Banner trang chủ
Thứ Tư, ngày 20/11/2024

Quyền “được sống” của các dòng sông

05/10/2017

   Sông Hằng (còn gọi là sông Ganga) và Yamuna là 2 con sông thiêng liêng nhất ở Ấn Độ hiện đang bị ô nhiễm nghiêm trọng bởi rác thải công nghiệp và sinh hoạt chưa qua xử lý của các nhà máy, người dân sống trên lưu vực sông (LVS) thải ra mỗi ngày. Trước tình trạng ô nhiễm của 2 con sông trên, mới đây, chính quyền địa phương đã phải công nhận 2 con sông là thực thể sống có tư cách pháp nhân đầy đủ với quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm tương ứng như con người.

Nguồn nước sông Hằng (Ấn Độ) bị ô nhiễm ngày càng nghiêm trọng

   Những con sông “linh thiêng” đang “kêu cứu”

   Sông Hằng là con sông nổi tiếng nhất ở Ấn Độ, dài 2.510 km, bắt nguồn từ dãy núi Hymalaya, chảy theo hướng Đông Nam qua Băng-la-đét vào vịnh Bengal. Sông Hằng có lưu vực rộng 907.000 km², cung cấp 40% lượng nước ngọt cho hơn 1 tỷ dân số của Ấn Độ. Sông Hằng có tầm quan trọng đặc biệt đối với những người theo đạo Hindu (chiếm phần lớn dân số Ấn Độ), được người Hindu rất coi trọng và tôn kính. Tên của con sông được đặt theo tên nữ thần Hindu Ganga và còn được gọi là sông Mẹ, đây là nơi khởi nguồn của nền văn minh Ấn Độ. LVS Hằng là nơi sinh sống của hơn 140 loài cá, 90 loài động vật lưỡng cư và cá heo. Theo tín ngưỡng của đạo Hindu, tắm trên sông Hằng sẽ gột rửa mọi tội lỗi và mỗi năm, hàng triệu tín đồ đạo Hindu hành hương về sông Hằng để tắm rửa nước “thiêng”.

   Sông Yamuna là phụ lưu lớn nhất của sông Hằng, dài 1.376 km, khởi nguồn từ sông băng Yamunotri, trên sườn phía Tây Nam của đỉnh Banderpooch. Đây là nguồn cung cấp nước sinh hoạt cho 57 triệu người dân, trong đó có hơn 20 triệu người sống ở Thủ đô New Delhi. Giống như sông Hằng, Yamuna được tôn kính trong Ấn Độ giáo và tôn thờ như nữ thần Yamuna trong nhiều thiên niên kỷ qua. Đây là hai con sông lớn và có vai trò đặc biệt quan trọng đối với người dân Ấn Độ cả về đời sống và tâm linh.

   Tuy nhiên, hai con sông đang nằm trong top các con sông ô nhiễm nhất thế giới. Ước tính, sông Hằng phải hứng chịu khoảng 2,9 tỷ lít nước thải mỗi ngày, trong đó 1,1 tỷ lít được xử lý bởi các nhà máy, còn lại 1,8 tỷ lít đang thải trực tiếp ra sông. Nước cống từ các TP, khu dân cư dọc 2 bên bờ sông, chất thải công nghiệp, thuốc trừ sâu và chất thải sinh hoạt của người dân đều được thải xuống dòng sông. Ngoài ra, người dân có phong tục hỏa táng thi thể người chết rồi thả trôi sông, rác thải trực tiếp từ các bệnh viện do thiếu lò đốt cũng là nguyên nhân làm gia tăng tình trạng ô nhiễm. Một số nghiên cứu gần đây cho thấy, hiện tại, nước sông ô nhiễm đến mức không thể dùng ăn uống, tắm giặt, cũng như dùng cho sản xuất nông nghiệp. Theo các nghiên cứu, tỷ lệ các kim loại trong nước sông khá cao như thủy ngân, chì, crôm, nickel và asen. Con sông ô nhiễm đã ảnh hưởng lớn đến cuộc sống của 400 triệu người dân sống phụ thuộc vào sông.

   Sông Yamuna, đoạn từ sông băng Yamunotri ở dãy Himalaya đến đập Wazirabad, kéo dài khoảng 400 km thì chất lượng nước sông còn khá tốt, nhưng khi chảy qua Thủ đô New Delhi, nước sông bị ô nhiễm nặng do phải tiếp nhận lượng nước thải lớn từ 15 cống thoát nước của Thủ đô. Đoạn sông trên được ví như là một "mương nước thải khổng lồ”, đen ngòm và tràn ngập rác thải. Các nguồn chính gây ô nhiễm dòng sông gồm chất thải từ các hộ gia đình và cư dân đô thị, phân bón, thuốc diệt cỏ, trừ sâu, chất thải từ hoạt động thương mại, công nghiệp. Qua một số cuộc kiểm tra của cơ quan quản lý môi trường cho thấy, nước sông bị ô nhiễm rất nghiêm trọng, chỉ những sinh vật có khả năng kháng khuẩn mạnh nhất mới có thể tồn tại được. Hầu hết các nhà máy xử lý nước thải được xây dựng ở gần sông đã không hoạt động, khiến cho tình trạng ô nhiễm của sông Yamuna thêm trầm trọng.

