29/03/2018
Theo Viện Theo dõi môi trường Thế giới (Worldwatch), hơn 30 triệu tấn nhựa được sản xuất mỗi năm, trong số đó, chỉ có 14% được tái chế. Các máy tái chế hiện tại không thể tách riêng nhựa thành dạng tái sử dụng, vì vậy chất thải nhựa thường được ép thành kiện và được gửi đến Trung Quốc, tại đây, nhựa tái chế được lấy và tái sử dụng bằng tay. Để hạn chế những tác động xấu đến môi trường và sức khỏe con người do phế thải nhựa, Chính phủ Trung Quốc đã ban hành lệnh cấm nhập khẩu rác thải nhựa vào tháng 7/2017, có hiệu lực chính thức từ tháng 1/2018.
Lệnh cấm nhập khẩu rác thải nhựa của Trung Quốc bao gồm 24 loại chất thải rắn, trong đó có nhựa, giấy vụn, phế liệu dệt may... đồng thời đặt ra các giới hạn mới về mức độ tạp chất trong các loại rác tái chế khác.
Trung Quốc cấm nhập khẩu rác thải nhựa nhằm cải thiện môi trường và bảo vệ sức khỏe người dân
Trước đó, Trung Quốc đã chế biến ít nhất một nửa số lượng giấy, kim loại và nhựa đã qua sử dụng được xuất khẩu trên thế giới (Trong năm 2016 vừa qua, Trung Quốc đã tiếp nhận tới hơn 51% lượng phế thải nhựa nhập khẩu trên toàn cầu.) Không chỉ có Mỹ, châu Âu, những nước Châu Á, như Hồng Kông, Nhật Bản, và nhiều quốc gia khác, cũng vận chuyển các phế thải nhựa của họ sang Trung Quốc. Do vậy, việc cấm nhập khẩu vào quốc gia này cũng đồng nghĩa với việc có thể phải chuyển chất thải sang các nước láng giềng. Song, ngành công nghiệp xử lý tại các nước này còn kém phát triển nên dẫn đến một ngành tái chế không chính thức, gây ra thiệt hại đáng kể cho môi trường và xã hội. Mặt khác, nhằm giải quyết lượng rác thải tồn đọng, các quốc gia xuất khẩu rác thải nhựa phải chuyển sang giải pháp tạm thời là chôn lấp và thiêu đốt, gây lãng phí nguồn tài nguyên, đồng thời làm ô nhiễm không khí và đất đai. Do vậy, lệnh cấm của Trung Quốc đã tạo ra áp lực lớn cho ngành xử lý rác thải nhựa trên trên phạm vi toàn cầu.
Tuy nhiên, chính sách mới này của Trung Quốc cũng có thể coi là cơ hội tốt cho các nước, như tại Anh, việc không xuất khẩu phế thải nhựa giúp thúc đẩy tạo ra cơ sở hạ tầng nhập khẩu và tái chế nhựa của Anh. Điều này có thể giúp nền kinh tế của Anh tăng trưởng hơn nữa.
Bên cạnh đó, Chính phủ các nước xuất khẩu rác thải cũng đang phải xem xét đến các giải pháp bền vững hơn, trong đó tập trung vào các chính sách công nghiệp xanh, tạo đà cắt giảm chất thải nhựa tại nguồn, hạn chế tối đa phát thải phế liệu này. Đồng thời, các vật liệu có khả năng phân hủy sinh học, thân thiện với môi trường được khuyến khích sử dụng, thay thế cho vật liệu bằng nhựa.
Trung Thảo (Theo UN Environment)
Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường, số 3/2018