03/02/2021
CHLB Đức là trung tâm công nghiệp của châu Âu và là nền kinh tế lớn thứ ba trong khối các nước thuộc Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD). Trong những năm qua, nước Đức luôn là quốc gia đi đầu trên thế giới về phát triển kinh tế xanh (KTX), đạt được nhiều thành tựu về BVMT và phát triển bền vững (PTBV).
Ban hành những chính sách xanh hóa nền kinh tế
Từ năm 1989, khái niệm KTX lần đầu tiên được đưa ra trong các cuộc thảo luận chính trị quốc gia ở Đức. Theo đó, phát triển KTX ở Đức là sự hài hòa giữa bảo vệ tài nguyên và môi trường, khí hậu với phát triển kinh tế và công bằng xã hội. Chính phủ khuyến khích hỗ trợ nền KTX dựa trên cơ sở quản lý tài nguyên có trách nhiệm và coi đây là động lực chính cho phát triển kinh tế ít phụ thuộc vào nhập khẩu tài nguyên với chi phí cao, nhằm hướng tới 5 mục tiêu cụ thể: Giảm phát thải khí nhà kính; 100% tái chế theo chu trình khép kín; giảm mạnh tiêu thụ tài nguyên thông qua tăng cường sử dụng hiệu quả tài nguyên và năng lượng cũng như thay thế năng lượng hóa thạch bằng nguồn năng lượng mới; hướng tới sử dụng 100% năng lượng tái tạo (NLTT) trong tương lai; bảo tồn đa dạng sinh học và giảm thiểu các tác động tiêu cực tới môi trường…
Chiến lược quốc gia về PTBV: Đức đã thông qua Chiến lược quốc gia về PTBV có tên gọi “Triển vọng cho nước Đức - Chiến lược PTBV” từ năm 2002, coi bền vững một nguyên tắc định hướng cho các chính sách quốc gia. Chiến lược PTBV được xây dựng với 4 nguyên tắc: Đảm bảo công bằng giữa các thế hệ, chất lượng cuộc sống, gắn kết xã hội, trách nhiệm quốc tế. Chiến lược PTBV đóng vai trò như kim chỉ nam để xây dựng Chương trình nghị sự bền vững và toàn diện, đảm bảo hài hòa phát triển triển kinh tế - xã hội, cân bằng sinh thái cho các thế hệ mai sau. Tính đến thời điểm hiện nay đã có 3 báo cáo chuyên sâu, đánh giá về tình hình thực hiện chiến lược PTBV ở Đức. Báo cáo đưa ra các sáng kiến liên ngành về đa dạng sinh học, biến đổi khí hậu, năng lượng và hiệu quả tài nguyên. Tháng 6/2016, Chương trình nghị sự vì PTBV được Chính phủ Đức phê chuẩn là tiền đề cho nước Đức đề xuất khung Chiến lược PTBV nhằm thực hiện các mục tiêu PTBV do Liên hợp quốc đề ra. Mục tiêu của chương trình nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế gắn với việc tiêu thụ tài nguyên hợp lý nhằm, giảm gánh nặng môi trường do việc khai thác tài nguyên. Một trong những chính sách hiệu quả hướng tới PTBV quốc gia của Đức là gói chính sách thúc đẩy nông nghiệp hữu cơ. Sản xuất các sản phẩm hữu cơ thân thiện với môi trường và bảo tồn bền vững tài nguyên, góp phần giảm thiểu tác động của BĐKH và bảo tồn đa dạng sinh học cũng như tạo việc làm cho khu vực nông thôn.
Chính sách về nông nghiệp xanh: Nhằm thúc đẩy nông nghiệp hữu cơ, vào tháng 7/2002, Chính phủ Đức đã phê chuẩn và ban hành Luật canh tác hữu cơ. Đạo luật có hiệu lực kể từ ngày 1/1/2009 sau khi được điều chỉnh cho phù hợp với luật EU. Sau khi Luật canh tác hữu cơ được ban hành, Kế hoạch canh tác hữu cơ cũng đã được khởi động và cùng năm đó, Liên đoàn Công nghiệp thực phẩm hữu cơ Đức (BOLW) được ra đời. Đến năm 2010, nhãn hiệu xác nhận sản phẩm hữu cơ đạt chuẩn được giới thiệu đến công chúng. Để đạt được chứng chỉ nhãn hiệu này, các nhà sản xuất tại Đức phải đảm bảo không sử dụng bất kỳ loại phân bón nào trong 3 năm gần nhất. Theo thống kê Liên đoàn Công nghiệp thực phẩm hữu cơ Đức, năm 2017, thị trường nông sản hữu cơ của nước này đạt 10 tỷ Euro, chiếm gần một phần ba thị trường châu Âu khi đó (37,3 tỷ Euro) và lớn nhất khối EU với tổng giá trị thị trường đạt 34,3 tỷ Euro.
