Banner trang chủ
Thứ Ba, ngày 19/11/2024

Sự hồi sinh của những dòng sông nổi tiếng trên thế giới

19/08/2019

      Với nhiều đô thị trên thế giới, những dòng sông, dòng suối đã trở thành linh hồn, là mạch nguồn của sự sống, tuy nhiên quá trình công nghiệp hóa - đô thị hóa đã “bức tử” những dòng sông, dòng suối tự nhiên này. Để hồi sinh những dòng sông, dòng suối đã bị bức tử, chính quyền ở một số quốc gia đã rất nỗ lực thực hiện các biện pháp tổng thể, từ hệ thống pháp luật đến xây dựng hệ thống quản lý, điều phối rác thải, xử lý nước thải tiên tiến. Dưới đây là những mô hình đã thành công ở một số quốc gia.

     Sông Thames,  Anh

     Sông Thames được coi là biểu tượng của nước Anh với nhiều danh lam thắng cảnh cùng địa điểm tham quan hấp dẫn. Dưới lòng sông là một thế giới tràn đầy sự sống với một lượng lớn những loài cá, động vật không xương, cũng như những động vật ăn thịt săn mồi hàng đầu sinh sống. Trong đó có khoảng 670 con hải cẩu tại những bến cảng, 49 con cá voi và 444 con cá heo… Tuy nhiên, đến năm 1957, Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Anh tuyên bố sông Thames đã chết về mặt sinh học. Môi trường nước của sông bị ô nhiễm nặng do nước thải sinh hoạt và công nghiệp chảy trực tiếp xuống sông. Các báo cáo quan trắc ở thời điểm đó cũng cho thấy, nồng độ ôxy trong nước bằng 0, không sinh vật nào có thể sinh sống được. Nguyên nhân ô nhiễm được cho là do các vụ đánh bom trong thời chiến đã phá hủy hệ thống xử lý nước thải. Sau thế chiến, nước Anh trở nên kiệt quệ về tài nguyên, cũng như năng lượng nên không thể phục hồi những mất mát này một cách nhanh chóng.

     Chỉ đến năm 1960, các hệ thống xử lý nước thải mới được cải tạo. Nhiều nhà máy xử lý nước thải bị bom đạn tàn phá được xây dựng lại, dần dần nước thải từ các cống được tách ra khỏi sông. Cũng tại thời điểm đó, Chính phủ cũng thắt chặt quy định liên quan đến môi trường, bao gồm các chế tài xử phạt người vi phạm trong khu vực đô thị, di dời nhà máy, ngành công nghiệp độc hại ra khỏi thành phố (TP), hạn chế ngành rửa phim ảnh truyền thống - tác nhân gây ô nhiễm kim loại nặng ra các con sông. Bên cạnh đó, ý thức người dân được nâng cao, họ tự giác dọn dẹp các chất thải rắn ra khỏi lòng sông và khơi thông dòng chảy. Với những nỗ lực từ các cơ quan chức năng và người dân, các chỉ số đo đạc về mức độ ô nhiễm đã giảm xuống mức an toàn, con sông quay trở lại thành môi trường sống của nhiều loài động vật. Trong 10 năm gần đây, Hiệp hội Động vật học Luân - đôn đã ghi nhận có 2.732 loài động vật sống trên sông Thames, trong đó có khoảng 2.000 cá thể hải cẩu, cá heo, cá voi nhỏ được phát hiện.

