31/03/2016
Việc chuyển đổi kinh tế của Trung Quốc trong ba thập kỷ qua mang lại giá trị kinh tế to lớn cho người dân, nhưng cũng khiến môi trường tại quốc gia này trở nên ô nhiễm trầm trọng. Thủ đô Bắc Kinh và 70 thành phố của Trung Quốc, khói mù đã bao phủ trên diện rộng buộc chính quyền phải đưa ra các mức báo động.
Các nhà nghiên cứu đã chỉ ra nguyên nhẫn dẫn đến tình trạng trên là do từ nhiều năm qua, Chính phủ Trung Quốc chỉ chú trọng đến tỷ lệ tăng trưởng, mà không quan tâm đến khía cạnh môi trường. Nồng độ các chất ô nhiễm không khí tại hầu hết các đô thị lớn vượt nhiều lần mức khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). Đây là hậu quả của chính sách phát triển kinh tế, đặc biệt là chính sách phát triển tràn lan ngành nhiệt điện than, với thị phần khoảng 70% tổng sản lượng điện toàn quốc, riêng với các vùng miền Bắc Trung Quốc, tỷ lệ này lên tới 90%. Đây là nguồn phát thải chủ yếu khí độc hại CO2. Mặt khác, trong điều kiện kinh tế phát triển, số xe hơi cá nhân lưu thông trên đường phố, đặc biệt ở thủ đô Bắc Kinh cũng ngày càng tăng, góp phần phát sinh các loại khí ô nhiễm độc hại.
Nhận thức được vấn đề này, Chính phủ Trung Quốc đã đưa ra nhiều biện pháp đối phó tạm thời và cấp bách, như tạm ngưng hoặc giảm bớt một số nhà máy, hạn chế số xe hơi lưu thông trên đường trong thời gian nhất định, đồng thời, tăng cường hệ thống chuyên chở công cộng, trong đó có hệ thống tàu điện ngầm, để đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân; khuyến cáo người dân hạn chế các hoạt động ngoài trời, học sinh có thể tiếp tục chương trình học thông qua Internet… vào các ngày ô nhiễm nghiêm trọng.
Tuy nhiên, Chính phủ Trung Quốc cần phải đưa ra được các chiến lược lâu dài và có hiệu quả cho việc phát triển bền vững của nền kinh tế nước này. Một nghiên cứu của Tổ chức Nghiên cứu và Phát triển của Mỹ đã chỉ ra, Trung Quốc cần tiêu tốn khoảng 215 tỷ USD hàng năm để khắc phục tình trạng ô nhiễm, làm giảm áp lực của các vấn đề môi trường lên hoạt động sản xuất, cứu sống cho vô số người mắc các bệnh về đường hô hấp. Tuy đây là một số tiền không nhỏ, nhưng lại không đáng kể khi so sánh với hậu quả mà tình trạng ô nhiễm không khí tác động đến nền kinh tế của Trung Quốc. Ước tính, thiệt hại về sức khỏe và chi phí năng suất lao động chiếm tới 6,5% của tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nước này. Áp dụng vào năm 2012, GDP của Trung Quốc là 8,2 nghìn tỷ USD, nếu việc giảm thiểu ô nhiễm không khí ở Trung Quốc được khắc phục (giảm tới mức “chấp nhận” bởi WHO), Trung Quốc sẽ tiết kiệm được khoảng 500 tỷ USD/năm (theo Tổ chức Nghiên cứu và Phát triển của Mỹ).
Nhà máy nhiệt điện Pannan ở quận Pan, TP. Lục Bàn Thủy, tỉnh Quý Châu, Trung Quốc |
Giải pháp đầu tiên và cũng là giải pháp mang lại nhiều lợi ích nhất mà các nhà cầm quyền Trung Quốc đưa ra là thay thế than đá bằng các loại khí đốt tự nhiên trong sinh hoạt, cũng như hoạt động thương mại. Nồi hơi và lò đốt sử dụng nhiên liệu là than đá, gỗ, hoặc các chất thải là nguồn phát sinh ô nhiễm lớn, có hại tới sức khỏe và tuổi thọ người dân, đặc biệt là miền Bắc Trung Quốc. Với chi phí được tính vào khoảng 32 - 52 tỷ USD một năm, giải pháp này được cho là hoàn toàn khả thi và đầy hứa hẹn.
Hiệp hội Hợp tác Bắc Kinh về Phòng chống và Kiểm soát sương mù do khói bụi được thành lập và họp buổi đầu tiên vào 13/6/2015 tại Bắc Kinh, Trung Quốc |
Tiếp theo, Trung Quốc cần thực hiện giải pháp tốn kém hơn, đó là đóng cửa một nửa số nhà máy điện chạy bằng than và thay thế chúng bằng nhiên liệu sạch hơn như khí đốt tự nhiên, điện hạt nhân và các dạng năng lượng tái tạo. Than được sử dụng để tạo ra phần lớn lượng điện Trung Quốc, chiếm 79% trong những năm gần đây. Trong khi đó, Mỹ tạo ra khoảng 40% lượng điện từ nguyên liệu này. Để đạt được chất lượng không khí trong lành, Trung Quốc sẽ phải thay thế một số lượng đáng kể nhiệt điện than, đặc biệt là trong hoặc gần khu vực trung tâm dân cư lớn. Cũng theo các chuyên gia, chi phí để thay thế một nửa nhiệt điện than bằng năng lượng tái tạo hay năng lượng hạt nhân vào khoảng 184 tỷ USD mỗi năm. Nhưng bù lại, lượng phát thải các hạt siêu bụi và lưu huỳnh điôxit sẽ giảm xuống 25%, giúp cải thiện đáng kể tới chất lượng không khí của quốc gia ô nhiễm bậc nhất thế giới này.
Giải pháp thứ ba là đẩy mạnh loại bỏ các loại xe cơ giới cũ và gây ô nhiễm cao. Hiện tại, Trung Quốc đang tiến hành, theo đó, hơn 1/3 những loại xe hơi và xe tải loại này sẽ bị cấm lưu thông vào cuối năm 2015. Tuy nhiên, có thể Chương trình sẽ được đẩy mạnh trong thời gian tới thông qua một chương trình mua lại của Chính phủ, từng rất thành công tại TP. Đông Quản, tỉnh Quảng Đông. Theo thống kê, hiện tại có hơn 14 triệu xe lưu thông trên đường Trung Quốc không có, hoặc có thiết bị kiểm soát ô nhiễm rất thô sơ. Theo các chuyên gia, nếu việc loại bỏ các loại xe này tiến hành từ năm 2009 thì sẽ loại bỏ 70% cácbon monoxit, 70% các hydrô cácbon dễ bay hơi, 61% các oxit nitơ, và 76% các hạt vật chất khác. Chi phí mỗi lần loại bỏ các xe gây ô nhiễm cao vào khoảng 21 - 42 tỷ USD.
Người dân Trung Quốc đặc biệt quan tâm tới các chính sách và cam kết của Chính phủ trong việc BVMT, do đó, các nhà lãnh đạo Trung Quốc cần phải tiến hành các giải pháp một cách khẩn trương và quyết liệt hơn nữa. Báo cáo với Quốc hội, Thủ tướng Lý Khắc Cường cho biết, Trung Quốc sẽ "tuyên chiến với ô nhiễm", đồng thời, ông khẳng định, ba bước đề nghị trên sẽ mang tới hiệu quả và tiết kiệm chi phí cho Trung Quốc.
Trang Lưu