28/05/2015
Trong nhiều thập kỷ qua, Trung Quốc đã phải gánh chịu vấn đề ô nhiễm nặng nề. Nhiều thành phố lớn bị bao trùm bởi khói bụi dày đặc và 1/2 nguồn nước ngầm bị ô nhiễm. Vào năm ngoái, một cuộc nghiên cứu do Hội đồng bảo vệ nguồn tài nguyên thiên nhiên tiến hành đã chỉ ra rằng vào năm 2012, vấn đề ô nhiễm bắt nguồn từ công nghiệp than đá đã làm thiệt mạng 670.000 người tại Trung Quốc.
Chính phủ dự định sẽ đóng cửa nhà máy điện chạy than đá cuối cùng ở Bắc Kinh và thay thế bằng nhà máy điện chạy khí gas vào năm 2016, nhằm giảm mức độ ô nhiễm nghiêm trọng tại thành phố này. Việc đóng cửa tất cả những nhà máy bằng than đá lớn sẽ góp phần giảm lượng tiêu thụ than đá hàng năm là 9.2 triệu tấn. Nhờ đó, lượng khí thải CO2 sẽ được giảm khoảng 30 triệu tấn. Mục tiêu của Trung Quốc là sử dụng nguồn năng lượng không hóa thạch tới 15% vào năm 2020 và 20% vào năm 2030.
Nhà máy nhiệt điện của tỉnh Thiên Tân, Trung Quốc
Mức độ ô nhiễm không khí tại Trung Quốc đã tăng gấp 2 lần so với tiêu chuẩn quốc gia vào năm 2014, với chỉ số ô nhiễm môi trường vượt quá giới hạn 90% trong số trên 161 thành phố tại Trung Quốc. Chuyên gia phân tích Thiên Miêu tại Công ty TNHH Blue Oak chi nhánh phía Bắc Trung Quốc chia sẻ: “Phần lớn các chất ô nhiễm bắt nguồn từ việc đốt than đá, vì vậy việc đóng cửa các nhà máy điện sẽ có tác đông rõ rệt trong việc giảm khí thải ô nhiễm”. Sự thay thế bằng khí gas tự nhiên sẽ làm giảm mức độ ô nhiễm, mặc dù cách thức này yêu cầu việc đầu tư chi phí lớn hơn”.
Ngoài ra, chính quyền Trung Quốc cũng đề ra kế hoạch nhằm giảm sự ô nhiễm môi trường thông qua những biện pháp khác, bao gồm việc đóng cửa các doanh nghiệp gây ra ô nhiễm không khí và cắt giảm việc sản xuất xi măng.
Hoàng Dương