14/06/2017
Trung Quốc là một nền kinh tế mạnh nhất thế giới, nhưng cũng là nước có lượng xả thải các bon lớn thứ hai toàn cầu (sau Mỹ). Môi trường không khí ở nhiều TP lớn của Trung Quốc bị ô nhiễm nghiêm trọng, chủ yếu là do sự phát triển của các nhà máy nhiệt điện. Trước tình hình đó, Chính phủ Trung Quốc đã nỗ lực triển khai các giải pháp để giảm phát thải, bảo vệ sức khỏe người dân. Hiện nay, Trung Quốc đang đi đầu trong việc phát triển năng lượng xanh, trở thành cường quốc số một thế giới trong lĩnh vực này.
Hệ thống năng lượng mặt trời ở Hami, thuộc khu tự trị Tân Cương (Trung Quốc) |
Chính sách đột phá
Từ chỗ phụ thuộc vào nguồn nhiên liệu hóa thạch (than, dầu mỏ, khí đốt…), đến nay, Trung Quốc đã từng bước đa dạng hóa nguồn cung cấp điện năng thông qua việc phát triển năng lượng tái tạo (NLTT). Để phát triển NLTT và hạn chế sử dụng năng lượng hóa thạch, Trung Quốc đã ban hành Luật NLTT vào năm 2006, đặt nền móng cho cuộc cách mạng phát triển năng lượng sạch. Sau đó, nhiều chính sách và kế hoạch ở cấp quốc gia và địa phương đã được ban hành nhằm đẩy mạnh phát triển NLTT. Trong Kế hoạch 5 năm lần thứ XII (2011 - 2015) và 5 năm lần thứ XIII (2016 - 2020) của Trung Quốc cũng đã nêu rõ quan điểm, phải ưu tiên phát triển năng lượng xanh và BVMT, đảm bảo thực hiện các cam kết quốc tế về giảm phát thải các bon và thay đổi cấu trúc thị trường than. Song song với đó, Trung Quốc còn ban hành một số quy định, tiêu chuẩn đối với các sản phẩm NLTT, điều chỉnh giá điện từ nguồn NLTT và hủy bỏ kế hoạch triển khai 104 dự án nhà máy nhiệt điện đốt than ở 13 tỉnh, TP.
Bên cạnh việc thúc đẩy các chính sách phát triển NLTT, Trung Quốc còn tập trung đầu tư phát triển các công nghệ, sản phẩm NLTT và nhanh chóng trở thành nhà sản xuất các sản phẩm NLTT hàng đầu thế giới. Theo Báo cáo của Chương trình Môi trường Liên hợp quốc về NLTT, trong năm 2015, Trung Quốc đã đầu tư khoảng 103 tỷ USD vào lĩnh vực NLTT, nhiều hơn Mỹ là 44,1 tỷ USD, tương đương 36% toàn thế giới. Trong Kế hoạch 5 năm lần thứ XIII (2016 - 2020), Trung Quốc sẽ đầu tư hơn 360 tỷ USD vào NLTT. Không chỉ gia tăng đầu tư trong nước, Trung Quốc còn đẩy mạnh đầu tư ra nước ngoài. Hiện nay, Trung Quốc đang trở thành quốc gia đứng đầu thế giới trong đầu tư, sản xuất, khai thác và sử dụng NLTT, đặc biệt là năng lượng gió, năng lượng mặt trời và năng lượng sinh khối.
