03/01/2019
Tháng 10/2018 đánh dấu một cột mốc lớn: Kỷ niệm 50 năm ngày ông Lý Quang Diệu, người cha lập quốc và là Thủ tướng đầu tiên, phát động chiến dịch “Giữ sạch Singapo”. Nhân dịp này, nhiều chiến dịch thu gom rác đã được triển khai, tạo sức lan tỏa rộng khắp.
Singapo: Đất nước Xanh và Sạch
Nếu bạn đã từng đi cùng hướng với xe tải gom rác khi nó đang đi chầm chậm trên đường trong buổi thu gom rác hàng ngày ở Singapo, bạn sẽ hiểu vì sao thành phố này được quét dọn không ngừng nghỉ như thế.
Ở những thành phố có khí hậu mát mẻ, thời gian đi gom rác giữa các hộ gia đình lâu hơn một chút, nhưng ở những vùng nhiệt đới khí hậu nóng ẩm, đó lại là nhiệm vụ khẩn cấp, bởi rác sinh hoạt và rác kinh doanh tồn đọng có thể gây nguy hiểm tức thì. "Từ rác thải có thể sinh ra chuột, ruồi và gián. Tất cả chúng đều là vật mang vi khuẩn và mầm bệnh", ông Edward D'Silva, Chủ tịch Hội đồng vệ sinh công cộng cho biết.
Khi đưa ra chính sách Xanh và Sạch, trong đầu Cố Thủ tướng Lý Quang Diệu có mục tiêu cao hơn. "Chúng ta đã xây dựng, chúng ta đã phát triển, nhưng không có chứng nhận thành công nào đặc thù cho bằng đạt được vị thế của chúng ta như là thành phố xanh và sạch nhất ở Nam Á", ông Lý Quang Diệu phát biểu vào năm 1968. Mục tiêu của ông không chỉ đơn giản là làm cho thành phố trở nên đáng sống, sạch sẽ, mà còn tạo ra một nền kinh tế mạnh hơn.
Trong những năm 1970, 1980, Singapo đã phát động nhiều chiến dịch giữ nhà vệ sinh, nhà máy và trạm xe buýt sạch sẽ. Bên cạnh các quảng cáo còn có hoạt động giáo dục công chúng; bài thuyết trình của quan chức y tế; chính quyền kiểm tra cơ sở thường xuyên; sự thi đua để tìm ra văn phòng, cửa hàng, công xưởng, công sở, trường học và xe cộ công cộng nào sạch nhất và bẩn nhất.
Số lượng vụ việc xả rác ở Singapo đã được xử phạt (từ năm 1987 - 2017)
"Những chuẩn mực này sẽ giữ cho người dân có tinh thần cao, tỷ lệ bệnh tật thấp và do đó cũng tạo ra những điều kiện xã hội cần thiết cho tăng trưởng kinh tế trong ngành công nghiệp và du lịch. Điều này sẽ góp phần tạo ra lợi ích chung và cuối cùng đem đến lợi ích riêng cho mọi người", ông Edward D'Silva nhấn mạnh.
Kết quả là, tuổi thọ bình quân của người dân tăng từ 66 đến 83 (tuổi thọ cao thứ ba thế giới). Vào năm 1967, lượng du khách đến thăm là hơn 200.000, nhưng trong quý III năm 2018, con số này đã đạt gần 10 triệu lượt. Đầu tư nước ngoài đã bùng nổ, tăng từ chỉ 93 triệu đô la vào năm 1970 lên 39 tỷ đô la vào năm 2010. Hiện, Singapo là nước đón nhận đầu tư nước ngoài nhiều thứ 5 trên thế giới, với 66 tỷ đô la năm 2017…
Singapo: Thành phố phạt
Các cửa hàng giảm giá, bán đồ lưu niệm ở Singapo thường bán áo phông có in dòng chữ: “Singapo - Thành phố phạt” và ở dưới là những hình phạt mà bạn có thể bị phạt. Chiến dịch “Giữ sạch Singapo” năm 1968 là lần đầu tiên Chính phủ nước này điều chỉnh hành vi của người dân thông qua tiền phạt.
