Banner trang chủ
Thứ Ba, ngày 19/11/2024

Trình trạng ô nhiễm đe dọa thế giới

21/07/2015

     Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cảnh báo mối đe dọa từ ô nhiễm không khí lớn hơn nhiều so với Báo cáo trước đó, đồng thời kêu gọi thế giới hành động để nhanh chóng giảm bớt "một trong những mối nguy hiểm nhất" đối với sức khỏe con người. Cảnh báo trên lần đầu được đưa ra tại Hội nghị của Liên minh Khí hậu & Không khí sạch (CCAC) thuộc Chương trình Môi trường Liên Hợp quốc (UNEP) tổ chức tại Pari, Pháp vào năm 2013.

     Các nhà môi trường cho biết ô nhiễm không khí trong nhà đã trở thành nhân tố rủi ro hàng đầu cho “gánh nặng bệnh tật” ở Nam Á, thứ hai là ở khu vực Đông, Trung và Tây Phi, thứ ba ở Đông Nam Á.

     Theo Giám đốc Phụ trách Sức khỏe & Môi trường thuộc WHO Maria Neira, ước tính có khoảng 3,5 triệu người chết mỗi năm do ô nhiễm không khí trong nhà và 3,3 triệu người chết do ô nhiễm không khí ngoài trời. Tình trạng ô nhiễm không khí đã trở thành một trong những mối đe dọa sức khỏe lớn nhất mà con người phải đối mặt vào thời điểm hiện tại.

 

 

     CCAC nhấn mạnh, các chất gây ô nhiễm khí hậu là kẻ thù cho sức khỏe con người, đồng thời là nguyên nhân gây mất mùa và biến đổi khí hậu. Các khí này sinh ra từ động cơ diesel, khói và muội từ các loại bếp lò hoặc rò rỉ từ các cơ sở sản xuất dầu khí và chất thải rắn.

     Bên cạnh đó, ô nhiễm nguồn nước cũng ảnh hưởng không nhỏ đến cộng đồng thế giới. Nhiều quốc gia, kể cả một số nước thuộc vùng nhiệt đới, thiếu nước sạch cho sản xuất và sinh hoạt. Kinh tế, đời sống và xã hội phát triển thì nhu cầu về nước càng nhiều. Trong khi, nguồn nước bị ô nhiễm ngày càng nhiều. Sự biến đổi khí hậu toàn cầu làm đảo lộn  việc "phân phối" nguồn nước tự nhiên. 

     Theo Viện nước Quốc tế Xtốc-khôm (SIWI), tình trạng ô nhiễm nguồn nước đang gia tăng ở mọi nơi trên Trái Đất, với trung bình mỗi ngày khoảng 2 triệu tấn chất thải sinh hoạt bị đổ ra sông, hồ và biển. Nghiêm trọng nhất là tại các nước đang phát triển, có đến 70% lượng chất thải công nghiệp không qua xử lý bị trực tiếp đổ vào các nguồn nước, khiến nguồn nước  cho sinh hoạt con người bị ô nhiễm nghiêm trọng. 

     Tại một số nước, có tới một nửa số bệnh nhân phải vào điều trị tại bệnh viện là do không được tiếp cận những điều kiện vệ sinh phù hợp vì thiếu nước và các bệnh liên quan đến nước. Thiếu vệ sinh và thiếu nước sạch là nguyên nhân gây tử vong cho hơn 1,6 triệu trẻ em mỗi năm.

     Nghiên cứu của Tổ chức Nông lương Liên Hợp quốc (FAO) cho biết, đã có 50 nước trên thế giới sử dụng nước thải qua xử lý để phục vụ sản xuất nông nghiệp, vì nó vừa giải quyết được nạn ô nhiễm ở các đô thị, vừa giúp nông dân tránh được chi phí khai thác nước ngầm, còn nguồn chất hữu cơ có trong nước thải có thể giúp giảm chi phí về phân bón, điển hình là ở Tây Ban Nha và Mêhycô.

     Báo cáo của WB nhấn mạnh, các nguồn nước phục vụ sinh hoạt của con người và sản xuất nông nghiệp đang bị giảm nghiêm trọng. Hiện 1/6 dân thế giới không được tiếp cận nguồn nước sạch và 30% không được tiếp cận các điều kiện vệ sinh cơ bản. Vì vậy, các quốc gia cần thông tin và được thông tin tốt hơn về các nguồn nước ở phạm vi quốc gia và quốc tế để quản lý các nguồn tài nguyên này tốt hơn.

 

Phạm Văn Ngọc

Ý kiến của bạn