (Long An, Bình Dương, Phú Thọ…) đã ban hành Kế hoạch hành động về BVMT nhằm triển khai Chỉ thị số 25/CT-TTg, thể hiện sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhất là cấp cơ sở.

   Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo được Quốc hội thông qua ngày 25/6/2015 và chính thức có hiệu lực từ ngày 1/7/2016, làm nền tảng cho công tác quản lý tổng hợp tài nguyên và BVMT biển, hải đảo. Để tăng cường hiệu quả công tác quản lý, Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch thực hiện Chiến lược khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên và BVMT biển đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 nhằm xây dựng, hoàn chỉnh cơ sở dữ liệu về TN&MT biển làm cơ sở cho các Bộ, ngành, địa phương ven biển lập kế hoạch khai thác, sử dụng các nguồn tài nguyên thiên nhiên biển và ứng phó với biến đổi khí hậu.

   3. Kiên quyết đấu tranh với tình trạng buôn bán trái phép các loài động thực vật hoang dã

   Nhận thức tầm quan trọng của đa dạng sinh học và vai trò của các loài động vật, thực vật hoang dã đối với con người, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 28/CT-TTg về một số giải pháp cấp bách phòng ngừa, đấu tranh với hành vi xâm hại các loài động vật hoang dã trái pháp luật. Theo đó, Chỉ thị yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các cơ quan, đơn vị trên địa bàn rà soát, kiểm tra, xử lý nghiêm các hoạt động buôn bán ngà voi, sừng tê giác trái pháp luật; tập trung kiểm tra các làng nghề, cơ sở chế biến, cửa hàng bán đồ lưu niệm tại các địa điểm du lịch, sân bay, bến tàu, cơ sở buôn bán, bào chế thuốc y học cổ truyền… và công khai kết quả xử lý trên các phương tiện thông tin đại chúng.

   Tại Hội nghị quốc tế cấp cao lần thứ ba về phòng, chống buôn bán trái phép động vật, thực vật hoang dã, Chính phủ Việt Nam đã cam kết với cộng đồng quốc tế là sẽ kiểm soát chặt chẽ thị trường trong nước và xóa bỏ các điểm buôn bán bất hợp pháp các loài động vật hoang dã, đồng thời tăng cường thực thi pháp luật và hợp tác xuyên biên giới. Đây là lần đầu tiên Hội nghị được tổ chức tại Việt Nam, thể hiện quyết tâm của Việt Nam trong thực hiện có trách nhiệm cao các cam kết quốc tế về đấu tranh chống buôn bán trái pháp luật ĐVHD và được cộng đồng thế giới đánh giá cao, góp  phần nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.

Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh phát biểu khai mạc Hội nghị quốc tế về chống buôn bán trái pháp luật các loài động vật, thực vật hoang dã

 

   4. Việt Nam tham gia ký kết thỏa thuận Pari về BĐKH

   Việt Nam tham gia ký kết Thỏa thuận Pari về BĐKH, thể hiện quyết tâm của Chính phủ Việt Nam trong việc ứng phó với BĐKH toàn cầu. Thỏa thuận Pari có ý nghĩa lịch sử, làm cơ sở để thế giới chung tay thực hiện hiệu quả các hành động ứng phó với BĐKH, góp phần bảo vệ Trái Đất, ngôi nhà chung của các thế hệ hôm nay và mai sau. Nếu như năm 2015 ghi dấu ấn với việc 200 quốc gia nhất trí tham gia Hiệp định về chống BĐKH tại Hội nghị của Liên hợp quốc về chống BĐKH (COP 21) tại Pari, Pháp, thì năm 2016 được nhìn nhận là năm thành công trong việc thúc đẩy việc hiện thực hóa Hiệp định Pari cùng nhiều thỏa thuận khác.

Bộ trưởng Trần Hồng Hà ký kết Thỏa thuận Pari

 

   5. Chủ động tham gia các hoạt động hợp tác quốc tế

   Ngay từ đầu năm 2016, các hoạt động hợp tác đa phương và song phương về BVMT đã được tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả. Việt Nam đã chủ động và tích cực tham gia các hoạt động trong khuôn khổ hợp tác ASEAN về môi trường; tổ chức thành công Hội nghị Nhóm công tác ASEAN về bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học; Hội nghị các nhà Lãnh đạo ASEAN+3 về Sản xuất và Tiêu dùng bền vững; Cuộc họp đối thoại chính sách về môi trường giữa Việt Nam và Nhật Bản.

