Banner trang chủ
Thứ Ba, ngày 19/11/2024

Kinh nghiệm cải thiện chất lượng không khí trên thế giới và bài học cho Việt Nam

19/11/2024

    Ô nhiễm không khí là một vấn đề môi trường nghiêm trọng ảnh hưởng đến sức khỏe con người và hệ sinh thái trên toàn cầu. Các chất ô nhiễm chính gồm bụi mịn (PM2,5, PM10), nitơ dioxide (NO2), sulfur dioxide (SO2), carbon monoxide (CO) và các hợp chất hữu cơ dễ bay hơi. Nguồn phát thải chủ yếu là từ giao thông vận tải, công nghiệp, nông nghiệp và việc đốt nhiên liệu hóa thạch trong sinh hoạt. Hậu quả của ô nhiễm không khí đối với sức khỏe rất nghiêm trọng, dẫn đến các bệnh về đường hô hấp như hen suyễn, viêm phế quản mãn tính, và thậm chí tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch và ung thư phổi. Theo Tổ chức y tế Thế giới (WHO) ước tính rằng mỗi năm có khoảng 4,2 triệu người tử vong do ô nhiễm không khí ngoài trời [5]. Ngoài ra, ô nhiễm không khí còn làm suy thoái môi trường tự nhiên, gây mưa axit và ảnh hưởng đến quang hợp của cây trồng. Ô nhiễm không khí cũng góp phần vào biến đổi khí hậu qua việc phát thải các khí nhà kính như CO2, methane (CH4) và nitrous oxide (N2O), cùng với carbon đen và ozone tầng thấp, làm tăng hiện tượng nóng lên toàn cầu. Những khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất bao gồm các thành phố lớn ở châu Á, châu Phi và Mỹ Latin, nơi mức độ ô nhiễm thường vượt ngưỡng an toàn. Trên toàn cầu, các nỗ lực giảm thiểu ô nhiễm không khí bao gồm áp dụng công nghệ xanh, phát triển phương tiện giao thông sạch, và thực hiện các chính sách kiểm soát khí thải nghiêm ngặt. Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu là một trong những cam kết quốc tế nhằm giảm phát thải khí nhà kính (KNK) và cải thiện chất lượng không khí, hướng tới một môi trường sống bền vững hơn. Bài viết phân tích kinh nghiệm quốc tế về cải thiện chất lượng không khí trên thế giới, từ đó đề xuất các giải pháp BVMT không khí cho Việt Nam.

EU đã thông qua Tiêu chuẩn khí thải Euro nhằm cải thiện chất lượng không khí

1. Kinh nghiệm quốc tế trong việc cải thiện chất lượng không khí

    Mỹ: Đạo luật Không khí Sạch (Clean Air Act - CAA) của Mỹ được thông qua vào năm 1970 là một trong những văn bản pháp luật quan trọng nhất trong lĩnh vực BVMT, nhằm cải thiện chất lượng không khí và bảo vệ sức khỏe cộng đồng. Trước khi CAA được thông qua, Hoa Kỳ đối mặt với tình trạng ô nhiễm không khí nghiêm trọng, đặc biệt tại các khu vực đô thị và công nghiệp. Các chất ô nhiễm chính bao gồm sulfur dioxide (SO2), carbon monoxide (CO), oxit nitơ (NO2), ozone tầng mặt đất và hạt bụi mịn (PM). Những chất này gây ra các vấn đề về sức khỏe như bệnh hô hấp, tim mạch và làm giảm tầm nhìn.

    Trước thực trạng đó, Mỹ đã ban hành một số chính sách như: (i)Thiết lập Tiêu chuẩn Chất lượng Không khí Xung quanh Quốc gia (NAAQS): EPA thiết lập các tiêu chuẩn cho các chất ô nhiễm chính nhằm bảo vệ sức khỏe cộng đồng và môi trường; (ii) Chương trình Giảm Phát thải Axit (Acid Rain Program): Nhằm giảm lượng SO2 và NO2 phát thải từ các nhà máy điện, chương trình này sử dụng cơ chế "cap-and-trade" để kiểm soát và giảm thiểu ô nhiễm; (iii) Quy định về khí thải phương tiện giao thông: EPA đặt ra các tiêu chuẩn khí thải cho xe ô tô, xe tải và các phương tiện khác, đồng thời thúc đẩy việc sử dụng nhiên liệu sạch hơn; (IV) Chương trình giám sát và kiểm soát ô nhiễm không khí độc hại: Nhằm kiểm soát hơn 180 chất ô nhiễm không khí độc hại từ các nguồn công nghiệp và thương mại.