Chính sách về giảm phát thải khí nhà kính: Trong nỗ lực giảm phát thải khí nhà kính và ứng phó với BĐKH, thực hiện cam kết Kyoto và các mục tiêu của cộng đồng quốc tế về việc hạn chế sự nóng lên toàn cầu ở mức dưới 2oC so với mức trước thời kỳ công nghiệp. Chính phủ Đức đã đề ra mục tiêu giảm mức phát thải khí nhà kính 55% vào năm 2030; 70% vào năm 2040 và dự kiến từ 80 - 95% vào năm 2050 thông qua việc phát triển năng lượng tái tạo (NLTT) và thúc đẩy sử dụng hiệu quả năng lượng.
Tàu hỏa Coradia iLint chạy bằng năng lượng xanh tại Đức
Cùng với đó, một loạt các công cụ chính sách nhằm đảm bảo đạt được các mục tiêu khí hậu được triển khai. Chương trình hành động khí hậu được Chính phủ ban hành ngày 3/12/2014, bao gồm 100 giải pháp nhằm đảm bảo hoàn thành mục tiêu đặt ra về cắt giảm khí nhà kính và ban hành báo cáo hành động khí hậu hàng năm. Các chính sách về khí hậu đã tạo ra các cơ hội cho các doanh nghiệp trong nước đầu tư vào NTTT. Việc sử dụng hiệu quả năng lượng giúp các doanh nghiệp tăng sức cạnh tranh và giảm sự phụ thuộc vào nhập khẩu năng lượng.
Chính sách phát triển năng lượng xanh
Việc chuyển đổi hệ thống năng lượng được coi như một lĩnh vực điển hình trong thực hiện mô hình KTX, góp phần thúc đẩy nhanh hơn phát triển kinh tế môi trường ở Đức. Giống như nhiều nước trên thế giới, Đức đã thực hiện Chiến lược chuyển đổi hệ thống năng lượng thành “Nền kinh tế năng lượng xanh”. Bằng tầm nhìn chiến lược và những bước đi dài hơi, CHLB Đức đã trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới xây dựng chiến lược nền kinh tế “Năng lượng xanh” với những chính sách, cụ thể như: Luật NLTT của CHLB Đức (EEG) đã được thông qua tháng 9/2000, đã đặt ra một khung chính sách chung cho NLTT của Đức đến năm 2050; Chính sách giá ưu đãi NTTT và cải cách thuế năng lượng được áp dụng nhằm thúc đẩy các công nghệ sử dụng hiệu quả năng lượng… Với nhiều chính sách hỗ trợ NNTT được ban hành, hiện nước Đức đã đạt được nhiều thành tựu về NLTT. Theo số liệu của Hiệp hội Năng lượng Đức (BDEW), trong năm 2019, tỷ lệ NLTT (hay còn gọi là điện xanh) đã đạt đến mức cao kỷ lục 46% trên tổng sản lượng điện tại Đức. Hiện nay, Đức có hơn 30 nghìn tuabin gió hoạt động với tổng công suất lắp đặt khoảng 60 GW và khoảng 1,7 triệu thiết bị năng lượng mặt trời (quang điện) ở mức 46 GW. Với những thành quả đạt được, Chính phủ Đức đang cố gắng để trở thành cường quốc công nghiệp đầu tiên trên thế giới sử dụng hoàn toàn NLTT vào năm 2050.