Mỗi năm, hàng chục nghìn giấy phạt được chuyển tới người dân vì tội xả rác bừa bãi. Mức phạt tối thiểu là 300 đô la Singapo, tương đương 217 đô la Mỹ. Việc phạt tiền cũng áp dụng đối với những ai đem sầu riêng lên xe điện hay không dội nước bồn cầu công cộng. Ngoài ra, còn có phạt tiền cho hành vi khạc nhổ. Hút thuốc điện tử cũng đã bị cấm.
Bản thân ông Lý Quang Diệu thường can thiệp bằng cách gửi lời nhắn đến các Bộ trưởng và quan chức khi thấy cái gì đó đặt sai chỗ. Ông tin rằng, mỗi điều nhỏ nhặt đều quan trọng, người dân sẽ “lợi dụng sự lơi lỏng của chính quyền” nếu những vi phạm được bỏ qua.
Phạt tiền có hiệu quả không? Theo ông Liak Teng Lit, Chủ tịch Cơ quan Môi trường Quốc gia Singapo, sự kết hợp của chiến dịch nâng cao nhận thức và các biện pháp trừng phạt đã tạo nên khác biệt. Thành phố đã trở nên sạch hơn. "Singapo không phải là một thành phố sạch, đó là thành phố được làm sạch", ông Liak nói. Singapo không phải sạch là vì người dân sợ bị phạt, mà vì có một đội công nhân môi trường đông đảo. Hiện có 56.000 công nhân quét dọn đăng ký với Cơ quan Môi trường Quốc gia Singapo. Ngoài ra, còn có hàng nghìn công nhân hợp đồng độc lập không đăng ký với chính quyền, phần lớn là những lao động nước ngoài chấp nhận mức tiền công thấp.
Số lượng công nhân môi trường nhiều khiến người dân ngày càng ỷ lại
Với lượng công nhân quét dọn đông đảo, Singapo đã bắt đầu xem việc quét dọn là công việc của người khác. Họ thường xuyên để khay thức ăn lại trên bàn tại các trung tâm ăn uống sau khi ăn xong, bởi vì họ không xem đó là xả rác, hoặc họ cho rằng công việc dọn dẹp bàn ăn là việc của người phục vụ. Ngay cả học sinh cũng không còn tự dọn dẹp những gì mình xả ra nữa bởi vì họ có người dọn dẹp giúp họ làm công việc này. "Chính quyền lau dọn tòa nhà căn hộ ngay sát bên hành lang của bạn hai lần mỗi tuần. Khi bạn có dịch vụ quét dọn hiệu quả và nếu hàng xóm của bạn ăn ở lộn xộn thì bạn không đổ lỗi cho người hàng xóm đó, bạn đổ lỗi cho người quét dọn vì đã không dọn dẹp", ông Liak Teng Lit cho biết. Bởi thế, mỗi năm, đảo quốc sư tử chi ít nhất 120 triệu đô Singapo - một khoản tiền lớn để giữ vệ sinh công cộng.
Thay đổi hành vi của người dân như thế nào? Ở Nhật Bản, Úc hay Anh, không có sẵn lao động giá rẻ để làm công việc quét dọn. Còn ở Singapo, công nhân vệ sinh chủ yếu là người nước ngoài và người lớn tuổi. Khi dân số Singapo tăng lên và giá thuê lao động trở nên đắt đỏ hơn thì việc thuê mướn nhiều người quét dọn như vậy đã vượt quá khả năng. Nếu người dân Singapo có thể xây dựng thói quen không vứt rác bừa bãi thì số tiền tiết kiệm được do không phải trả cho người quét dọn, hàng triệu đô la có thể được chi cho y tế và giáo dục.
Nguyễn Hoàng Ánh
Vụ Quản lý chất thải
(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường, số 12/2018)