   Bên cạnh đó, Việt Nam tham gia Triển lãm quốc tế về thiết bị, công nghệ và dịch vụ môi trường lần thứ 27 (Pollutec 2016); Hội nghị Tăng trưởng xanh toàn cầu; Hội nghị các bên tham gia Công ước Đa dạng sinh học... Tính đến hết tháng 12/2016, có hơn 40 chương trình, dự án lớn về bảo vệ môi trường đang được tích cực thực hiện với các đối tác chính như Nhật Bản, Hàn Quốc, Thụy Sỹ, Đan Mạch, Thụy Điển... và các cơ quan, tổ chức quốc tế như GEF, WB, ADB, UNDP, UNEP, EU, ACB… trong các lĩnh vực chính là bảo tồn đa dạng sinh học, hóa chất và chất thải, kiểm soát ô nhiễm không khí, nước thải.

Bộ trưởng Trần Hồng Hà cắt băng khai mạc khu triển lãm của Việt Nam tại Pollutec 2016

 

   6. Phát huy vai trò của Mặt trận Tổ Quốc Việt Nam trong BVMT

   Bộ TN&MT phối hợp với Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc (UBTƯ MTTQ) Việt Nam tổ chức Hội nghị Tổng kết Chương trình phối hợp giai đoạn 2012 - 2016 và ký kết Chương trình phối hợp giai đoạn 2016 - 2020. Chương trình phối hợp có ý nghĩa quan trọng, nhằm phát huy vai trò của MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội cùng toàn thể nhân dân trong lĩnh vực TN&MT, đặc biệt là vai trò giám sát của nhân dân.

   Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà và Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký UBTƯ MTTQVN Trần Thanh Mẫn đã ký kết Chương trình phối hợp thực hiện nhiệm vụ trong lĩnh vực TN&MT giai đoạn 2016 - 2020 với các nội dung chính: Tiếp tục phối hợp tuyên truyền các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về quản lý, sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên, BVMT, ứng phó với BĐKH; Xây dựng mới và nhân rộng các mô hình, điển hình của cộng đồng dân cư, các tổ chức tôn giáo tham gia BVMT, ứng phó với BĐKH, nước biển dâng; Phối hợp kiểm tra, giám sát và phản biện xã hội việc triển khai thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng tài nguyên thiên nhiên, BVMT…

Phó Chủ tịch – Tổng Thư ký UBTƯ MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn và Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà ký kết Chương trình phối hợp

 

   7. Thanh tra việc chấp hành pháp luật về BVMT đối với cơ sở có nguồn thải lớn (200m3/ngày, đêm)

   Bộ TN&MT đã tổ chức thanh tra việc chấp hành pháp luật về BVMT và tài nguyên nước đối với các dự án có nguồn thải lớn (từ 200 m3/ngày, đêm trở lên, có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường biển, lưu vực sông) trên địa bàn các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương để đánh giá một cách toàn diện công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực BVMT và tài nguyên nước. Trên cơ sở đó, đề xuất sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các chế định pháp luật nhằm tăng cường công tác quản lý nhà nước về BVMT trong quá trình thẩm định, xét duyệt và thực hiện dự án đầu tư. Đồng thời, tăng cường sự phối hợp giữa các cơ quan, tổ chức ở Trung ương và địa phương trong việc phòng ngừa, phát hiện, xử lý đối với các tổ chức hoạt động sản xuất, kinh doanh có xả thải ra môi trường…

   8. Tháng hành động vì môi trường với việc đổi mới các hoạt động truyền thông

   Nhằm tăng cường hiệu quả tuyên truyền, tạo sự lan tỏa trên diện rộng, góp phần nâng cao nhận thức về BVMT cho toàn xã hội, từ năm 2016, Bộ TN&MT thực hiện chủ trương đổi mới hình thức tổ chức các hoạt động hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới. Theo đó, đã có khoảng 600 lễ mít tinh, ra quân làm vệ sinh môi trường ở các cấp với số người tham dự hưởng ứng lên đến 2.000.000 người; hơn 1 triệu cây xanh được chăm sóc và trồng mới; gần 250.000 tấn rác thải được thu gom xử lý, gần 24.000 km đường xá, cống rãnh được làm vệ sinh; tổ chức gần 20.000 khóa tập huấn, đào tạo, phổ biến tuyên truyền về BVMT. Tháng hành động vì môi trường đã huy động sự tham gia của cả hệ thống chính trị, tổ chức cộng đồng và mỗi người dân, tạo dấu ấn lớn trong công tác BVMT trên cả nước.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng trao mầm cây cho thế hệ trẻ tại Lễ phát động Tháng hành động vì môi trường hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới 2016

