Banner trang chủ
Thứ Ba, ngày 19/11/2024

Cần có hành động khẩn cấp để bảo tồn các loài cá nước ngọt

05/04/2021

     Sông, hồ và đất ngập nước là một trong những nơi có tínhđa dạng sinh học cao trênTrái đất. Chúng bao phủ chưa đến 1% tổng bề mặt hành tinh nhưng lạingôi nhà của gần một phần tư tất cả các loài động vật có xương sống - bao gồmhơn một nửa số loài cá trên thế giới. Trong số 35.768 loài cá đã biết trên thế giới, thì có 18.075 (chiếm 51%) sống ởnước ngọt, riêng sông Mekong đã có 1.148 loài và có tới 4 trong tổng số 10 loài cá nước ngọt khổng lồ. Sự trù phú của các loài cá là điều thiết yếu đối với sự khỏe mạnh của các con sông, hồ và các vùng đất ngập nước - hỗ trợ các xã hội và nền kinh tế trên toàn cầu.

Các loài cá nước ngọt đang bị đe dọa bởi nạn khai thác quá mức

    Thủy sản nước ngọt là nguồn cung cấp dinh dưỡng chính cho 200 triệu người khắp châu Á, châu Phi và châu Mỹ La tinh, cũng như tạo công ăn việc làm cho hơn 60 triệu người. Tại Việt Nam, cá là một trong những nguồn dinh dưỡng động vật phổ biến, cung cấp 30-35% lượng dinh dưỡng cho người dân. Số lượng cá khỏe mạnh cũng giúp duy trì hai ngành công nghiệp lớn trên thế giới, đó là các hoạt động giải trí liên quan tới cá tạo ra hơn 100 tỷ đô la Mỹ hàng năm, trong khi đó các loài cá cảnh là một trong những vật nuôi phổ biến nhất thế giới, có giá trị thương mại trị giá 30 tỷ đô la Mỹ.

     Tuy nhiên, sự suy giảm đa dạng sinh học nước ngọt đang xảy ra với tốc độ nhanh gấp 2 lần so với suy giảm đa dạng sinh học biển và rừng. Hiện có 80 loài cá nước ngọt được liệt vào danh sách “Tuyệt chủng” trong sách Đỏ của IUCN, chỉ riêng trong năm 2020 đã có 16 loài. Ca tra dầu và cá hô khổng lồ sông Mekong – hai loài cá biểu trưng của con sông - cũng đang bị đe dọa nghiêm trọng. Trong khi đó, quần thể các loài cá nước ngọt di cư đã suy giảm 76% kể từ năm 1970 và các loài cá lớn suy giảm 94%.Đây là những số liệu mới được đưa ra trong Báo cáo Những loài cá bị lãng quên trên thế giới do WWF công bố. Công trình tổng hợp lại những nghiên cứu phạm vi toàn cầu của 16 tổ chức uy tín trong lĩnh vực bảo tồn thiên nhiên, bao gồm Tổ chức bảo tồn quốc tế (CI), Quỹ Bảo tồn thiên nhiên thế giới (WWF), Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN)… 

     Báo cáo nhấn mạnh những mối đe dọa tàn khốc mà các hệ sinh thái nước ngọt - ngôi nhà các loài cá - đang phải đối mặt bao gồm phá hủy sinh cảnh, xây dựng đập thủy điện trên các dòng chảy của sông, khai thác nước quá mức cho tưới tiêu, ô nhiễm do công nghiệp và nông nghiệp gây ra. Thêm vào đó, cá nước ngọt cũng bị đe dọa bởi khai thác quá mức, mang tính hủy diệt, sự xâm lấn của các loài ngoại sinh và tác động của biến đổi khí hậu, cũng như khai thác cát không bền vững (hoạt động có thể dẫn tới thay đổi sinh quyển và trữ lượng cá) và buôn bán trái phép.