Thực hiện giao thông xanh bền vững: Chính sách giao thông xanh bền vững được chính quyền các bang ở Đức khuyến khích và coi đây là yếu tố quan trọng trong việc xây dựng và phát triển đô thị bền vững, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân. Các loại thuế xăng dầu liên bang, thuế bán xăng dầu và các quy định áp dụng thuế cao đối với đối tượng sử dụng và sở hữu xe máy và khuyến khích gia tăng nhu cầu sử dụng xe ô tô điện ít gây ô nhiễm môi trường. Năm 2008, thuế buôn bán xe máy ở Đức cao gấp 3 lần ở Mỹ, và thuế xăng dầu gấp 9 lần. Vì vậy, người dân Đức cũng sở hữu ít xe ô tô, chủ yếu thường sử dụng các xe tiết kiệm năng lượng. Chính phủ Đức cung cấp một quỹ đầu tư cho giao thông công cộng địa phương. Quỹ này hỗ trợ cải thiện giao thông địa phương thông qua hỗ trợ các dự án về phương tiện giao thông công cộng, đường đi bộ và phát triển xe đạp.
Như vậy, có thể thấy, với những chính sách hiệu quả về tài nguyên và năng lượng tái tạo đã thúc đầy tăng trưởng kinh tế, giải quyết các vấn đề xã hội và môi trường ở Đức. Để thực hiện xanh hóa nền kinh tế, Chính phủ Đức đã khuyến khích người dân tham gia vào quá trình thúc đẩy KTX ở tất cả các cấp, phát triển các sáng kiến xanh trong không chỉ sản xuất mà trong cả nghiên cứu và phát triển, trong giai đoạn giới thiệu sản phẩm ra trường và thông qua việc chuyển giao công nghệ cho các quốc gia khác. Các công nghệ sử dụng hiệu quả năng lượng đang chính là những sản phẩm xuất khẩu phát triển mạnh của Đức. Hơn nữa, khuyến khích giảm sử dụng năng lượng đã tăng khả năng thích ứng của nền kinh tế nước này đối với sự biến động về giá xăng dầu thế giới. Nhìn chung, hiệu quả chính là hạ mức chi phí năng lượng cho các hộ gia đình và ngành công nghiệp. Ngoài ra, công ty tham gia vào thực hiện xanh hóa nền kinh tế cần thiết phải đầu tư vào đào tào nguồn nhân lực. Các ngân hàng của Đức cũng cần thiết phải xây dựng một mô hình tài chính xanh dễ tiếp cận hơn cho những nhà đầu tư trong lĩnh vực kinh tế xanh.
Bài học kinh nghiệm đối với Việt Nam
Nhờ những nỗ lực liên tục trong suốt thập kỷ qua nên Đức luôn là quốc gia đi đầu trên thế giới về các thành tựu phát triển xanh, BVMT và PTBV. Vận dụng kinh nghiệm của nước Đức, Việt Nam có thể học hỏi để áp dụng vào điều kiện thực tế trong thực hiện KTX.
Trong những năm qua, chính sách của Nhà nước Việt Nam về phát triển KTX được xác định rõ trong các văn bản ban hành và đang được tổ chức thực hiện ở tất cả các cấp độ. Trước các thách thức BĐKH toàn cầu, phát triển KTX là chìa khóa cho sự thành công, giải pháp mang tính đột phá cho PTBV của Việt Nam, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu: Tăng trưởng nhanh, bền vững, bảo đảm tiến bộ, công bằng xã hội, không ngừng nâng cao chất lượng cuộc sống, coi trọng BVMT. Từ năm 2004, Việt Nam đã ban hành Quyết định số 153/2004/QĐ-TTg về định hướng Chiến lược PTBV (Chương trình nghị sự 21 của Việt Nam). Đây là Chiến lược khung, bao gồm những định hướng lớn làm cơ sở pháp lý để các Bộ, ngành, địa phương, các tổ chức và cá nhân triển khai PTBV. Trong đó, tăng trưởng xanh (TTX) được coi là nội dung quan trọng của PTBV, đòi hỏi sự tăng trưởng phải đảm bảo cả 3 lĩnh vực: Kinh tế - xã hội - môi trường. Chương trình TTX cũng được cụ thể hóa thông qua “Chiến lược quốc gia về TTX thời kỳ 2011 - 2020 và tầm nhìn đến năm 2050” do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt từ năm 2012. Đây là bản Chiến lược toàn diện về lĩnh vực phát triển KTX ở Việt Nam, phù hợp với điều kiện trong nước và bắt kịp với xu hướng chung trên thế giới. Tiếp theo, năm 2014, Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch hành động quốc gia về TTX giai đoạn 2014-2020, gồm 4 chủ đề, với 12 nhóm hoạt động và 66 nhiệm vụ hành động cụ thể: Xây dựng thể chế quốc gia và kế hoạch hành động TTX tại địa phương (8 hoạt động theo 2 nhóm); giảm cường độ phát thải khí nhà kính và thúc đẩy sử dụng năng lượng sạch, năng lượng tái tạo (20 hoạt động theo 4 nhóm); thực hiện xanh hóa sản xuất (25 hoạt động theo 4 nhóm); thực hiện xanh hóa lối sống và tiêu dùng bền vững (13 hoạt động theo 2 nhóm). Trên cơ sở triển khai Chiến lược quốc gia về TTX và Kế hoạch hành động quốc gia về TTX, các địa phương đã tích cực triển khai kế hoạch TTX. Nhiều chương trình, dự án theo hướng xanh hóa sản xuất, sản xuất sạch hơn, sản xuất xanh, tiêu dùng xanh, phát triển NLTT, giảm thiểu, tái chế chất thải… đã được triển khai, mang lại hiệu quả cao trong sản xuất, kinh doanh.
