10/04/2018
Theo tiêu chuẩn EU, tiếng ồn gây ảnh hưởng đến sức khỏe con người ở trên ngưỡng 55dB đối với phơi nhiễm hàng ngày và 50dB cho tiếp xúc ban đêm. Theo số liệu thống kê của EEA, có khoảng 100 triệu người tại châu Âu bị phơi nhiễm tiếng ồn từ giao thông đường bộ trên 55 dB, trong số đó, có 32 triệu người phải chịu mức độ ồn rất cao (trên 65 dB). Đường sắt là nguồn gây ô nhiễm tiếng ồn thứ 2, với 19 triệu người phải tiếp xúc với cường độ tiếng ồn trên mức cho phép. Tiếng ồn từ máy bay là nguồn gây ô nhiễm thứ 3, với hơn 4.1 triệu người xung quanh các sân bay bị ảnh hưởng; tiếp theo là tiếng ồn công nghiệp trong khu vực đô thị, với khoảng 1 triệu người.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết, tiếng ồn từ giao thông đường bộ là tác nhân gây stress nghiêm trọng lớn thứ hai ở châu Âu, chỉ đứng sau ô nhiễm không khí. Tiếng ồn gây ra phản ứng căng thẳng cho cơ thể người, thậm chí xảy ra ngay cả trong khi ngủ, từ đó dẫn đến các bệnh về tim mạch, suy giảm nhận thức, rối loạn giấc ngủ, cao huyết áp, gây tử vong sớm.
Để giải quyết tình trạng này, năm 2002, Hội đồng Nghị viện châu Âu đã thông quaChỉ thị 2002/49/EC về đánh giá và quản lý tiếng ồn môi trường (END). Đây là công cụ chính của EU để xác định mức độ ô nhiễm tiếng ồn và thúc đẩy các hành động cần thiết ở các nước thành viên và ở cấp độ EU. Mục đích chính của Chỉ thị là để xác định một phương pháp phổ biến nhằm mục đích tránh, ngăn ngừa hoặc làm giảm tác hại của tiếng ồn. END tập trung vào 3 vấn đề chính: Xác định sự phơi nhiễm tiếng ồn; Cung cấp thông tin về tiếng ồn môi trường và những ảnh hưởng của nó cho người dân; Ngăn ngừa, giảm thiểu tiếng ồn khi cần thiết và đảm bảo chất lượng tiếng ồn trong môi trường đạt chuẩn. END áp dụng đối với tiếng ồn mà con người bị phơi nhiễm tại các khu vực xây dựng, các địa điểm công cộng, khu tập trung, khu vực gần trường học, bệnh viện…
Để đạt được những mục tiêu này, các quốc gia thành viên được yêu cầu lập “Bản đồ tiếng ồn” và “Kế hoạch quản lý tiếng ồn” 5 năm/lần cho các khu liên hợp trên 100.000 dân, các con đường chính trên 3 triệu xe/năm, các đường sắt lớn hơn 30.000 đoàn tàu/năm và các sân bay trên 50.000 hành trình/năm. Trong khi xây dựng kế hoạch hành động, các quốc gia thành viên bắt buộc phải tham khảo ý kiến của công chúng.
Trên cơ sở đó, các quốc gia sẽ cùng cập nhật và chia sẻ về các giải pháp khác nhau để giảm thiểu tiếng ồn. Đó có thể là hoạt động kiểm soát tiếng ồn tại nguồn như xây dựng các con đường, đường ray có tiếng ồn thấp, đưa vào sử dụng các dòng máy bay “yên tĩnh”; Cải tiến thiết kế đô thị để giảm sức ép giao thông và hạn chế sự phát triển nhà ở trong khu vực có tiếng ồn cao.
Hồng Điển (Theo EEA)
Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường, số 3/2018