Tận dụng lợi thế để phát triển bền vững
Là đất nước có nguồn tài nguyên gió lớn nhất thế giới và 3/4 nguồn tài nguyên thiên nhiên này nằm trên biển, Chính phủ Trung Quốc đã xác định năng lượng gió là một thành phần quan trọng trong nền kinh tế của đất nước và tập trung đầu tư phát triển nguồn năng lượng này. Với định hướng rõ ràng, Trung Quốc đã đầu tư phát triển năng lượng gió, đóng góp đáng kể cho lưới điện quốc gia và tạo thêm công ăn việc làm cho đông đảo người lao động trong nước. Đồng thời, Chính phủ Trung Quốc cũng khuyến khích các công ty nước ngoài đầu tư sản xuất điện gió tại Trung Quốc. Trong 5 năm trở lại đây, lượng năng lượng gió sản xuất tại Trung Quốc mỗi năm đều tăng gấp đôi. Vào cuối năm 2008, điện gió ở Trung Quốc chiếm 12,2 GW (1GW = 1.000 MW) công suất phát điện và đến năm 2009, Trung Quốc đã vượt qua Mỹ để trở thành thị trường năng lượng gió lớn nhất thế giới, với công suất lên đến 26 GW. Trong năm 2015, điện gió đã cung cấp 33 GW cho Trung Quốc, gấp 3 lần công suất năng lượng sạch tại Pháp. Với nhiều doanh nghiệp sản xuất tuabin gió hàng đầu thế giới, Trung Quốc đang “nuôi tham vọng” tăng công suất điện gió lên 150 GW vào năm 2020 (gần tương đương với tổng công suất điện gió của cả thế giới). Tại các tỉnh, TP như Nội Mông, Hà Bắc, Bắc Kinh, Cam Túc…, hàng loạt các trang trại điện gió có quy mô lớn được xây dựng trong thời gian gần đây.
Nhiều địa phương của Trung Quốc hướng tới phát triển năng lượng xanh |
Bên cạnh việc phát triển năng lượng gió, Trung Quốc cũng rất chú trọng đến năng lượng mặt trời, xem đây là loại năng lượng quan trọng, cung cấp nguồn điện lớn cho đất nước. Trung Quốc đã tập trung phát triển năng lượng mặt trời theo mô hình phát điện quy mô nhỏ, nằm gần hoặc ngay tại điểm tiêu thụ điện năng, song song với việc xây dựng các nhà máy quang điện lớn tại các địa phương có tiềm năng phát triển điện mặt trời. Để khuyến khích đầu tư, các dự án điện mặt trời sẽ được ưu đãi thuế, giảm lãi suất các khoản vay tín dụng... Với những ưu đãi đó, năm 2013, Trung Quốc đã có hơn 400 công ty quang điện trên khắp đất nước, tạo ra nguồn lực lớn để khai thác và phát triển điện mặt trời, nhằm giảm phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính. Năm 2015, Trung Quốc trở thành một trong những nước sản xuất điện quang lớn nhất thế giới, với công suất đạt 43 GW và đến năm 2016, công suất tăng lên 77 GW, cho phép tạo ra 66,2 tỷ KWh điện. Trong đó, các tỉnh Sơn Đông, Tân Cương, Hà Nam là những địa phương có các dự án năng lượng mặt trời lớn nhất cả nước.
Ngoài ra, một loại hình năng lượng sạch được Chính phủ Trung Quốc quan tâm phát triển là năng lượng sinh khối thông qua việc tận dụng chất thải từ chăn nuôi, nông nghiệp và lâm nghiệp, chất thải rắn ở đô thị. Để tạo điều kiện cho năng lượng sinh khối phát triển, Trung Quốc đã đưa ra những cơ chế, chính sách ưu đãi riêng nhằm khuyến khích phát triển và ứng dụng công nghệ sản xuất nhiên liệu sinh khối. Theo Cục Quản lý Năng lượng Trung Quốc, mỗi năm, Trung Quốc sản xuất năng lượng sinh khối tương đương khoảng 460 triệu tấn than, chủ yếu là khí sinh học, năng lượng sinh khối và nhiệt sinh khối. Trong thời gian tới, Trung Quốc sẽ xây dựng hơn 300 nhà máy sử dụng chất thải sinh hoạt để phát điện, phấn đấu đạt mục tiêu sử dụng năng lượng sinh khối tương đương 58 triệu tấn than vào năm 2020
Nhờ những chính sách hiệu quả và hướng đi hợp lý, ngành năng lượng sạch của Trung Quốc đang phát triển mạnh mẽ, đóng góp đáng kể vào sản lượng điện quốc gia, đưa ngành năng lượng phát triển theo hướng bền vững, giảm thiểu ô nhiễm và ứng phó với biến đổi khí hậu.
Thanh Giang
(Theo Cleantechnical)
Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 5/2017