 

Sông Thames là địa danh nổi tiếng của thủ đô Luân - đôn

 

     Mặc dù được hồi sinh nhưng sông Thames trong giai đoạn hiện nay lại phải đối mặt với những mối đe dọa mới, đó là nguy cơ tái ô nhiễm do rác thải nhựa. Trong một nghiên cứu năm 2015 của Đại học Luân - đôn, hơn 75% cá sống trên sông Thames có nhựa trong ruột. Những con cá có nhựa trong ruột lại là mồi cho những loài lớn hơn, do đó chất độc lại tiếp tục lan truyền. Để đối phó với vấn nạn rác thải nhựa, chiến dịch làm sạch dòng sông (Cleaner Thames) được triển khai vào tháng 9/2015. Khi đó, dọn rác thải nhựa trên sông Thames là nhiệm vụ khó khăn do có rất nhiều nguồn xả thải. Trong khi đó, túi ni lông và vỏ bọc bao thuốc dù được phân loại, thu gom nhưng vẫn có thể rơi xuống cống do chúng nhẹ, dễ bị gió cuốn đi. Theo số liệu của Công ty cấp thoát nước Thames Water, mỗi năm họ thu được 25.000 tấn rác thải nhựa từ hệ thống lọc trong nhà máy xử lý. Ngoài rác thải nhựa, ô nhiễm tiếng ồn do việc phát triển du lịch trên sông cũng khiến nhiều loài vật bị đe dọa, nhất là những loài nhạy cảm với âm thanh như cá heo, cá voi.

     Tuy nhiên, dù phải đối mặt với không ít vấn đề nhưng sông Thames vẫn đang là một trong những dòng sông trong đô thị sạch nhất thế giới. Người dân có thể thỏa thích vui chơi với những loài vật hoang dã như hải cẩu, cá heo, chim diệc, chim cốc hay chim kịch ngay ở thủ đô. Sông Thames tiếp tục trở thành một địa danh nổi tiếng của thủ đô Luân - đôn cũng như của nước Anh. Theo Báo cáo Du lịch của TP này, mỗi năm chỉ riêng Luân - đôn đã thu hút 31,1 triệu lượt khách du lịch quốc tế, thu về khoảng 15 tỷ bảng Anh (khoảng 450.000 tỷ đồng).

     Sông Hoàng Phố, Trung Quốc

     Sông Hoàng Phố dài 113 km, chảy qua TP Thượng Hải, Trung Quốc. Con sông vừa có giá trị cung cấp nước sinh hoạt cho người dân, vừa đóng góp quan trọng cho ngành du lịch, thông thương hàng hóa, đánh bắt cá, đồng thời tiếp nhận nước thải của TP.

     Theo Báo cáo đánh giá tác động môi trường một số nước châu Á năm 1997 của Liên hợp quốc, con sông này là nơi tiếp nhận khoảng 5,5 triệu m3 nước thải công nghiệp và sinh hoạt, hầu hết chưa qua xử lý (chiếm khoảng 71% lượng nước thải sinh hoạt của cả TP Thượng Hải). Mức độ ô nhiễm đã ở mức báo động, con sông bị "đầu độc" bởi kim loại nặng, chất thải sinh hoạt, màu nước sông biến thành đen sẫm cho đến giữa những năm 90 của thế kỷ XX. Chính quyền TP Thượng Hải đã phải ban hành các tiêu chuẩn, quy định để kiểm soát và đẩy lùi ô nhiễm trên con sông này đoạn chảy qua TP. Thượng Hải quyết tâm xây dựng hệ thống xử lý nước thải riêng biệt, tách được nguồn nước thải sinh hoạt chảy vào sông và quan trọng nhất là ngăn nước thải công nghiệp. Nhờ đó, đến cuối năm 2010, tỷ lệ nước thải được xử lý trước khi đổ vào sông đã lên 30% (trước đó chỉ có 10%).

 

Sông Hoàng Phố là nguồn cấp nước chủ yếu của TP. Thượng Hải

 

     Tuy nhiên, vẫn còn đến 70% lượng nước thải chưa qua xử lý chảy xuống con sông. Sự yếu kém này là do dân số của TP tăng nhanh (xấp xỉ 27 triệu dân tính đến trước năm 2019), lượng nước thải cũng tăng từ 5,5 triệu m3 (năm 1990) lên gần 10 triệu m3 khiến cho hệ thống xử lý nước thải bị quá tải.