Từ kinh nghiệm của nước Đức, để phát triển KTX trong giai đoạn tới, Chính phủ Việt Nam cần đẩy mạnh xanh hóa sản xuất thông qua ưu tiên được cụ thể hóa bằng các khung chính sách và kế hoạch hành động phát triển NLTT, sử dụng tiết kiệm và hiệu quả tài nguyên, phát triển công nghiệp xanh, công nghệ xanh. Chính phủ có vai trò then chốt trong việc phát triển hệ thống chính sách trong suốt giai đoạn đầu của quá trình phát triển công nghiệp xanh và NLTT, các điểm chính cần được xem xét, bao gồm: Khả năng hiện có và cơ sở hạ tầng là yếu tố quan trọng cần được xem xét trong sự phát triển của một ngành công nghiệp xanh; ngân sách Nhà nước phải ưu tiên đầu tư cho các dự án đem lại phúc lợi kinh tế, xã hội cao, khuyến khích đầu tư, mua sắm công nghệ của thị trường xanh; việc đánh giá về triển vọng tổng thể và mức độ sẵn sàng suốt chuỗi giá trị cần được tiến hành; thông tin phản hồi nên được trưng cầu trong suốt quá trình phát triển; Sự tham gia hợp tác của các tổ chức nghiên cứu và công ty tư nhân là cần thiết để đảm bảo sự nhất quán về tầm nhìn và mục tiêu phát triển KTX.
Ở mỗi giai đoạn, Chính phủ cần xác định rõ mục tiêu và các chỉ số đề ra cùng với báo cáo đánh giá hiệu quả phương hướng và kết quả thực hiện kinh tế xanh của mỗi địa phương. Đồng thời, xây dựng những chính sách ưu đãi, nhất là ưu đãi về thuế, phí, cho vay tài chính phù hợp cho khu vực doanh nghiệp nhằm khuyến khích doanh nghiệp đầu tư đổi mới công nghệ theo hướng công nghệ xanh, việc làm xanh để tạo ra thế mạnh trong cạnh tranh của doanh nghiệp trên thị trường. Tăng cường đầu tư phát triển khoa học công nghệ; đẩy mạnh nghiên cứu, hợp tác nghiên cứu các lĩnh vực ngành nghề phát triển KTX như sử dụng năng lượng tái tạo, công nghệ sản xuất tiết kiệm tài nguyên, tiêu hao ít năng lượng… Ngoài ra, Việt Nam cần đẩy mạnh hơn việc quảng bá, tuyên truyền về lợi ích của tăng trưởng xanh với nền kinh tế và môi trường, gắn kết các thành phần xã hội từ cấp độ cá nhân tham gia vào công cuộc đổi mới nền kinh tế.
Nguyễn Thị Thục
Viện Nghiên cứu phát triển bền vững Vùng
(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường, số 1/2021)
Tài liệu Tham Khảo
1. Kinh tế xanh ở CHLB Đức -Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương
2. Future made in Germany: Germany's growth is becoming incresingly
sustainable, Federal Environment Agency, 2011, http://www.umweltbundesamt.de.
3. Germany Green growth in action: OECD, 2016
4. Báo cáo Bộ Kế hoạch và Đầu tư về đánh giá giữa kỳ thực hiện Chiến lược TTX