    Kết quả đạt được là từ năm 1970 - 2017, tổng lượng phát thải của các chất ô nhiễm chính giảm khoảng 73%, mặc dù GDP tăng gấp ba, mức tiêu thụ năng lượng tăng 50% và việc sử dụng xe tăng gần 200%. Đồng thời, việc việc giảm ô nhiễm không khí đã góp phần giảm tỷ lệ mắc các bệnh hô hấp và tim mạch, cũng như giảm số ca tử vong liên quan đến ô nhiễm tại quốc gia này [2].

    Châu Âu: Trước khi áp dụng các tiêu chuẩn khí thải Euro, nhiều quốc gia châu Âu đối mặt với mức độ ô nhiễm không khí cao, đặc biệt tại các khu vực đô thị và công nghiệp. Các chất ô nhiễm chính bao gồm oxit nitơ (NO2), carbon monoxide (CO), hydrocarbon (HC) và hạt bụi mịn (PM), chủ yếu phát sinh từ giao thông vận tải và công nghiệp. Tình trạng này gây ra các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng như bệnh hô hấp, tim mạch và làm suy giảm chất lượng môi trường.

    Liên minh Châu Âu (EU) đã triển khai nhiều Chương trình và quy định nhằm cải thiện chất lượng không khí, đặc biệt thông qua Tiêu chuẩn khí thải Euro vào năm 1992. Tiêu chuẩn khí thải Euro, quy định giới hạn phát thải cho các phương tiện giao thông nhằm giảm thiểu ô nhiễm không khí. Mỗi cấp độ tiêu chuẩn Euro đặt ra các giới hạn nghiêm ngặt hơn đối với các chất ô nhiễm như NO2, CO, HC và PM.

    Ngoài ra, EU cũng đặt ra mục tiêu là “tính trung lập về khí hậu vào năm 2050”. Vì mục tiêu này, Luật Khí hậu được ban hành vào tháng 7/2021 để đảm bảo rằng tất cả các chính sách của EU đều đóng góp vào mục tiêu trung lập về khí hậu. Luật cũng đưa ra “Gói Fit for 55”. Số 55 tượng trưng cho mục tiêu giảm 55% lượng phát thải khí nhà kính vào năm 2030. Gói này bao gồm các công cụ lập pháp để thực hiện mục tiêu này trong các lĩnh vực khí hậu, năng lượng, sử dụng đất, giao thông và thuế.

    Tiếp theo là Chương trình "Thỏa thuận Xanh Châu Âu" (European Green Deal) được thông qua ngày 15/1/2020. Chương trình đề ra mục tiêu trung hòa các-bon vào năm 2050. Chương trình này bao gồm các biện pháp giảm phát thải KNK, cải thiện chất lượng không khí và thúc đẩy năng lượng tái tạo. Ngoài ra, EU đã ban hành Chỉ thị 2008/50/EC về chất lượng không khí xung quanh và không khí sạch hơn cho châu Âu, đặt ra các giới hạn cho nồng độ các chất ô nhiễm trong không khí.

    Kết quả triển khai các chính sách trên, đã giúp các nước EU giảm đáng kể lượng phát thải từ phương tiện giao thông. Ví dụ, từ Euro 1 đến Euro 6, lượng phát thải NO2 từ xe diesel đã giảm khoảng 96% so với 10 năm trước. Nhiều thành phố châu Âu đã ghi nhận sự cải thiện về chất lượng không khí, với nồng độ các chất ô nhiễm giảm, góp phần giảm tỷ lệ mắc các bệnh liên quan đến ô nhiễm không khí. Theo số liệu của Viện Sức khỏe toàn cầu Barcelona (ISGlobal), được công bố trên Tạp chí Nature Communications, tổng lượng vật chất hạt lơ lửng (PM2,5 và PM10) và nitơ dioxide (NO2) đã giảm ở hầu hết các khu vực ở châu Âu. PM10 có mức giảm hàng năm là 2,72%, PM2.5 có mức giảm hàng năm là 2,45% và NO2 có mức giảm hàng năm là 1,72%. Như vậy, việc thực hiện các quy định nghiêm ngặt về BVMT không khí đã thúc đẩy ngành công nghiệp ô tô phát triển các công nghệ sạch hơn, như xe điện và xe hybrid, góp phần giảm ô nhiễm không khí và phát thải KNK [2].

    Nhật Bản: Luật Kiểm soát ô nhiễm không khí được ban hành tại Nhật bản vào năm 1968 nhằm thiết lập các tiêu chuẩn chất lượng không khí và giới hạn phát thải cho các chất ô nhiễm từ nguồn công nghiệp. Luật yêu cầu các doanh nghiệp áp dụng công nghệ giảm thiểu ô nhiễm và tuân thủ các quy định nghiêm ngặt. Tiếp theo, đến năm 1993, Luật Môi trường chính thức được ban hành nhằm cung cấp khung pháp lý toàn diện cho việc BVMT ở Nhật Bản, trong đó bao gồm quy định về kiểm soát ô nhiễm không khí từ các nguồn công nghiệp, thúc đẩy phát triển bền vững và bảo vệ sức khỏe cộng đồng. Thêm vào đó, Chính phủ Nhật Bản triển khai các chương trình giám sát và kiểm soát ô nhiễm từ các khu công nghiệp, yêu cầu doanh nghiệp áp dụng công nghệ sạch và tuân thủ các tiêu chuẩn phát thải.

