22/02/2018
Năm 2017, công tác quản lý nhà nước về BVMT đã có những chuyển biến tích cực, đáp ứng yêu cầu BVMT trong tình hình mới. Điểm lại 10 sự kiện/hoạt động môi trường cũng là dịp để nhìn nhận, đánh giá kết quả đạt được, cũng như những tồn tại, hạn chế trong công tác BVMT, từ đó xác định phương hướng hoạt động trong năm 2018. Dưới đây là 10 sự kiện/hoạt động môi trường nổi bật năm 2017do Tạp chí Môi trường bình chọn.
1. Tổ chức thành công hội nghị của Thủ tướng Chính phủ về phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL)
Trước những thách thức do tác động của biến đổi khí hậu (BĐKH) đối với vùng ĐBSCL, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tổ chức Hội nghị này với tầm nhìn về một ĐBSCL phát triển bền vững, thịnh vượng. Dưới sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, cùng sự tham gia của gần 1.000 đại biểu ở Trung ương và địa phương, các chuyên gia, nhà khoa học, đối tác quốc tế, Hội nghị đã bàn thảo, đóng góp nhiều ý kiến có giá trị thực tiễn, đặc biệt là những kinh nghiệm của thế giới về phòng chống thiên tai và ứng phó với BĐKH. Qua đó nhận diện đầy đủ các nguy cơ và xu thế biến đổi của ĐBSCL trong bối cảnh BĐKH, đề xuất các giải pháp tổng thể, định hướng để thực hiện chuyển đổi mô hình phát triển bền vững ĐBSCL trong thời gian tới.
Trên cơ sở kết quả của Hội nghị, ngày 17/11/2017, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 120/NQ-CP về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với BĐKH. Nghị quyết đề ra tầm nhìn đến năm 2100, ĐBSCL phát triển bền vững, an toàn, thịnh vượng, trên cơ sở phát triển phù hợp nông nghiệp hàng hóa chất lượng cao, kết hợp với dịch vụ, du lịch sinh thái, công nghiệp…; tài nguyên thiên nhiên được sử dụng hợp lý; ĐDSH và truyền thống văn hóa lịch sử được duy trì và tôn tạo, đời sống vật chất, tinh thần của người dân được nâng cao.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Hội nghị về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với BĐKH
2. Hoàn thiện chính sách pháp luật về BVMT
Trong năm qua, hệ thống chính sách pháp luật trong lĩnh vực môi trường tiếp tục được hoàn thiện. Các văn bản mới được ban hành đã tạo lập môi trường pháp lý thuận lợi cho hoạt động BVMT của các doanh nghiệp, cộng đồng, xã hội.
Nhằm tăng cường công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực BVMT, Bộ TN&MT được giao xây dựng Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung các Nghị định quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật BVMT năm 2014 (Dự thảo). Dự thảo được xây dựng nhằm khắc phục những bất cập hiện nay, nhất là quy định về các công cụ, biện pháp quản lý nhà nước, biện pháp kỹ thuật kiểm soát, giám sát hoạt động xả thải của doanh nghiệp.
Tham gia tích cực trong quá trình sửa đổi, bổ sung một số nội dung của Bộ Luật Hình sự năm 2015; Luật Bảo vệ và Phát triển rừng (sửa đổi); Luật Thủy sản (sửa đổi), trong đó tập trung phản ánh những vướng mắc, bất cập trong quá trình triển khai Luật, đồng thời đề xuất, bổ sung những quy định mới đáp ứng yêu cầu thực tiễn; bảo đảm tính liên tục, thống nhất và đồng bộ giữa các quy định của Luật.
Triển khai rà soát toàn bộ hệ thống 44 quy chuẩn kỹ thuật quốc gia (QCVN) về môi trường, trong đó ưu tiên sửa đổi 17 quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường (09 QCVN về nước thải, 07 QCVN về khí thải và 01 QCVN về chất thải rắn). Các nội dung sửa đổi được triển khai theo hướng nghiên cứu, tham khảo kinh nghiệm quốc tế trong quá trình xây dựng và áp dụng các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường, đảm bảo tính khả thi và phù hợp với điều kiện thực tế của Việt Nam.
Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường Nguyễn Văn Tài phát biểu tại Hội thảo góp ý Nghị định sửa đổi, bổ sung các Nghị định quy định chi tiết hướng dẫn thi hành Luật BVMT năm 2014
3. Tăng cường công tác cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực môi trường
Năm qua, Bộ TN&MT là một trong những cơ quan hành chính cấp Trung ương đi đầu trong cải cách hành chính, nâng cao chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp. Bộ đã rà soát, bãi bỏ một số thủ tục hành chính (TTHC); giảm thời gian, đơn giản hóa hồ sơ, thành phần hồ sơ trong thực hiện TTHC, cụ thể: thực hiện liên thông đối với 11 TTHC thuộc 03 lĩnh vực: Môi trường (03 thủ tục); Tài nguyên nước (02 thủ tục); Biển và hải đảo (06 thủ tục). Riêng Tổng cục Môi trường đã đề xuất bỏ/cắt giảm 4 TTHC trong lĩnh vực môi trường (Cấp chứng chỉ tư vấn đánh giá tác động môi trường; chứng minh tổ chức, cá nhân không gây ô nhiễm môi trường; kiểm tra, chấp thuận việc tích nước đối với dự án có nội dung xây dựng hồ chứa thủy lợi hoặc thủy điện; Khai thác và sử thông tin, dữ liệu ĐDSH).
Để kiện toàn tổ chức bộ máy, tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, gắn với trách nhiệm của người đứng đầu, Bộ TN&MT đã triển khai Nghị định số 36/2017/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ TN&MT. Theo đó, Bộ đã tiến hành rà soát chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức của các Vụ, Tổng cục, Cục trực thuộc Bộ theo hướng tinh gọn, giảm đầu mối. Bộ cũng quy định số biên chế tối thiểu cho việc thành lập các phòng thuộc Bộ, đảm bảo hệ thống các đơn vị tinh gọn, hoạt động hiệu quả, giảm tầng trung gian.
4. Thành lập đường dây nóng tiếp nhận thông tin phản ánh, kiến nghị về ô nhiễm môi trường từ Trung ương đến địa phương
Nhằm tăng cường tiếp nhận và xử lý thông tin phản ánh, kiến nghị của tổ chức, cá nhân về ô nhiễm môi trường (ÔNMT), đồng thời phát huy vai trò của người dân và cộng đồng trong BVMT, tạo bước chuyển biến trong công tác ứng phó, xử lý ÔNMT, ngày 10/10/2017, Bộ trưởng Bộ TN&MT đã ban hành Chỉ thị số 03/CT-BTNMT về việc tăng cường tiếp nhận và xử lý thông tin phản ánh, kiến nghị của tổ chức, cá nhân về ÔNMT thông qua đường dây nóng.Theo đó, Bộ trưởng chỉ thị: Lập, vận hành đường dây nóng (gồm số điện thoại và địa chỉ thư điện tử) để tiếp nhận, xử lý thông tin phản ánh, kiến nghị của tổ chức, cá nhân về ÔNMT từ Trung ương đến địa phương hoạt động thông suốt, liên tục 24/24 giờ trong ngày và 7 ngày trong tuần, bao gồm cả ngày nghỉ, ngày lễ. Ở cấp Trung ương, Tổng cục Môi trường thiết lập, công khai đường dây nóng của Bộ TN&MT, Sở TN&MT chịu trách nhiệm đường dây nóng cấp địa phương; Tổng cục Môi trường xây dựng, ban hành quy trình tiếp nhận, xác minh, xử lý và phản hồi thông tin phản ánh, kiến nghị của tổ chức và cá nhân về ÔNMT thống nhất từ Trung ương đến địa phương (kèm theo danh mục hệ thống đường dây nóng). Tính đến hết ngày 15/12/2017, đường dây nóng của Tổng cục Môi trường đã tiếp nhận được tổng số 206 thông tin phản ánh, kiến nghị của người dân về ÔNMT, trong đó có 50 vụ việc đã được xử lý.