    Trên thế giới, một số ví dụ điển hình cho thấy,sản lượng loài cá cháy của sông Hằng, phần thượng nguồn Farakka, suy giảm đột ngột từ 19 tấn xuống còn 1 tấn một năm chỉ ngay sau khi đập Farakka được xây dựng vào những năm 1970;Hoạt động bắt cá tầm để lấy trứng đã khiến cho loài này nằm trong số những loài bị đe dọa nghiêm trọng nhất thế giới; trong khi đó cá trình, được xếp loại cực kỳ nguy cấp tại châu Âu, là loài bị buôn lậu nhiều nhất; Hạn ngạch đánh bắt cá quá cao ở sông Amur, Nga, đã góp phần khiến quần thể loài cá hồi lớn nhất nước này bị sụt giảm nghiêm trọng và mùa hè năm 2019 đã không tìm thấy cá hồi con tại các khu vực sinh sản của chúng.

     Để bảo vệ các loài thủy sản nước ngọt, Báo cáo đưa ra các điểm ưu tiên với những giải pháp bắt nguồn từ tiến bộ khoa học và đã được áp dụng thành công ở một số khu vực nhưkhôi phục dòng chảy trên các dòng sông;kiểm soát ô nhiễm bảo đảm xử lý hơn 20% nước thải trước khi xả ra thiên nhiên; bảo vệ các sinh cảnh đất ngập nước quan trọng; chấm dứt nạn đánh bắt cá quá mức và khai thác cát không bền vững ở sông hồ; kiểm soát các loài ngoại lai xâm hại;không xây dựng các đập thủy điện trên những con sông có dòng chảy tự nhiên còn lại trên thế giới, đồng thời bảo vệ và khôi phục sự kết nối giữa các dòng sông thông qua cải tiến quy hoạch đập và các cơ sở hạ tầng khác; hợp tác với cộng đồng địa phương để mở rộng và củng cố các khu vực bảo tồn.

     Hơn nữa, thế giới cần nắm bắt cơ hội để đưa ra một bản Thỏa thuận đầy triển vọng và khả thi về đa dạng sinh học toàn cầu tại Hội nghị Công ước Liên hiệp quốc về Đa dạng Sinh học ở Côn Minh, Trung Quốc, khi lần đầu tiên việc bảo vệ và khôi phục hệ thống hỗ trợ sự sống vùng nước ngọt như rừng và đại dương được quan tâm. Một bản Thỏa thuận mới cho hệ sinh thái nước ngọt sẽ mang lại sự sống cho các con sông, hồ và vùng ngập nước đang chết dần. Bản Thỏa thuận mới cũng sẽ cứu các loài thủy sản nước ngọt đang trên bờ vực tuyệt chủng, đảm bảo nguồn lương thực và công ăn việc làm cho hàng triệu người, bảo tồn các biểu tượng văn hóa, thúc đẩy đa dạng sinh học và cải thiện sức khỏe của các hệ sinh thái nước ngọt với vai trò là nền tảng cho sự thịnh vượng và phúc lợi của nhân loại.

Ngư dân quăng lưới trên sông Luangwa Zambia

     Tương tự với thực tiễn trên toàn cầu, Việt Nam cần công nhận giá trị của thủy sản nước ngọt và đánh bắt thủy sản nước ngọt, đồng thời cam kết thực hiện các mục tiêu, giải pháp mới, cũng như ưu tiên những hệ sinh thái nước ngọt cần được bảo vệ, phục hồi. Ngoài ra, Chính phủ, doanh nghiệp, nhà đầu tư, các tổ chức xã hội dân sự và cộng đồng cần có sự hợp tác và đổi mới trong các hoạt động liên quan đến việc bảo vệ thủy sản nước ngọt.Việt Nam cần đóng vai trò then chốt trong việc đẩy lùi sự suy giảm đa dạng sinh học nước ngọt bằng cách giải quyết các mối đe dọa như thủy điện và đê điều khiến các sinh cảnh bị phân mảnh… Việc giảm nhẹ tác động của những vấn nạn trên sẽ tạo ra nhiều lợi ích xã hội kinh tế, từ an ninh lương thực đến kinh doanh bền vững và khả năng chống chịu thiên tai. Với nhiều giải pháp được đưa ra, năm 2021 là một năm được kỳ vọng sẽ lật ngược tình thế, hồi phục quần thể cá nước ngọt đã bị suy giảm trong nhiều thập kỷ qua và cải thiện sức khỏe của các sông, hồ, vùng đất ngập nước.

Nguyễn Hằng

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 3/2021)

Ý kiến của bạn