   Nỗ lực “giải cứu” dòng sông của Chính phủ Ấn Độ

   Để giải quyết vấn đề ô nhiễm của các dòng sông trên, đặc biệt là sông Hằng, từ năm 2014, Thủ tướng Ấn Độ Narenda Modi đã phát động Chiến dịch "Làm sạch Ấn Độ" trên toàn đất nước và xem đây là nhiệm vụ trọng tâm cần phải giải quyết trong nhiệm kỳ của mình. Ngay sau đó, hàng loạt chính sách về BVMT đã được ban hành, đồng thời, Chính phủ đã cam kết sẽ chi 3 tỷ đô la Mỹ trong vòng 5 năm để “làm sạch” sông Hằng. Cụ thể, Chính phủ đã phê duyệt 20 dự án xây dựng mới các nhà máy xử lý nước thải, nâng cấp những nhà máy xử lý nước thải hiện có và thiết lập hệ thống lưu thông nước thải tại các TP trong LVS Hằng. Chính phủ cũng cam kết sẽ xây dựng hàng nghìn nhà vệ sinh công cộng dọc bờ sông Hằng dài hơn 2.400 km và tăng cường hợp tác quốc tế trong lĩnh vực BVMT. Tuy nhiên, tình trạng ô nhiễm của 2 con sông trên vẫn không suy giảm. Sự thất bại trong việc “làm sạch” các con sông là do công tác quản lý LVS chưa hiệu quả; cán bộ thiếu chuyên môn kỹ thuật; quy hoạch môi trường chưa tốt và nhất là không có sự tham gia của cộng đồng địa phương. Đặc biệt, các chuyên gia môi trường cho rằng, sự chồng chéo trong công tác quản lý, kiểm soát môi trường sông của rất nhiều cơ quan liên quan chính là nguyên nhân dẫn đến việc đầu tư “làm sạch” sông trở nên vô ích. Vì thế, bên cạnh sự nỗ lực của Chính phủ, điều quan trọng là cần phải thay đổi cách thức quản lý sông hiện nay, đồng thời, nâng cao ý thức về BVMT của người dân thì môi trường của các dòng sông mới có hy vọng cải thiện.

Vớt rác trên sông Yamuna

   Các dòng sông là “những thực thể sống”

   Tháng 3/2017, Tòa án Tối cao bang Uttarakhand ở miền Bắc Ấn Độ đã đưa ra quyết định, sông Hằng và Yamuna là “những thực thể sống” có đầy đủ tư cách pháp nhân như con người nhằm bảo vệ 2 con sông “linh thiêng” trước nạn ô nhiễm môi trường. Con sông được trao quyền như một thực thể sống và được pháp luật bảo vệ trước những hành vi gây hại của con người. Theo đó, bất kỳ ai có hành vi gây ô nhiễm sông sẽ bị xử lý với tội danh gây tổn hại cho “người khác”. Ngoài ra, Tòa án cũng đưa ra Chỉ thị thành lập một Ban giám hộ để bảo vệ nguồn nước của 2 con sông. Sông Hằng và Yamuna sẽ được xem như trẻ vị thành niên, cần được giám hộ. Những người giám hộ sẽ chịu trách nhiệm bảo đảm các con sông không bị “lạm dụng”, hay sử dụng sai mục đích. Họ có thể đại diện cho 2 con sông để kiện những tổ chức, cá nhân không bảo vệ 2 con sông linh thiêng.

   Quyết định này đã nhận được nhiều ý kiến phản hồi đa chiều. Bộ trưởng Bộ Tư pháp Ấn Độ Chris Finlayson cho rằng, việc trao quyền con người cho một con sông là một việc làm “độc nhất vô nhị”. Các con sông sẽ có tư cách pháp nhân riêng với tất cả quyền, trách nhiệm và nghĩa vụ như một con người. Việc này sẽ giúp bảo vệ các con sông. Luật sư MC. Pant, đại diện cho những người dân kêu gọi chính quyền giải tỏa lấn chiếm bờ sông Yamuna cũng khẳng định, nhờ vào Quyết định trên, các con sông đã có đầy đủ các quyền pháp định như con người, bao gồm quyền "được sống”. Ông Gerrard Albert, Trưởng nhóm đàm phán của Bộ tộc Whanganui nhấn mạnh: “Chúng tôi luôn xem 2 dòng sông linh thiêng trên như tổ tiên của mình, nên chúng tôi đấu tranh để pháp luật thừa nhận điều đó và tất cả mọi người đều phải đối xử với con sông như một thực thể đang sống, là một phần tổng thể không thể tách rời”. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cũng cho rằng, việc xem sông Hằng và Yamuna là “thực thể sống” sẽ không thể làm sạch 2 con sông ngay được, mà các quan chức, người gây ô nhiễm và người dân phải cùng hành động để cải thiện môi trường và ngăn chặn tình trạng gia tăng ô nhiễm của 2 con sông. Vấn đề cấp bách là cần phải nâng cao năng lực cho tất cả các bên liên quan để BVMT sông, đặc biệt là thay đổi thái độ văn hóa, phong tục, tập quán lâu đời của người dân Ấn Độ đối với 2 con sông “linh thiêng”.

   Mặc dù vậy, quyết định của Tòa án Tối cao bang Uttarakhand vẫn là giải pháp cần thiết nhằm phục hồi môi trường sông Hằng và Yamuna. Đây là nền móng cho việc ban hành các đạo luật “tiến bộ và dân chủ” để thừa nhận các con sông trên khắp Ấn Độ là một quần thể sinh thái hợp nhất, tất cả các bên phải cùng quản lý, đồng thời, có sự tham gia của cộng đồng người dân. Việc công nhận tư cách con người không biến dòng sông thành một con người thực thụ, nhưng cho thấy tầm quan trọng của dòng sông đối với người dân sống trong khu vực nơi có dòng sông chảy quan

                Thu Quỳnh
(Theo UNEP và The Gurdian)

Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 9/2017

Ý kiến của bạn