    Nhờ các biện pháp kiểm soát nghiêm ngặt, Nhật Bản đã giảm đáng kể lượng phát thải SO2 và NO2 từ các nguồn công nghiệp, cải thiện chất lượng không khí và giảm tỷ lệ mắc các bệnh liên quan đến ô nhiễm. Các doanh nghiệp Nhật Bản đã đầu tư vào công nghệ sản xuất sạch hơn, nâng cao hiệu quả năng lượng và giảm thiểu ô nhiễm, góp phần bảo vệ môi trường và tăng cường cạnh tranh quốc tế. Các chiến dịch giáo dục và tuyên truyền đã nâng cao nhận thức của người dân và doanh nghiệp về tầm quan trọng của việc BVMT không khí; thúc đẩy sự tham gia tích cực của người dân trong các hoạt động giảm thiểu ô nhiễm không khí [2]...

2. Bài học kinh nghiệm và đề xuất giải pháp cho Việt Nam kiểm soát chất lượng không khí

    Tại Việt Nam, chất lượng môi không khí đang là mối quan tâm lớn do mức độ ô nhiễm ngày càng gia tăng, đặc biệt tại các đô thị lớn như Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh. Các nguồn gây ô nhiễm chính bao gồm giao thông vận tải, công nghiệp, xây dựng và hoạt động nông nghiệp như đốt rơm rạ. Ô nhiễm không khí là mối đe dọa lớn đối với môi trường, xã hội và sức khỏe con người. Trong những năm gần đây, tình trạng môi trường không khí bị ô nhiễm ở các khu đô thị lớn ở nước ta đang ngày càng trở nên nghiêm trọng. Các nguồn gây ô nhiễm môi trường không khí chủ yếu là do tình trạng phát triển công nghiệp tạo sức ép lên môi trường. Theo Báo cáo tình hình thành lập và phát triển khu công nghiệp (KCN), khu kinh tế năm 2020 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, giai đoạn 2016 - 2020 sản xuất công nghiệp chiếm hơn 30% GDP quốc gia, liên tục tăng trưởng với tốc độ bình quân 8,2% năm. Tính đến cuối năm 2020 trên phạm vi toàn quốc có 369 KCN, với tổng diện tích chiếm khoảng 114 nghìn ha, trong đó có 284 KCN đã đi vào hoạt động, tăng 72 KCN so với năm 2015; Có 698 cụm công nghiệp (CCN) đã đi vào hoạt động với tổng diện tích chiếm khoảng 22 nghìn ha.

    Đối với CCN, vẫn còn khoảng 60% số CCN đang hoạt động chưa lập báo cáo đánh giá tác động môi trường, đồng nghĩa với việc các CCN này vẫn chưa có các biện pháp BVMT, đặt ra nhiều thách thức trong công tác BVMT trong thời gian tới.

    Cùng với đó, việc phát triển làng nghề cũng gây ô nhiễm môi trường không khí. Theo báo cáo công tác BVMT năm 2020 của Bộ NN&PTNT, cả nước hiện có 4.575 làng nghề, trong đó có 1.951 làng nghề được công nhận. Có tới 47 làng nghề bị ô nhiễm môi trường rất nghiêm trọng, trong đó ở miền Bắc có 34 làng nghề, miền trung có 11 làng nghề và miền Nam có 2 làng nghề bị ÔNMT nghiêm trọng.

    Ngoài ra, hoạt động của ngành giao thông vận tải cũng gây ô nhiễm môi trường không khí ở khu vực đô thị. Đến cuối năm 2020 toàn quốc có tới 4.180.478 xe ô tô các loại và hơn 30 triệu xe mô tô, xe máy đang lưu hành. Công tác kiểm soát nguồn thải ô nhiễm từ GTVT còn rất hạn chế. Cho đến nay chỉ mới kiểm định khí thải đối với 1.736.188 xe ôtô động cơ xăng và 1.749.387 xe ôtô động cơ diesel đang lưu hành.

