Banner trang chủ

Ứng dụng công nghệ xử lý thân thiện với môi trường trong xử lý chất thải

14/05/2017

     Sáng ngày 12/5/2017, tại TP.HCM, Tổng cục Môi trường đã tổ chức Hội thảo Ứng dụng công nghệ xử lý thân thiện với môi trường trong xử lý chất thải. Đây là một trong những sự kiện bên lề của Hội chợ triển lãm quốc tế về công nghệ môi trường và sản phẩm sinh thái năm (EPIF 2017). Tham dự Hội thảo có ông Nguyễn Thế Đồng - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường cùng đại diện Lãnh đạo một số Sở, ngành Trung ương và địa phương;các chuyên gia môi trường Việt Nam và các doanh nghiệp tham dự Hội trợ triển lãm.

     Theo khảo sát của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong số 357 doanh nghiệp được khảo sát có 22% doanh nghiệp đầu tư đổi mới công nghệ thân thiện môi trường; 13% doanh nghiệp có đầu tư cho hoạt động nghiên cứu và phát triển công nghệ thân thiện môi trường, chủ yếu là những doanh nghiệp lớn và có nguồn lực tài chính mạnh. Trong khi đó, các doanh nghiệp FDI quan tâm nhiều hơn vào đầu tư công nghệ thân thiện môi trường.

 

Toàn cảnh Hội thảo

 

     Đối với ngành công nghiệp môi trường Việt Nam có tiềm năng lớn, tổng sản phẩm theo giá hiện hành của doanh nghiệp môi trường năm 2014 là 19.526 tỷ, tương ứng gần 0,5% GDP. Tuy nhiên, ngành công nghiệp môi trường Việt Nam cũng đứng trước những thách thức không nhỏ. Đến nay, năng lực ngành công nghiệp môi trường mới đáp ứng được 2-3% nhu cầu xử lý nước thải, 15% nhu cầu xử lý chất thải rắn, khoảng 14% nhu cầu xử lý chất thải nguy hại; nhiều lĩnh vực như tái chế dầu thải, nhựa phế liệu, chất thải điện, điện, điện tử chưa phát triển.

     Nhằm tạo hành lang pháp lý cho công tác BVMT, khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia hợp tác đầu tư, nghiên cứu về công nghệ xử lý môi trường, những năm qua, Chính phủ Việt Nam đã ban hành các chính sách phát triển công nghệ và công nghiệp như Quyết định số 2612/QĐ-TTg ngày 30/12/2013 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược sử dụng công nghệ sạch giai đoạn đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; Quyết định số 1216/QĐ-TTg ngày 05/9/2013 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược BVMT đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; Quyết định số 1030/QĐ-TTg ngày 13/2/2017 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển ngành công nghiệp môi trường Việt Nam đến năm 2025; Luật BVMT năm 2014 (Điều 151 và Điều 153 quy định ưu đãi, hỗ trợ phát triển công nghiệp môi trường)…

     Do đó, Hội thảo là dịp để các cơ quan quản lý môi trường Việt Nam, doanh nghiệp trong và ngoài nước tập trung thảo luận về chính sách phát triển công nghệ thân thiện với môi trường ở Việt Nam; Ứng dụng công nghệ thân thiện với môi trường trong xử lý chất thải; Cách tiệp cận hệ thống đối với tái chế chất thải hữu cơ và nước thải; Nghiên cứu ứng dụng công nghệ môi trường vi tảo kết hợp màng thu hồi dinh dưỡng (Nitơ, Photpho) trong nước thải sinh hoạt; Công nghệ COWT -  xử lý bùn bằng phương pháp thủy phân nhiệt; hệ thống phát điện chất thải công nghiệp Việt Nam; Công nghệ D4 biến đổi rác thải thành năng lượng…

     Thông qua Hội thảo và Hội chợ triển lãm, các doanh nghiệp trong và ngoài nước mong muốn được đầu tư, hợp tác trong lĩnh vực xử lý môi trường, góp phần giúp Việt Nam phát triển bền vững.

 

Đinh Minh Hương

Ý kiến của bạn