     Tuy nhiên, dòng sông này vẫn là một điểm nhấn quan trọng của Thượng Hải. Theo báo cáo du lịch của TP, mỗi năm Thượng Hải đón khoảng 8,7 triệu lượt khách du lịch quốc tế, thu về khoảng 55 tỷ USD/năm, xấp xỉ 14% GDP của cả TP. Bến Thượng Hải cũng là nơi tập trung nhiều trung tâm thương mại, hành chính, tập đoàn lớn của Trung Quốc. 

     Dòng suối Cheonggyecheon, Hàn Quốc

     Là một trong những con suối nổi tiếng ở Hàn Quốc, Cheonggyecheon được mệnh danh là huyết mạch của thủ đô Seoul. Dòng suối Cheonggyecheon dài 5,8 km trong lành tuyệt đẹp chảy qua khu đô thị trung tâm sầm uất với hàng loạt công trình kiến trúc quy mô và hiện đại. Tưởng đã rơi vào quên lãng vì đã bị chôn lấp dưới bê tông gần 50 năm, nhưng ngày 1/10/2005, Cheonggyecheon đã được hồi sinh trở lại.

     Sau cuộc chiến giữa thế kỷ 20, Cheonggyecheon trở thành nạn nhân của các khu ổ chuột hai bên bờ, dòng nước đen ngòm và sặc mùi xú uế. Năm 1958, Cheonggyecheon đã bị san lấp hoàn toàn do chính sách công nghiệp hóa và biến thành một trong những trục đường lớn của Thủ đô. Tháng 7/2003, Đề án phục hồi dòng suối Cheonggyecheon trong một dự án khôi phục và chỉnh trang bộ mặt đô thị lớn nhất lịch sử Hàn Quốc cho TP 600 năm tuổi này. Đây là một Đề án đầy tham vọng vì không chỉ phải gỡ bỏ con đường cao tốc trên cao mà còn phải tái sinh một thủy lộ vốn đã bị san lấp từ lâu.

 

Dòng suối Cheonggyecheon được khôi phục, chảy qua khu đô thị trung tâm sầm uất

với hàng loạt công trình kiến trúc quy mô và hiện đại

 

     Mặc dù gặp phải nhiều sự chống đối và chỉ trích, cuối cùng Đề án cũng hoàn thành sau 3 năm thi công. Khi nước bơm vào và được thử nghiệm vào tháng 7/2005, người ta nhận thấy gió trong khu vực thổi nhanh gấp hai lần, nồng độ bụi lẫn CO2 đều giảm rõ rệt... Con sông xanh thay thế cho con đường cao tốc bê tông hóa đã trở thành chiếc máy điều hòa khổng lồ giúp nhiệt độ vào mùa hè ở khu vực này giảm khoảng 20C so với trước đây.  

     Một số học giả của nước này nhận xét, Cheonggyecheon của thế kỷ 20 là không gian của những giấc mơ hiện đại hóa. Bởi vì, dù chảy trên bề mặt, hay len lỏi sâu dưới lòng đất, dòng suối vẫn dâng tặng con người những giấc mơ của một nguồn sống vô tận. Ngày nay, Cheonggyecheon còn là một không gian văn hóa, nơi diễn ra nhiều chương trình biểu diễn đường phố, thu hút hàng triệu lượt du khách mỗi năm và là niềm tự hào của Hàn Quốc về việc cải tạo và ứng xử với các dòng sông tự nhiên.

     Trong một Đề án có tên Seoul River Masterplan công bố hồi tháng 1/2009, đến năm 2020, tất cả các dòng sông của TP Seoul sẽ được thay đổi theo mô hình giống với Cheonggyecheon. Đây là kế hoạch phát triển tổng hợp bao gồm: Trị thủy, dẫn nước, thấm nước, sinh thái, cảnh quan, văn hóa, kinh tế, được thực hiện trên 59 dòng sông tự nhiên của TP đã chịu tác động lớn của quá trình phát triển đô thị.

 

Trần Thị Thành

Liên hiệp các Hội KH&KT tỉnh Quảng Nam

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường, số 7/2019)

 

 

 

Ý kiến của bạn