5. Kiểm soát các dự án, nguồn thải lớn có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao
Để chủ động ngăn chặn, phòng ngừa, không để xảy ra sự cố, điểm nóng về môi trường, Tổng cục Môi trường đã tập trung triển khai xây dựng Đề án kiểm soát đặc biệt đối với các cơ sở tiềm ẩn nguy cơ gây ÔNMT cao. Đồng thời, chủ động phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành địa phương tổ chức các đoàn thanh tra, kiểm tra xử lý được 20 vụ việc, điểm nóng về môi trường, tạo được sự đồng thuận và ủng hộ của cộng đồng, dư luận. Thành lập và duy trì thường xuyên Tổ giám sát quá trình vận hành thử nghiệm các công trình xử lý chất thải của Dự án Nhà máy Giấy Lee&Man Việt Nam; giám sát việc thực hiện các hạng mục BVMT bổ sung để xử lý nước thải, khí thải, chất thải rắn. Triển khai các biện pháp đồng bộ, khoa học, để giám sát tình hình khắc phục các lỗi vi phạm về BVMT của Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh (FHS). Thông qua nhiều đoàn kiểm tra trực tiếp tại Công ty cũng như tham mưu cho Hội đồng giám sát liên ngành đánh giá kết quả, đến nay, FHS đã cơ bản khắc phục các lỗi vi phạm, hoàn thiện các công trình BVMT đảm bảo đạt Quy chuẩn Việt Nam, cải tiến và nâng cấp công nghệ đạt tiêu chuẩn quốc tế.
6. Vườn quốc gia Bái Tử Long (Quảng Ninh) trở thành Vườn Di sản ASEAN
Sau 2 năm đệ trình hồ sơ, ngày 19/5/2017, Vườn quốc gia (VQG) Bái Tử Long (thuộc huyện Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh) đã được Trung tâm Đa dạng sinh học ASEAN công nhận danh hiệu Vườn Di sản (VDS) ASEAN do đáp ứng được 5 tiêu chí về tính toàn vẹn sinh thái; tính đại diện; tính tự nhiên; tính độc đáo và các loài sinh cảnh quý, hiếm; tính hợp pháp.
VQG Bái Tử Long có tổng diện tích 15.783 ha, trong đó diện tích biển chiếm 9.658 ha, diện tích các đảo nổi chiếm 6.125 ha. VQG nằm trong khu vực vịnh Bái Tử Long và gần Di sản vịnh Hạ Long, được ví như một “kho báu” sinh quyển giữa trùng khơi ở vùng biển Ðông Bắc của Việt Nam. VQG phong phú về các loài động, thực vật, với 1.909 loài động, thực vật, trong đó có 72 loài động vật và 30 loài thực vật được ghi trong Sách đỏ Việt Nam.
VQG Bái Tử Long trở thành là VQG thứ 6 của Việt Nam và thứ 38 của ASEAN được công nhận là VDS ASEAN. Trước đó, Việt Nam đã có 5 VQG được công nhân là VDS ASEAN, gồm: Ba Bể, Hoàng Liên, Kon Ka Kinh, Chư Mom Ray và U Minh Thượng.
Lễ trao danh hiệu Vườn Di sản ASEAN cho Vườn quốc gia Bái Tử Long
7. Vinh danh các nhà khoa học có đóng góp cho công tác bảo tồn đa dạng sinh học (ĐDSH)
Năm 2017 ghi nhận những đóng góp của nhiều nhà khoa học Việt Nam trong lĩnh vực BVMT và bảo tồn ĐDSH. Trong đó, GS.TSKH Đặng Huy Huỳnh - Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam (VACNE) đã trở thành người Việt Nam đầu tiên được vinh danh Anh hùng ĐDSH ASEAN. Ông là một trong 10 nhân vật điển hình của các nước trong khu vực được nhận danh hiệu cao quý này đúng vào dịp Kỷ niệm 50 năm thành lập ASEAN. Đây không chỉ là phần thưởng cao quý của ASEAN dành cho Giáo sư, mà còn là niềm vinh dự, tự hào chung cho các nhà khoa học, các nhà quản lý của Việt Nam trong lĩnh vực BVMT, bảo tồn ĐDSH.
