29/01/2016
Trước đây, Singapo phải hạn chế dùng nước sạch bởi nước từ các con sông luôn có mùi và bị tắc nghẽn bởi chất thải từ xưởng đóng tàu, các trang trại và nhà vệ sinh đổ trực tiếp vào dòng chảy. Thế nhưng, mọi thứ đã trở nên khác biệt. Đất nước có mật độ dân số cao nhất thế giới đã có chính sách sử dụng nước hoàn toàn mới. Họ tái chế nước thải và thậm chí còn tiến hành tái chế rác thải thực phẩm thành nước sạch.
Rác thải thực phẩm từng là vấn nạn ở Singapo
Rác thải thực phẩm trong khu vực sẽ được tập trung về các cơ sở cho hệ thống tái chế để tạo ra nguồn nước sạch từ đồ ăn thừa. Thông thường, các loại thức ăn bị bỏ đi này sẽ đến các nhà máy xử lý rác hoặc bãi rác. Tuy nhiên, ngay khi hệ thống xử lý chất thải được áp dụng, các cơ sở trên có thể tái chế thực phẩm bằng hệ thống mới.
Hệ thống hoạt động bằng cách sử dụng vi khuẩn để phân hủy thực phẩm thải ra thành nước bùn - một sự kết hợp giữa chất lỏng và chất rắn. Hỗn hợp này sau đó được đưa qua hệ thống lọc và tái chế lại nước thải thành nước sạch rồi bơm trở vào hệ thống. Bên cạnh việc có thể tái chế chất thải thực phẩm ẩm ướt đang bốc mùi hôi, công nghệ trên còn giúp giảm thiểu tần suất xử lý rác thải.
Cơ quan Môi trường Quốc gia Singapo NEA) ngày 18/1/2016 cho biết, thêm nhiều cơ sở buôn bán và kinh doanh thực phẩm đã áp dụng giải pháp xử lý chất thải tại chỗ, giảm lãng phí thực phẩm. Nếu hệ thống chính thức đi vào hoạt động, rác thải thực phẩm trong khu vực sẽ được tập trung về các cơ sở cho hệ thống tái chế để tạo ra nguồn nước sạch từ đồ ăn thừa, giúp Singapo trở nên sạch và xanh hơn.
Hồng Điển