28/03/2018
Một lớp màng siêu mỏng và có khả năng phân hủy sinh học siêu tốt có thể giúp bảo vệ rạn san hô Great Barrier lớn nhất thế giới trước những tác động của môi trường. Đây là kết luận của các nhà khoa học Australia đưa ra trong công trình nghiên cứu công bố ngày 27/3/2018.
Theo đó, các nhà khoa học thuộc Viện Sinh vật biển Australia, phối hợp cùng các chuyên gia hóa học đã thử nghiệm thành công một "lá chắn nắng" làm bằng canxi carbonate và mỏng hơn 50.000 lần so với sợi tóc, có khả năng bảo vệ rạn san hô Great Barrier khỏi các tác động của tình trạng bị tẩy trắng.
Kết quả thử nghiệm đối với 7 loại san hô khác nhau cho thấy, lớp màng bảo vệ này hạn chế mức độ bị tẩy trắng ở hầu hết các loại san hô do có thể giảm tới 30% lượng ánh nắng chiếu tới san hô mà không gây hại tới môi trường sống dưới đại dương.
Giám đốc điều hành Quỹ tài trợ Great Barrier Reef Anna Marsden cho biết, lớp màng này được thiết kế nổi trên bề mặt nước phía trên các rạn san hô chứ không phải đặt trực tiếp lên các rạn san hô, để tạo ra một rào chắn hiệu quả trước ánh nắng Mặt trời. Mặc dù không thể bao phủ toàn bộ rạn san hô rộng lớn 348.000 km2, song lớp màng có thể được lắp đặt ở quy mô nhỏ hơn nhằm bảo vệ san hô ở các khu vực có giá trị cao hoặc nguy cơ cao.
Vũ Hồng