Với công trình nghiên cứu “Bảo tồn ĐDSH dãy Trường Sơn”, TS. Nguyễn Ngọc Sinh - Chủ tịch VACNE đã được vinh danh tại Lễ trao giải Nhân tài Đất Việt về lĩnh vực môi trường. Công trình là cuốn sách dày hơn 300 trang do TS. Nguyễn Ngọc Sinh và các cộng sự tổng hợp dựa trên các công trình nghiên cứu khoa học về bảo tồn ĐDSH dãy Trường Sơn. Đây là Giải thưởng lớn mang tầm vóc quốc gia, do Hội Khuyến học Việt Nam khởi xướng nhằm khuyến khích sự đam mê nghiên cứu khoa học, cải tiến công nghệ và tôn vinh những tài năng đích thực của Việt Nam trong các lĩnh vực: Công nghệ thông tin, khoa học công nghệ, y dược và môi trường.
Với những đóng góp thực hiện các sáng kiến bảo tồn voọc mũi hếch tại khu rừng Khau Ca, tỉnh Hà Giang, ông Hoàng Văn Tuệ, cán bộ Chi cục Kiểm lâm Hà Giang đã được Tổ chức Bảo tồn động, thực vật quốc tế (FFI) trao tặng danh hiệu Anh hùng bảo tồn của Quỹ bảo tồn Disney vì đã có đóng góp xuất sắc trong công tác bảo vệ động vật hoang dã, bảo tồn sinh cảnh và truyền cảm hứng cho cộng đồng tham gia vào các hoạt động bảo tồn. Ông cũng là người đầu tiên ở Việt Nam nhận được phần thưởng này. Theo kết quả tổng điều tra của Tổ chức FFI vào tháng 4/2017, quần thể voọc mũi hếch ở Khau Ca đã tăng lên 121 cá thể, gấp đôi so với thời điểm ban đầu mới được phát hiện (năm 2002).
GS. Đặng Huy Huỳnh (đứng thứ 8 từ trái sang) tại Lễ chúc mừng Anh hùng ĐDSH ASEAN
8. Tăng cường công tác quan trắc, xây dựng cơ sở dữ liệu và lập báo cáo hiện trạng môi trường
Trên cơ sở Quy hoạch mạng lưới quan trắc TN&MT quốc gia giai đoạn 2016 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030, ngày 24/10/2017, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án Xây dựng Hệ cơ sở dữ liệu quốc gia về quan trắc TN&MT tại Quyết định số 1618/QĐ-TTg. Đề án đề ra mục tiêu thu nhận đầy đủ, tích hợp, tổ chức xây dựng hệ cơ sở dữ liệu quốc gia về quan trắc TN&MT thống nhất trên cơ sở áp dụng các giải pháp công nghệ, hạ tầng công nghệ thông tin hiện đại, tiên tiến, bảo đảm an ninh, an toàn thông tin; Hoàn thiện cơ chế chính sách và quy định kỹ thuật bảo đảm thu thập công bố, chia sẻ, cung cấp, khai thác sử dụng thông tin, dữ liệu quan trắc TN&MT kịp thời, chính xác…
Ngày 3/9/2017, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quyết định số 1307/QĐ-TTg về chủ trương đầu tư Dự án xây dựng hệ thống quan trắc và cảnh báo môi trường 4 tỉnh miền Trung (Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế với mục tiêu nhằm xây dựng hệ thống quan trắc, giám sát và cảnh báo ô nhiễm môi trường biển, đảm bảo hiện đại, đồng bộ để cung cấp thông tin, số liệu, tư liệu về hiện trạng, diễn biến chất lượng môi trường biển miền Trung (không khí xung quanh, nước biển và trầm tích); cảnh báo kịp thời khi chất lượng môi trường biển miền Trung có dấu hiệu bị ô nhiễm.
