02/02/2016
Tập đoàn Kyocera ở Nhật Bản bắt đầu xây dựng nhà máy điện mặt trời nổi lớn nhất thế giới với công suất đủ đáp ứng nhu cầu cho 5.000 hộ dân.
Toàn cảnh nhà máy điện Mặt trời nổi Yamakura đang xây tại Nhật Bản
Xu hướng xây dựng nhà máy điện mặt trời nổi trên mặt nước đã xuất hiện một vài năm trước. Xu hướng này đáp ứng nhu cầu giảm thiểu sự chiếm dụng khoảng không gian rộng lớn trên mặt đất trong công nghệ sử dụng công nghệ quang điện SPV.
Đối với các quốc gia “hiếm đất” và nhiều sông, hồ, biển cả như Nhật Bản, công nghệ mới nói trên quả là thích hợp, ngoài công năng quý giá khác là các tấm thu năng lượng mặt trời nổi sẽ được làm mát bởi phần nước phía dưới, do đó làm tăng hiệu quả hoạt động lên 57% so với các tấm thu năng lượng mặt trời trên cạn. Mặt khác, các tấm thu này cũng giúp ngăn chặn 90% nước bốc hơi từ bề mặt được che phủ phía dưới và đồng thời có tác dụng ngăn chặn tảo xanh phát triển bằng cách giữ mát cho bề mặt nước, cải thiện chất lượng nước qua xử lý.
Dự án được khởi công vào tháng 12/2015 tại hồ chứa nước Yamakura, do Cơ quan Quản lý Công của tỉnh Chiba điều hành. Sau khi hoàn thành năm 2018, nhà máy điện mặt trời nổi Yamakura sẽ có tổng công suất khoảng 13,7 MW, gồm 51.000 module phát điện. Dù Yamakura được coi là nhà máy quang năng nổi có quy mô và công suất lớn nhất thế giới, nó vẫn kém xa so với nhà máy điện mặt trời lớn nhất hiện nay trên đất liền tại Rosamond, California, Mỹ, nơi có 13 km2 pin năng lượng mặt trời, với công suất 579 MW.
Sau thảm họa Fukushima năm 2011, tất cả nhà máy điện hạt nhân tại Nhật Bản tạm thời ngừng hoạt động, khiến nước này phải tăng cường hoạt động của các nhà máy nhiệt điện, gây ảnh hưởng lớn đến cam kết hạn chế phát thải CO2 và phòng chống biến đổi khí hậu. Kể từ đó, Nhật Bản quan tâm hơn và gia tăng sử dụng các nguồn tài nguyên năng lượng tái tạo và năng lượng xanh. Dự án tại hồ chứa nước Yamakura sẽ là nhà máy điện mặt trời nổi của Kyocera sau một nhà máy được vận hành vào tháng 3/2015, một nhà máy được khởi động vào tháng 6/2015.
Đức Anh