    Các nguồn phát thải khác như phát triển xây dựng hay đốt rơm rạ ở nhiều địa phương vào thời vụ thu hoạch nông nghiệp làm chất lượng không khí tại một số địa phương có xu hướng suy giảm, diễn ra phổ biến trong giai đoạn thu hoạch lúa… [4]

    Trước thực trạng trên, để tăng cường kiểm soát môi trường không khí, chính sách quản lý ÔNMTKT tại Việt Nam ngày càng được hoàn thiện, sát với hoạt động thực tiễn, việc tổ chức thực thi ngày càng hiệu quả hơn. Có thể kể đến một số chính sách như: Quy định BVMT không khí của Luật  BVMT năm 2020 và Nghị định hướng dẫn thi hành Luật; Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý chất lượng không khí đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025 của Thủ tướng Chính phủ; Quy hoạch mạng lưới quan trắc tài nguyên và môi trường quốc gia giai đoạn 2016 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030; Quyết định 985a/QĐ-TTg ngày 01/6/2016 về  Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý chất lượng không khí đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025; Quyết định 1973/QĐ-TTg năm 2021 về Kế hoạch quốc gia về quản lý chất lượng môi trường không khí giai đoạn 2021 - 2025… [1,3]

    Cùng với việc triển khai các quy định pháp luật về BVMT không khí, các hoạt động về công bố thông tin, khuyến cáo về ô nhiễm môi trường không khí được đẩy mạnh, cụ thể là: Tăng cường đầu tư cho hoạt động quan trắc môi trường không khí tại các đô thị lớn và các thông tin cảnh báo chất lượng không khí tới người dân, cộng đồng. 

    Tuy nhiên, công tác quản lý chất lượng không khí vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như: Thực trạng ô nhiễm không khí tại một số thành phố lớn vẫn tiếp tục diễn ra, tại một số thời điểm, một số khu vực ở mức xấu, gây ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng. Để cải thiện công tác kiểm soát chất lượng không khí tại Việt Nam, cần rút ra các bài học từ kinh nghiệm quốc tế và đề xuất các giải pháp phù hợp với điều kiện trong nước, cụ thể:

    Thứ nhất, thực thi nghiêm ngặt các quy định pháp luật về BVMT không khí. Các quốc gia như Nhật Bản và châu Âu đã thành công trong việc giảm thiểu ô nhiễm nhờ xây dựng khung pháp lý chặt chẽ và thực thi nghiêm ngặt. Nhật Bản, chẳng hạn, đã áp dụng các tiêu chuẩn phát thải nghiêm ngặt và công nghệ kiểm soát ô nhiễm hiện đại.

    Thứ hai, tăng cường lắp đặt hệ thống quan trắc tự động trên toàn quốc để giám sát chặt chẽ các chỉ số ô nhiễm không khí và đưa ra cảnh báo sớm. Châu Âu và Mỹ đã thiết lập hệ thống quan trắc không khí tự động và có độ phủ rộng để giám sát chất lượng không khí theo thời gian thực. Điều này giúp đưa ra phản ứng kịp thời và điều chỉnh chính sách dựa trên dữ liệu.

    Thứ ba, đầu tư, khuyến khích sử dụng công nghệ sạch và năng lượng tái tạo đã giúp giảm thiểu phát thải ô nhiễm từ các ngành công nghiệp và giao thông vận tải…

    Thứ tư, nâng cao nhận thức cộng đồng. Ở nhiều nước, các chiến dịch giáo dục công cộng đã nâng cao nhận thức về ô nhiễm không khí và thúc đẩy sự tham gia của người dân vào các hoạt động BVMT không khí.

3. Kết luận

    Từ kinh nghiệm quốc tế trong việc quản lý chất lượng không khí, Việt Nam cần học hỏi để xây dựng các chính sách hiệu quả và phù hợp với điều kiện trong nước. Các quốc gia như Nhật Bản, châu Âu và Mỹ đã thành công trong việc áp dụng các quy định phát thải nghiêm ngặt, hệ thống quan trắc tự động, và công nghệ sản xuất sạch hơn để kiểm soát ô nhiễm. Để cải thiện chất lượng không khí, Việt Nam cần hoàn thiện khung pháp lý, đầu tư vào hệ thống quan trắc, khuyến khích sử dụng công nghệ sạch, nâng cao nhận thức cộng đồng và tăng cường hợp tác quốc tế. Việc triển khai lộ trình thực hiện ngắn hạn, trung hạn và dài hạn sẽ giúp đảm bảo phát triển bền vững và BVMT sống.

Phạm Thị Hồng Phương

Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội

Châu Loan

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Luật Bảo vệ môi trường năm 2020.

2. Environmental Protection Agency (EPA). (n.d.). Clean Air Act Overview. Retrieved November 4, 2024, from https://www.epa.gov/sites/default/files/2020-05/documents/050820_vietnamese_pdf_peg_vi.pdf.

3. CEM | Kế hoạch quốc gia về quản lý chất lượng môi trường không khí giai đoạn 2021 - 2025.

4. Báo cáo Hiện trạng môi trường giai đoạn 2016-2020, Bộ TN&MT.

5. Báo cáo WHO, 2020.

Ý kiến của bạn