Năm 2017, Bộ TN&MT công bố Báo cáo hiện trạng môi trường quốc gia năm 2016” với chủ đề “Môi trường đô thị”. Báo cáo đã đề xuất các nhóm giải pháp tổng thể đối với công tác BVMT đô thị như: Hoàn thiện các chính sách, pháp luật về BVMT đô thị và quy hoạch đô thị gắn với phát triển bền vững; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm và phòng ngừa, kiểm soát ô nhiễm… Đây là nguồn tư liệu hữu ích, hỗ trợ các nhà quản lý, hoạch định chính sách trong quá trình lập kế hoạch, quy hoạch phát triển đô thị gắn với BVMT, góp phần phát triển bền vững đất nước.
9. Chủ động, tích cực tham gia các hoạt động hợp tác quốc tế về môi trường
Các hoạt động hợp tác đa phương và song phương về BVMT đã được tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả. Bộ TN&MT đã chủ trì ký kết hợp tác về môi trường với các nước: Đức, Đan Mạch; xây dựng Biên bản ghi nhớ, Thỏa thuận hợp tác với Bộ Môi trường Hàn Quốc, Nhật Bản; chủ động và tích cực tham gia các hoạt động trong khuôn khổ hợp tác ASEAN về môi trường, trong đó đã tổ chức thành công Hội thảo Tổng kết 20 năm Việt Nam tham gia hợp tác ASEAN về môi trường. Sau hơn 20 năm tham gia hợp tác, Việt Nam ngày càng khẳng định vai trò, vị trí trong các lĩnh vực hợp tác nói chung và lĩnh vực môi trường nói riêng. Việt Nam đã tích cực tham gia vào tất cả các lĩnh vực hợp tác môi trường như ĐDSH, BĐKH, hóa chất và chất thải, môi trường biển và đới bờ, công nghệ môi trường, giáo dục môi trường, kiểm soát ô nhiễm khói mù xuyên biên giới, sản xuất, tiêu dùng bền vững…
Hội thảo Tổng kết 20 năm hợp tác ASEAN về môi trường
10. Hiệu quả các chương trình phối hợp liên tịch với các tổ chức chính trị - xã hội
Nhằm nâng cao hiệu quả, phát huy sức mạnh tổng hợp trong công tác quản lý nhà nước về BVMT, Bộ TN&MT đã ký kết thực hiện các Chương trình phối hợp trong lĩnh vực TN&MT với Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Hội Nông dân Việt Nam, giai đoạn 2017 - 2022. Các Chương trình phối hợp đã tăng cường sự tham gia của MTTQ Việt Nam các cấp, hội viên Hội Nông dân trong công tác giám sát việc thực thi chính sách, pháp luật về tài nguyên môi trường, tham gia phát hiện và giải quyết, xử lý các vi phạm pháp luật về tài nguyên môi trường trên địa bàn nông thôn. Đồng thời, phát huy sức trẻ của lực lượng đoàn viên thanh niên trong công tác BVMT.
Thông qua các Chương trình phối hợp đã có nhiều mô hình, cách làm hay, nhiều hoạt động ý nghĩa thiết thực trong công tác BVMT, ứng phó với BĐKH và tăng trưởng xanh. Từ đó nâng cao nhận thức cho cộng đồng về BVMT, từng bước thay đổi những hành vi, phong tục tập quán lạc hậu ảnh hưởng xấu đến môi trường sống, có ý thức sử dụng hợp lý và tiết kiệm tài nguyên, bảo vệ và cải thiện môi trường, xây dựng nếp sống văn minh thân thiện với môi trường vì sự phát triển bền vững
Ký kết Chương trình phối hợp giữa Bộ TN&MT và Hội Nông dân Việt Nam về BVMT và thích ứng với BĐKH
TCMT