 

   9. Công bố báo cáo hiện trạng môi trường quốc gia giai đoạn 2011-2015

   Bộ TN&MT tổ chức công bố Báo cáo hiện trạng môi trường quốc gia giai đoạn 2011-2015. Báo cáo được xây dựng nhằm đánh giá hiện trạng môi trường Việt Nam, nguyên nhân, các nguồn tác động chính lên môi trường, diễn biến chất lượng môi trường đất, nước, không khí và đa dạng sinh học. Báo cáo cũng tập trung phân tích thực trạng công tác quản lý môi trường, từ đó đề xuất những định hướng, giải pháp phù hợp cho giai đoạn tiếp theo. Báo cáo có ý nghĩa quan trọng, đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam đang tích cực hội nhập kinh tế quốc tế, chuyển đổi mô hình phát triển theo hướng phát thải các bon thấp, xanh và bền vững, song cũng nổi lên nhiều vấn đề môi trường bức xúc, xảy ra một số sự cố môi trường nghiêm trọng, ảnh hưởng lớn đến đời sống của nhân dân.

Lễ công bố Báo cáo hiện trạng môi trường quốc gia

 

   10. Xảy ra nhiều sự cố môi trường nghiêm trọng

   Sự cố môi trường biển miền Trung là sự cố nghiêm trọng nhất, lần đầu tiên xảy ra trên diện rộng ở nước ta. Ngay sau khi sự cố xảy ra, Chính phủ và các cơ quan chức năng đã vào cuộc quyết liệt, tiến hành xác định nguyên nhân và buộc Công ty Formosa Hà Tĩnh nhận trách nhiệm về việc gây ra sự cố và bồi thường thiệt hại kinh tế cho người dân. Với chức năng quản lý nhà nước về TN&MT, Bộ TN&MT đã phối hợp với các cơ quan liên quan kiểm tra, giám sát toàn diện các hoạt động xả thải của Công ty Formosa Hà Tĩnh và yêu cầu Công ty thực hiện nghiêm các cam kết môi trường, xây dựng kế hoạch tổng thể, chi tiết về thực hiện BVMT. Đây là bài học đắt giá, hết sức thấm thía về việc lựa chọn các dự án đầu tư, kiên quyết không đánh đổi môi trường và cuộc sống người dân để lấy lợi ích kinh tế.

   Sau sự cố ô nhiễm môi trường biển miền Trung là ô nhiễm sông Bưởi (thuộc địa bàn 2 tỉnh Thanh Hóa và Hòa Bình), hồ Tây (Hà Nội) làm cá chết hàng loạt trôi dạt vào bờ, gây thiệt hại về kinh tế, ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động sản xuất và đời sống của người dân. Bên cạnh đó là các vụ việc về môi trường được dư luận đặc biệt quan tâm như  xây dựng trái phép tại Vườn quốc gia Ba Vì; ô nhiễm môi trường tại Dự án khai thác chế biến khoáng sản Núi Pháo (Thái Nguyên), Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân… Có thể nói, năm 2016 xảy ra liên tiếp những sự cố môi trường có tính chất nghiêm trọng trên địa bàn cả nước, đặt ra cho công tác quản lý nhà nước về BVMT những thách thức. Qua đó, cơ quan quản lý nhà nước về BVMT đã rút ra các bài học kinh nghiệm, đề xuất các giải pháp trước mắt và lâu dài để nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý, bảo đảm phát triển bền vững đất nước.

Công ty Formosa Hà Tĩnh nhận trách nhiệm và xin lỗi Chính phủ và nhân dân Việt Nam về việc gây ra sự cố môi trường biển miền Trung

Tạp chí Môi trường

Ý kiến của bạn