27/10/2017
Ngày 25/10/2017, một nhóm các nhà khoa học thuộc Đại học Manchester của Anh, Đại học Cape Town của Nam Phi và Đại học Sao Paulo của Brazil đã phát hiện ra dấu chân của một loài khủng long ăn thịt khổng lồ tồn tại ở châu Phi cách đây 200 triệu năm.
Ảnh: IE
Loài khủng long mới được phát hiện tại 1 vùng đất của Lesotho có tên gọi "Kayentapus ambrokholohali”, để lại dấu chân 3 ngón với kích thước đo được là 57x50 cm. Ước tính, sinh vật này có thân hình dài khoảng 9 m, gấp 4 lần chiều dài của một con sư tử và nhỏ hơn so với khủng long Tyrannosaurus Rex. Con khủng long mới được phát hiện cũng là loài “mega theropod” (loài khủng long ăn thịt khổng lồ có 2 chân) lớn nhất từng được phát hiện tại châu Phi.
Theo Tiến sĩ Fabien Knoll thuộc Đại học Manchester, phát hiện trên là bằng chứng đầu tiên về một loài động vật ăn thịt khổng lồ ở vùng đất vốn là nơi sinh sống của các loài khủng long ăn thịt có kích thước nhỏ hơn nhiều, cũng như loài khủng long ăn cỏ và ăn tạp.
Hồng Nhung